6 tháng bị địch tra tấn không trừ một ngày
Nữ biệt động Hồ Thị Thừa (SN 1945, thương binh loại 4/4) tiếp tôi trong căn nhà nhỏ thuộc phường Hoa Lư, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Trước mắt tôi là một người phụ nữ có mái tóc đã chớm hơi sương, đôi bàn tay, bàn chân teo tóp vì những di chứng của chiến tranh để lại.
Bằng câu chuyện thân tình, bà kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng hoạt động trong lòng địch và hơn cả là giây phút thiêng liêng, ấm áp gặp Bác Hồ.
|
Nữ biệt động Hồ Thị Thừa cùng chồng là ông Phan Văn Khiêm. |
Sinh ra trong một gia đình có 7 anh chị em ở huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên Huế. Lúc bà lên 5 tuổi, cha bị giặc Pháp xử bắn, hai năm sau mẹ cũng bị giặc tù đày tra tấn ở nhà lao Huế cho đến chết. Chứng kiến cảnh từng người trong gia đình hy sinh vì giặc, cảnh nước mất nhà tan, người thiếu nữ năm ấy một lòng quyết tâm đi theo cách mạng.
Những ngày đầu, bà được phân công làm nhiệm vụ liên lạc và nắm bắt thông tin của địch, bà nhớ lại: “Ngày đó, đối với những khu vực mà bọn Mỹ đang chiếm đóng, chúng ta luôn phải xác định ‘Đêm của ta, ngày của nó”.
Bà nhớ như in một đêm tối năm 1967, trên đường đưa tài liệu về cơ sở, bà bị giặc Mỹ phát hiện. Lo sợ tài liệu sẽ bị địch thu giữ sẽ lộ hết bí mật, khi quân địch đưa bà đi đến cầu Vân Dương (huyện Hương Thuỷ - Thừa Thiên Huế), bà lập tức nhảy xuống sông, rút tài liệu dấu trong người chôn xuống bùn. Sau khi dấu thành công, bà bị 3 tên Mỹ xuống lôi lên và đưa về căn cứ của chúng.
Người thiếu nữ năm ấy đã bị địch dùng đủ mọi thủ đoạn để hành hạ hòng bắt khai ra bí mật, bà nhớ như in: “Khoảng thời gian bị bắt, chúng giẫm đạp lên người, đổ nước mắm trộn lẫn với ớt tươi cắt nhỏ vào miệng và mặt tôi. Chúng buộc hai ống quần lại rồi bỏ rắn (loại rắn không độc) vào để tra tấn. Còn hai bàn tay và đôi chân của tôi bị đóng đinh và đánh đến dập nát. Thế nhưng tôi thà ‘chết vinh còn hơn sống nhục’, nghiến răng chịu đựng không hé môi lấy nửa lời”.
|
Nữ biệt động Hồ Thị Thừa trong một lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Ảnh nhân vật cung cấp). |
Ròng rã suốt 6 tháng trời chịu tra tấn, đau đớn tới tột cùng, thì bà được thả tự do vì dù dùng hết mọi thủ đoạn, quân địch vẫn không thể ‘moi’ được thông tin gì từ bà.
Được thả ra, bà tiếp tục hoạt động cách mạng. Bà tham gia vào Tiểu đội Võ Thị Sáu (còn gọi là Tiểu đội 11 cô gái sông Hương). Tháng 1/1968, Tiểu đội 11 cô gái sông Hương được sự yểm trợ của K10, Đoàn 5 của Quân khu IV đã đánh úp cả một trung đội biệt kích Mỹ, giết chết 120 tên Mỹ-Ngụy, phá huỷ 5 xe tăng, xe bọc thép.
Sau chiến thắng này, bà được tổ chức cho ra Hà Nội để chữa bệnh sau những lần bị địch tra tấn gần như chết.
Lần gặp Bác Hồ đầu tiên
Sau nhiều ngày ở cùng Anh hùng lực lượng vũ trang Hồ Kan Lịch và Tạ Thị Kiều, tại số nhà 83, Lý Nam Đế (Hà Nội), bà được gặp và nói chuyện cùng bác Lê Duẩn, bác Phạm Văn Đồng và cả bác Tôn Đức Thắng.
“Thừa đâu rồi, cháu chuẩn bị để đi công tác với bác”, bác Phạm Văn Đồng nói với nữ biệt động Hồ Thị Thừa.
“Dạ, cháu có biết chữ đâu mà đi công tác hả bác?”.
“Không cần trình độ văn hóa đâu cháu, cứ đi với bác”, bác Phạm Văn Đồng xoa đầu bà rồi cười.
Một lúc sau, khi ra đến ngõ, tới đón bà là một chiếc xe ô tô màu đen, ngồi trong xe có cả bác Tôn Đức Thắng.
“Cháu là Hồ Thị Thừa phải không? Bây giờ cháu có muốn đi gặp Bác Hồ không?”.
Không cần để bác Tôn Đức Thắng đợi thêm một giây phút nào, bà nhanh nhảu đáp: “Dạ có bác ơi, cháu muốn được gặp Bác Hồ lắm!”.
