Nơi đâu có thủy điện, nơi đó có người dân bị thiệt hại

Google News

Khi những công trình thủy điện mọc lên thì cũng là lúc cuộc sống của người dân vùng hạ lưu của tỉnh Kon Tum bị xáo trộn, bấp bênh hơn bao giờ hết.

Noi dau co thuy dien, noi do co nguoi dan bi thiet hai
Thủy điện Thượng Kon Tum xây dựng đồng nghĩa với việc sông Đăk Snghé trở thành “dòng sông chết”. Ảnh: Đ.L. 
Cuộc sống bấp bênh bên cạnh các dự án thủy điện
Đã hơn nửa năm trôi qua, kể từ ngày thủy điện Thượng Kon Tum (Công ty cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh làm chủ đầu tư) xả lũ khiến hàng chục ha đất, hoa màu bị cuốn trôi, người dân thôn 3 xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum vẫn chưa nhận được tiền bồi thường thiệt hại.
Theo lời kể của người dân, khoảng tháng 10/2020, khi đang làm việc trên rẫy phía hạ lưu sông Đăk Snghé thì thủy điện Thượng Kon Tum báo động xả lũ. Chỉ khoảng 3-4 giờ đồng hồ,nước lũ đã nhấn chìm nhiều diện tích đồng ruộng, nương rẫy của bà con nằm sát bờ sông.
Nhắc đến chuyện này, ông Mai Văn Bình (trú thôn 3, xã Tân Lập) cho biết, lúc bấy giờ trời không mưa nên rõ ràng do thủy điện xả lũ khiến nhiều diện tích cà phê, hoa màu của gia đình bị chìm trong nước. Ông Bình cho biết, gia đình có trồng 1,5 ha cà phê xen cây ăn trái đang đến thời kỳ thu hoạch thì bị lũ cuốn trôi.
“Tổng thiệt hại ước tính khoảng hơn 100 triệu đồng nhưng đến nay gia đình vẫn chưa nhận được tiền bồi thường”, ông Bình chia sẻ.
Theo ông Bình, cũng vào khoảng đầu năm 2020, thủy điện này cũng chặn dòng tích nước gây khô hạn cho vùng sản xuất của người dân. Khi đó, thủy điện đã bồi thường cho người dân hơn 1 tỷ đồng.
Liên quan đến những thiệt hại do thủy điện gây ra, thủy điện Đăk Re (nằm trên địa bàn thôn 1, thôn 2 và thôn Kon Plinh thuộc xã Hiếu, huyện Kon Plông) do Công ty Cổ phần Thủy điện Thiên Tân (Quãng Ngãi) làm chủ đầu tư trong quá trình thi công gây sạt lở nghiêm trọng đến ruộng lúa và hoa màu khiến nhiều hộ dân khóc ròng.
Noi dau co thuy dien, noi do co nguoi dan bi thiet hai-Hinh-2
Phía hạ du của sông Đăk Snghé gần như không có nước vào mùa khô. Ảnh: T.A.
Nhiều người dân nơi đây cho biết, khi thuỷ điện Đăk Re xây dựng, nước từ suối Đăk So Rach đổ về suối Đăk Re rất lớn. Đặc biệt, trong cơn bão số 9 hồi tháng 10/2020 và mới nhất là cơn bão số 12, nước suối Đăk Re dâng cao đã gây sạt lở diện rộng tại các thôn thôn 1, thôn 2 và thôn Kon Plinh.
Theo báo cáo tình hình thiệt hại của UBND xã Hiếu, thủy điện Đăk Re trong quá trình xây dựng đã gây thiệt hại trên 10 ha đất sản xuất của 73 hộ dân trên địa bàn xã. Trong đó, diện tích đất bị thiệt hại phần lớn do sạt lở, đất đá vùi lấp hoàn toàn, không thể sản xuất.
Mới đây nhất, trong buổi tiếp xúc cử tri, ông Nguyễn Văn Hậu (tổ 10, thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô) bức xúc cho biết, hiện trên sông Đăk Pxi đoạn qua huyện Đăk Hà và Đăk Tô có đến 5 thủy điện “án ngữ”, như vậy liệu có đảm bảo về môi trường và quy hoạch không?
Hứng chịu hậu quả khi thủy điện “bẻ dòng nước”
