Chúng tôi tìm về nhà bà Lê Thị Lựu (phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế) vào ngày Huế đang trong trận mưa lịch sử, khi khắp các nẻo đường đều chìm trong biển nước.
Trước mắt chúng tôi là căn nhà xập xệ, hư hại nghiêm trọng theo sự tàn phá của thời gian và mưa bão. Nhìn ba đứa con bệnh tật nằm ngủ, bà khẽ lau nước mắt rồi nói: “Nhìn ba đứa hắn ngủ thì thấy hiền, thấy tội mà thức dậy là la hét, đập phá ai cũng sợ!”.
|
Bà Lựu và 3 đứa con tâm thần trước căn nhà dột nát. |
40 năm nuôi 3 con tâm thần
Đến chợ Mai (thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế) hỏi bà Lựu, không ai là không biết bởi hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của gia đình bà.
Năm nay dù đã 61 tuổi, nhưng hằng ngày bà vẫn ra chợ bán từng mớ rau, kiếm tiền nuôi ba người con bị tâm thần. Bà con ở chợ đã quá quen thuộc với hình ảnh hằng ngày bà lầm lũi đạp chiếc xe đạp đã cũ đến chợ. Bất kể dù nắng hay mưa, người ta vẫn thấy bà “bám” lấy chợ từ sáng sớm đến tối khuya mới về.
Bà Lanh, một người buôn bán ở chợ Mai chia sẻ: “Nhà cô ấy tội lắm con ạ, ở đây ai cũng thương! Nhưng mình cũng nghèo nên không giúp được gì”.
Thời còn trẻ, bà Lựu cũng mong có được một gia đình nhỏ hạnh phúc, yên ấm đầy tiếng cười trẻ thơ như bao người con gái khác. Hồi ấy, bà trót yêu một người đàn ông hiền lành cùng thôn, cả hai đều đã tính đến chuyện hôn nhân. Cuộc hôn nhân ấy vấp phải sự phản đối quyết liệt của gia đình, vì chồng bà đó vốn mang bệnh tâm thần nhẹ. Nhưng vì tình yêu thương của mình, bà vẫn quyết tâm kết hôn bỏ mặc những lời can ngăn.
|
Đã 40 năm qua bà Lựu sớm khuya với nghề bán rau ở chợ để kiếm tiền nuôi ba đứa con tâm thần. |
Sau đám cưới, niềm vui vỡ òa với vợ chồng bà khi người con gái đầu chào đời bụ bẫm, khỏe mạnh. Nhưng niềm vui chưa được lâu thì tai ương ập tới với vợ chồng bà, 3 người con được sinh ra sau đó lần lượt đều có dấu hiệu bị tâm thần. Gia đình vốn đã nghèo khó nay lại càng túng quẫn hơn khi phải lo chạy chữa thuốc thang cho con.
Tui sợ mai này kiệt sức rồi ngã xuống đất, lấy ai đút cơm cho con ăn, lấy ai giặt quần áo cho con, ba đứa hắn sẽ sống dựa vào ai? Sống làm răng?
Bà Lê Thị Lựu
Không dừng lại ở đó, bất hạnh tiếp tuc ập đến với bà khi chồng của bà cũng qua đời không lâu sau đó vì bạo bệnh. Nén nước mắt, bà cố gắng gượng sống để chăm lo cho 4 đứa con thơ dại, bệnh tật.
Đến nay, con gái đầu lòng là Phùng Thị Đào đã có gia đình riêng; con trai thứ hai là Phùng Hồ Chánh (34 tuổi) thì suốt ngày la hét, đi lơ ngơ không biết đường về, bà Lựu phải nuốt nước mắt thuê người xây phòng nhốt con lại; người con thứ ba là Phùng Thị Lê (28 tuổi) cũng chỉ biết vệ sinh cá nhân; còn con út là Phùng Hồ Viên (24 tuổi) bị nhẹ hơn, vẫn có thể chở được rau ra chợ giúp bà những lúc tỉnh táo.