Chiếc xe nhanh chóng đưa mọi người tới Phủ Chủ tịch. Tại đây, bà được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bác Trường Chinh. Trong lúc ngồi ở phòng khách để đợi Bác, nữ biệt động năm ấy vẫn chưa thể tin vào sự thật là mình được gặp Bác Hồ. Vừa lúc này, trước mắt bà, hình ảnh cụ ông đội chiếc mũ công nhân, mặc chiếc áo lụa Hà Đông màu xanh lam và chiếc quần kaki màu tro xám, đi đôi dép cao su xuất hiện. Bà vội vàng chạy tới ôm chầm lấy Bác.
Thấy bà không ngồi lên ghế mà ngồi xuống nền nhà, Bác liền hỏi: “Sao cháu không ngồi lên ghế?”.
“Cháu là bậc cháu của Bác nên cháu không cho phép mình ngồi ngang hàng với Bác ạ”.
“Cháu ngoan lắm, thôi Bác cho phép cháu được ngồi ngang với Bác đấy”.
“Sao cháu nhỏ thế này mà dám đánh lại thằng Mỹ to cao như thế?”, Bác Hồ tiếp tục hỏi.
“Thằng Mỹ nó to nhưng nó không có tinh thần. Nó là kẻ thù giết mẹ con, ba con, đồng đội con và đồng bào mình nên con phải đánh nó để trả thù cho ba mẹ, cho quê hương và đất nước”, bà dõng dạc đáp.
Khi nhắc tới giây phút được ngồi ăn cơm cùng bác với tôi, nữ biệt động Hồ Thị Thừa nhoẻn miệng cười, ngỡ chỉ như mới hôm qua: “Bữa cơm hôm đó, Bác gắp cho mỗi người một miếng thịt, riêng tôi được Bác gắp cho hai miếng".
“Cháu ăn đi, ăn nhiều vào cho khỏe”.
Rồi Bác hỏi mọi người: “Đố mọi người trong mâm cơm này là cơm miền nào?.
“Dạ cơm ni là cơm Huế ạ”.
“Vậy cơm Huế thì còn thiếu gì nữa?”
“Dạ thưa Bác, còn thiếu mắm ruốc ạ”.
"Thấy tôi trả lời như vậy, thì Bác và mọi người vỗ tay”, bà Thừa kể lại khi đôi mắt đang rơm rớm nước mắt vì hạnh phúc.
Bà Thừa cũng không quên lấy từ trong nhà một chiếc huy hiệu rồi khoe với tôi: “Hôm đó tôi còn được chụp ảnh với Bác, với Anh hùng Núp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng nữa đấy. Đây, Bác đã tặng tôi và mọi người, mỗi người một chiếc huy hiệu của Bác. Tôi giữ và nâng niu mãi đến bây giờ”.
Lần thứ hai gặp Bác Hồ: Nhớ như in những lời Bác dạy
May mắn mỉm cười với nữ biệt động Hồ Thị Thừa một lần nữa, khi sau hơn một tuần kể từ bữa cơm thân mật đó, bà lại được gặp Bác. Lần này, bà được bác Phạm Văn Đồng dẫn đến Phủ Chủ tịch để xem bộ phim “Sức mạnh tinh thần Liên Xô”.
|
Bà Hồ Thị Thừa khoe về hình ảnh kỉ niệm những năm tháng chiến tranh. |
Xuyên suốt khi bộ phim diễn ra, bà và mọi người được Bác phân tích, kể thêm về những cuộc kháng chiến trường kỳ vẻ vang của dân tộc.
“Thời gian gặp Bác lần thứ hai ngắn hơn lần đầu nhưng đối với tôi đó là những giây phút hạnh phúc nhất của một nữ biệt động. Lúc ra về, tôi bỗng bật khóc, chỉ muốn ở đó với Bác thêm nhiều nhiều lần nữa. Những lời chỉ bảo, căn dặn của Bác đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ như in”, bà cho biết.
Hai lần được gặp Bác là những ký ức thiêng liêng nhất đối với nữ biệt động Hồ Thị Thừa, nhờ vậy mà bà có thêm động lực để chữa trị bệnh cũng như cố gắng học tập.
Sau 6 năm chữa bệnh và học văn hóa ở Hà Nội, năm 1974, bà kết hôn với chồng là ông Phan Văn Khiêm (SN 1943), ông Khiêm là thương binh hạng 2/4.
Đến năm 1985, cả gia đình bà vào Gia Lai lập nghiệp. Sau đó, bà đảm nhận nhiều chức vụ như Tổ trưởng tổ phụ nữ, Phó Bí thư chi bộ 7, Chi hội trưởng Chi hội cựu chiến binh. Dù ở cương vị nào, bà cũng cũng làm tốt nhiệm vụ được giao.
Hơn 50 năm trôi qua, từ một nữ biệt động bé nhỏ còn vỡ oà khóc nức nở khi gặp Bác, giờ bà Hồ Thị Thừa đã là bà ngoại của những đứa cháu nhỏ. Dù vậy, thì kỷ niệm về hai lần gặp Bác và những lời Bác căn dặn đối với bà vẫn vẹn nguyên như mới đây.
Thanh Hải - Hiền Mai