Nữ công nhân tử vong do chó cắn ở Hà Tĩnh: Trách nhiệm chủ chó?

Google News

Sự việc nữ công nhân trong lúc cho chó ăn thì bị tấn công dẫn tới tử vong khiến dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm của chủ chó?

Ngày 16/12, thông tin từ UBND phường Kỳ Thịnh (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) xác nhận, một nữ công nhân bị chó cắn tử vong xảy ra trên địa bàn. Cụ thể, khoảng 17h ngày 14/12, nhóm công nhân ở thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đi làm trở về nhà trọ ở phường Kỳ Thịnh, phát hiện chị Phạm Thị Ngân, 44 tuổi, quê Thanh Hóa nằm bất động dưới nền đất, cơ thể có nhiều vết thương. Qua kiểm tra, nạn nhân đã chết vài tiếng trước.
Nu cong nhan tu vong do cho can o Ha Tinh: Trach nhiem chu cho?
Con chó tấn công chị Ngân đã bị nhốt lại.
Qua khám nghiệm hiện trường và tử thi, pháp y kết luận chị Ngân tử vong do bị con chó cỏ (chó ta) nặng khoảng 20 kg của chủ nhà trọ tấn công trong lúc cho con vật này ăn. Thời điểm trên, chủ nhà và công nhân đều đi vắng. Con chó được chủ nhà trọ Lê Văn Mùng nuôi vài năm nay, gần đây anh này đi vắng nên nhờ công nhân thuê trọ chăm sóc, cho ăn theo bữa. Chị Ngân mới chuyển về đây làm công trình xây dựng được khoảng một tuần.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, vật nuôi là nguồn nguy hiểm cao độ, có thể gây ra thiệt hại cho người khác bất kỳ lúc nào. Vì vậy khi vật nuôi gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì chủ vật nuôi phải bồi thường thiệt hại, nếu vi phạm về việc quản lý, nuôi nhốt mà gây hậu quả nghiêm trọng thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Pháp luật quy định rất rõ ràng về bồi thường thiệt hại do súc vật, thú dữ gây ra. Kể cả trong trường hợp chủ sở hữu, người chiếm hữu, quản lý chủ nuôi không có lỗi thì vẫn phải bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thuộc trường hợp bất khả kháng hoặc lỗi hoàn toàn thuộc về nạn nhân.
Pháp luật Việt Nam hiện hành không cấm người dân nuôi chó, nhiều người đã chọn các loại chó khác nhau, trong đó có cả chó dữ để làm thú cưng, nuôi trong khu dân cư. Pháp luật quy định quá trình nuôi chăm sóc chó phải đảm bảo an toàn, phải tuân thủ các quy định pháp luật để đảm bảo an toàn cho những người xung quanh, an toàn cho cộng đồng. Theo Quyết định 193/QĐ-TTg ban hành ngày 13/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ, để khống chế và loại trừ bệnh dại, quy định người nuôi chó phải quản lý chó nuôi, phải tiêm phòng vaccine dại cho đàn chó, cam kết nuôi nhốt (hoặc xích), giữ chó trong khuôn viên của gia đình, khi ra ngoài còn phải đeo rọ mõm cho chó, khi đưa chó ra nơi công cộng phải xích giữ chó hoặc có người dắt.
Trường hợp để chó thả rông không có người dắt, không đeo rõ mõm dẫn đến chó cắn người thì đây là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quy định về đảm bảo an toàn nơi đông người, nếu hậu quả nghiêm trọng thì người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp hậu quả chưa nghiêm trọng thì hành vi này cũng sẽ bị xử phạt hành chính và phải bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Trường hợp chó cắn người mà hậu quả nạn nhân không tử vong, thương tích chưa nghiêm trọng thì người quản lý phải chủ vật nuôi sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 2, Điều 7 Nghị định 90/2017/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 04/2020/NĐ-CP, với mức phạt hành chính là phạt tiền 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Ngoài ra phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra đối với nạn nhân theo quy định của Bộ luật Dân sự về thiệt hại do vật nuôi gây ra và thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm.
Trường hợp người nuôi chó không tuân thủ quy định dẫn đến chó cắn chết người thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vô ý làm chết người" theo Điều 128 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt có thể đến 05 năm tù.
Đối với trường hợp để chó thả rông nơi công cộng, nơi đông người dẫn đến hậu quả chó cắn người mà nạn nhân không chết nhưng thương tích từ 61% trở lên hoặc thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên thì chủ vật nuôi cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vi phạm quy định về an toàn nơi đông người" theo Điều 295 Bộ luật Hình sự với mức phạt là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Ngoài ra, nếu hành vi vô ý gây thương tích cho nạn nhân mà hậu quả thương tích của nạn nhân từ 31 % trở lên thì người có lỗi vô ý cũng có thể bị xử lý hình sự về tội "Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác" theo quy định tại Điều 138 Bộ luật Hình sự.
Vì vậy, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý vật nuôi, đặc biệt là các loại chó dữ, nghiên cứu để ban hành các quy định nhằm cấm hoặc hạn chế những loại vật nuôi hùng dữ nguy hiểm, đảm bảo an toàn cho cộng đồng.
>>> Xem thêm video: Đau đầu vì chó cưng có “sở thích” tặng quà cho chủ
  
Gia Đạt