Từ 4 giờ sáng, bà đã đi mua rau rồi đem ra chợ bán lẻ cho người dân. Bà con ở chợ ai cũng thương tình, người thì mua cho bó rau, người thì cho con cá cải thiện bữa ăn. Lúc bà ra chợ, con gái thứ ba cũng theo mẹ ra chợ xin ăn, ai cho gì đều lấy.
Đến trưa, bà lại tất tả đạp xe về nhà cho ba người con ăn, tranh thủ dọn dẹp, vệ sinh cá nhân cho con, rồi lại vội vã đạp xe đi cho kịp chợ chiều.
|
Người mẹ già nuốt nước mắt xây phòng nhốt con vì sợ con bỏ đi lang thang. |
Đến tối, Bà Lựu lại lầm lũi, mệt mỏi trở về nhà sau một ngày bán rau chưa được quá 30 nghìn để lo cho các con ăn. Cứ thế, cuộc sống của bà trôi đi trong sự khó khăn, thiếu thốn đã gần 40 năm nay.
Ước mơ của người mẹ nghèo
Bà Lựu nay đã ở cái tuổi “gần đất xa trời”, trong mình cũng mang nhiều bệnh tật mà không có tiền chạy chữa, hàng ngày bà vẫn bị những cơn đau hành hạ. Nhưng nỗi đau thể xác không sánh bằng nỗi đau trong lòng bà, nỗi lo lắng cho tương lai những đứa con.
Bà Lựu nghẹn ngào: “Nhiều khi tui đau mà không dám lấy thuốc uống, sợ con cái đói ăn nên đành để bệnh vậy”. Đã có lúc người mẹ già ấy bất lực, muốn buông xuôi mọi thứ bằng cách tìm đến cái chết, nhưng rồi vì tình yêu cho ba đứa con điên dại, không nơi nương tựa, bà lại ngầm ngùi chấp nhận số phận. Cứ thế, bốn mẹ con bà bám víu vào nhau mà sống trong cơ cực.
Mỗi lần nhìn những đứa con ngây dại ngủ say, bà lại trăn trở nỗi lòng. “Tui sợ mai này kiệt sức rồi ngã xuống đất, lấy ai đút cơm cho con ăn, lấy ai giặt quần áo cho con, ba đứa hắn sẽ sống dựa vào ai? Sống làm răng?”, nói rồi bà lau nước mắt nhìn xa xăm.
|
Căn nhà cấp bốn dột nát là nơi trú chân của bà Lựu cùng ba người con tâm thần. |
Căn nhà nơi bốn mẹ con bà Lựu sinh sống đã xuống cấp trầm trọng. Tường nhà mục nát, bong tróc và nứt nẻ chưa biết sập bất cứ lúc nào. Mái ngói thì cũ kĩ, rệu nước, ngày nắng thì nóng đổ lửa, ngày mưa thì nước giọt như ở ngoài trời.
Có mỗi miếng bạt bà để dành che cho bàn thờ tổ tiên, còn mẹ con thì ôm nhau ngồi co ro trên giường. Bà Lựu tâm sự: “Cả cuộc đời tui chỉ mong sao mẹ con có được gian nhà cấp bốn, chỉ cần vừa đủ cho mẹ con che mưa, che nắng là tui vui lắm rồi. Cũng an tâm sau ni có chết con cái có chỗ ở đàng hoàng.”
Trên thực tế, bao nhiêu năm nay, gia đình bà thuộc diện hộ nghèo tàn tật, cực kỳ khó khăn. Số tiền trợ cấp của ba người con mỗi tháng và tiền bán rau cũng chỉ đủ cho bà trang trải cuộc sống qua ngày. Ước mơ về một gian nhà đàng hoàng dường như quá xa vời với mẹ con bà.
Theo VTC News