Mới đây dư luận bức xúc trước clip ghi lại cảnh nữ chủ tiệm giày trên phố Nguyễn Quý Đức (Thanh Xuân, Hà Nội) chửi, đánh, đe doạ nhân viên cũ khi nữ nhân viên này đến đòi tiền lương.
Liên quan vụ việc chủ tiệm giày đánh chửi nhân viên cũ vì đòi tiền lương, Công an phường Thanh Xuân Bắc (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, đơn vị đã nắm được thông tin và sẽ cử cán bộ xuống địa bàn để xác minh làm rõ.
Dư luận quan tâm, hành vi chửi, tát, đe dọa nhân viên cũ của nữ chủ tiệm giày có vi phạm pháp luật hay không?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, như nội dung clip được đăng tải trên mạng xã hội, nữ chủ tiệm giày đánh chửi nhằm quỵt lương của sinh viên làm thêm không những là hành vi vô lương tâm, thiếu đạo đức mà còn là một hành vi vi phạm pháp luật, hành vi này đã gây bức xúc, phẫn nộ cho nhiều người bởi vậy cần phải lên án mạnh mẽ và xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật.
|
Hình ảnh cắt ra từ clip ghi lại vụ việc được đăng tải lên mạng xã hội. |
“Hành vi chửi bới, đe dọa, tát vào mặt nữ sinh viên làm thêm nhằm quýt lương là hành vi xâm hại đến sức khỏe, danh dự nhân phẩm người khác. Bởi vậy, việc cơ quan công an vào cuộc xác minh làm rõ và xử lý người phụ nữ trong clip là hoàn toàn có căn cứ, đúng pháp luật”, luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Luật sư Cường cho rằng, việc xử lý người phụ nữ này thế nào sẽ phụ thuộc vào động cơ mục đích, hành vi và hậu quả gây ra đối với nạn nhân.
Nếu kết quả xác minh của cơ quan công an cho thấy hành vi đánh chửi, xúc phạm danh dự nhân phẩm của nhân viên không chỉ một lần mà diễn ra liên tục, nhiều lần gây hậu quả nghiêm trọng, gây tổn thương nặng nề về tâm lý, sức khỏe của nạn nhân thì có thể xử lý hình sự người phụ nữ này về tội cố ý gây thương tích, tội làm nhục người khác hoặc tội hành hạ người khác tùy thuộc vào động cơ, mục đích, hành vi và hậu quả cụ thể...
Trong trường hợp không đủ căn cứ để xử lý hình sự với người phụ nữ này thì Cơ quan công an cũng vẫn có thể áp dụng quy định tại điểm c, khoản 3, điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội để xử phạt hành chính người phụ nữ này với mức phạt từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Nếu chỉ áp dụng khoản 1 điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP để xử phạt người phụ nữ này từ 100.000 đến 300.000 đồng vì hành vi có lời nói, cử chỉ xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác là không phù hợp, không đủ sức răn đe.
Ngoài ra, hành vi lộng ngôn coi thường, thách thức các cơ quan chức năng, thách thức các cán bộ lãnh đạo cũng cần phải xem xét giáo dục và xử lý theo quy định pháp luật ...
“Hành vi này khiến nhiều người lại nhớ đến hành vi lăng mạ, xúc phạm đến cán bộ xã của đối tượng Nguyễn Thái Luyện lãnh đạo Công ty Alibaba vừa bị khởi tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Với những con người dốt nát, tham lam, ỷ vào mối quan hệ, coi nặng tiền bạc, sẵn sàng xúc phạm đến người khác thì rất dễ vi phạm pháp luật...”, luật sư Đặng Văn Cường nêu ý kiến.
Đồng thời, ông cho rằng, thông tin trên clip cho thấy người phụ nữ này có thể do ít học, văn hóa thấp hoặc có thể là người từ vùng quê xa xôi nào đó mới đến Hà Nội nên không phân biệt được thế nào là thành phố, thủ đô và tỉnh, liên mồm nói là “tỉnh Hà Nội” khiến nhiều người bất ngờ.
“Điều khiến nhiều người bất ngờ và bức xúc hơn là người này còn lớn tiếng cho rằng đến thứ trưởng, bộ trưởng, chủ tịch tỉnh Hà Nội cũng không ngang cơ với chị ta...! Bởi vậy, trong quá trình xác minh thông tin sự việc cơ quan điều tra cũng làm rõ về thân thế, lai lịch và mối quan hệ của người phụ nữ này. Nếu quả thật người phụ nữ này là con cháu một ông to nào đó hoặc là vợ của quan chức lớn thì cũng cần xem lại những người này...
Nếu chỉ là “nổ” để dọa “trẻ con” thì cũng phần nào đánh giá được nhận thức về văn hóa của người phụ nữ này bởi vậy cũng cần phải có hình thức để răn đe, giáo dục cho người này để họ có được những bài học quý giá, trở thành người tốt, sống có ích cho xã hội”, luật sư Đặng Văn Cường cho hay.
Luật sư Cường cũng cho rằng, quá trình xác minh của cơ quan công an cũng sẽ làm rõ về hoạt động kinh doanh của người phụ nữ này, làm rõ việc kinh doanh có hợp pháp hay không, có nộp thuế theo quy định hay không, có ký hợp đồng hay không, hàng hóa buôn bán kinh doanh có hoá đơn, chứng từ hợp lệ hay không.... Hành vi vi phạm quy định về kinh doanh, về lao động (vi phạm quy định về hợp đồng lao động, về bảo hiểm, về thuế) cũng sẽ bị xem xét xử lý theo quy định pháp luật.
Nếu cơ quan chức năng có căn cứ xác định hành vi của chủ hiệu giày này vi phạm quy định của Bộ luật lao động về việc trả lương cho người lao động thì cũng cần phải xem xét xử phạt vi phạm hành chính với người chủ hiệu giày này theo quy định tại khoản 3, điều 13, Nghị định 95/2013/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung theo Nghị định 88/2015/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, cụ thể như sau: “Phạt tiền người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn theo quy định tại Điều 96 của Bộ luật lao động…theo một trong các mức sau đây: a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động.”.
Ngoài ra, người sử dụng lao động trên còn phải bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc trả đủ tiền lương cho người lao động theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định.
Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền clip với nội dung chủ một shop ở Hà Nội đánh, chửi mắng thậm tệ nữ nhân viên. Theo nội dung trong clip, nữ nhân viên là sinh viên tranh thủ nghỉ hè đi làm thêm. Khi cô bé sinh viên nghỉ việc và đến lấy tiền lương thì xảy ra đôi co với chủ shop.
Trong clip, nữ nhân viên vừa khóc vừa nói: "Sao chị lại đánh em?". Chưa dừng lại ở đó, chủ shop giầy còn đe dọa khiến nữ nhân viên sợ hãi. Clip được đăng tải lên mạng đã khiến dư luận bức xúc với lối hành xử côn đồ, vô văn hóa của chủ shop.
Hải Ninh