Theo số liệu báo Nông Nghiệp Việt Nam có được, khoảng tháng 2/2020, thuỷ điện Thượng Kon Tum đưa vào vận hành đã chặn dòng tích nước trên sông Đăk Snghé. Cũng trên dòng sông này, cách đó khoảng 30km phíahạ du, thuỷ điện Đắk Ne (Công ty cổ phần đầu tư năng lượng Trường Thịnh) tiếp tục chặn dòng phát điện và chỉ trả một lượng nhỏ nước về hạ du theo lịch 2 lần/ngày. Không đủ nước tưới, khiến hàng trăm ha cây trồng của người dân xã Tân Lập (huyện Kon Rẫy) héo khô.
Để có nước cho người dân cứu cây trồng, huyện Kon Rẫy đã phải huy động hàng trăm người dân đắp bao tải cát chặn, dẫn dòng vào cửa lấy nước của mương thuỷ lợi nhằm đảm bảo nguồn nước tưới. Tuy nhiên lượng nước thủy điện trả về môi trường quá ít không đủ tưới nên cây trồng vẫn bị chết.
Điều đáng nói, thủy điện Thượng Kon Tum là một trong 2 thủy điện ngược đời tại Tây Nguyên khi “bẻ dòng chảy” của con sông Đăk Snghé để đưa về sông Trà Khúc (Quảng Ngãi).
Thượng Kon Tum là nhà máy thủy điện kiểu đường dẫn, được khởi công xây dựng từ năm 2009. Sau nhiều lần chậm tiến độ, đến tháng 2/2020 thủy điện này mới bắt đầu tích nước và vận hành thử nghiệm.
Noi dau co thuy dien, noi do co nguoi dan bi thiet hai-Hinh-3
Thi công thủy điện Đăk Re đã khiến đất sản xuất của người dân bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Đ.L. 
Trước việc sông Đăk Snghé bị “bẻ dòng chảy”, Tiến sĩ Đào Trọng Tứ, Trưởng ban Điều hành mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho biết, đối với dự án thủy điện Thượng Kon Tum thì phải trách nhà nước vì đã cho phép xây dựng mà không tính hậu quả để lại. Việc chuyển nước lưu vực, thay đổi dòng chảy của sông là vấn đề đặc biệt ảnh hưởng đến môi trường.
Câu chuyện nắn dòng chảy cần phải hạn chế, nhất là khu vực Tây Nguyên vốn đã khô hạn nay lại phải chuyển dòng nước về tỉnh Quảng Ngãi. “Thủy điện lấy nước ở Kon Tum đưa về Quảng Ngãi. Như vậy, Quảng Ngãi được hưởng lợi, Kon Tum lại chịu ảnh hưởng. Vào mùa khô kiệt, nước bị chuyển từ đường ống vào máy phát điện rồi qua tỉnh bạn. Còn mùa mưa lũ khi nước đã chứa đầy, hồ sẽ xả nước xuống hạ lưu. Người dân ở hạ lưu sông Đăk Snghé phải hứng chịu toàn bộ tác động môi trường. Từ đó, người dânphía hạ nguồn sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc trồng trọt, chăn nuôi.
Bài học về Thủy điện An Khê- Kanak trên sông Ba vẫn còn đó, một công trình “sai lầm thế kỷ”. Người dân vùng hạ lưu An Khê rất khổ khi hứng chịu lũ vào mùa mưa, hạn hán vào mùa khô. Thủy điện An Khê đưa nước từ Gia Lai sang sông Kôn Bình Định, qua đó làm thay đổi toàn bộ hệ thống dòngnước ở hạ nguồn.
Tiến sĩ Đào Trọng Tứ cho biết: Những năm gần đây, việc phát triển các dự án thủy điện vừa và nhỏ đã tạo ra những hệ lụy khủng khiếp đến môi trường sống. Chúng tôi cũng đang muốn tìm hiểu xem tại sao Quốc hội đã có quyết định cho tạm dừng những thủy điện vừa và nhỏ nhưng nhiều địa phương vẫn phê duyệt dự án. Phải chăng vì một nhóm lợi ích hay quyền lợi cá nhân nào đó mà họ đã bất chấp cho phê duyệt dự án, dẫn đến môi trường bị tàn phá.
Việc ồ ạt phát triển các dự án thủy điện đã chiếm dụng rất nhiều đất đai, xâm chiếm đất rừng. Đặc biệt là câu chuyện mở đường, xẻ núi để xây dựng thủy điện đã gây ra tình trạng sạt sở nghiêm trọng. Chưa kể, việc mở đường còn tạo cơ hội cho lâm tặc thuận tiện đi lại để phá rừng.
Theo Nông Nghiệp Việt Nam