Chị Thương kể lại rằng, cha chị là người dạy học vì thế từ nhỏ ông đã muốn dạy chị học chữ, tập tô màu nhưng chị nhìn không rõ bất cứ thứ gì. Để cha mình vui lòng chị đã tô bừa lên những tờ giấy mà cha đưa.
Chị Thương nghẹn ngào: “Gia đình có 4 anh chị em thì có tôi và một người anh nữa mắc căn bệnh này. Lên 8 tuổi ánh sáng gần như biến mất trong đôi mắt tôi, gia đình đưa đi khám các bác sĩ kết luận tôi bị đục thủy tinh thể phải mổ. Ngày đó, điều kiện chưa có bằng bây giờ nên dù có mổ nhưng tôi vẫn không thể nhìn rõ, chỉ nghe tiếng mà đoán xem người đó là ai. Số phận đã như vậy rồi thì mình chỉ còn cách chấp nhận nó mà thôi”.
Ban đầu chị cũng buồn, tủi thân nhưng chưa bao giờ xuất hiện ý định buông xuôi, chị luôn ý thức được mình sẽ phải làm gì, ánh sáng có thể khép lại với chị nhưng cánh cửa tương lai của cuộc đời chị không cho phép đóng kín. Chị khao khát được đi học nhưng không nói ra vì sợ bố mẹ buồn.
“Đến năm 16 tuổi tôi nghe kể một anh khiếm thị gần nhà học chữ nổi, anh ấy đọc được những tiểu thuyết, tôi nghĩ chắc chắn người ta học được mình sẽ học được, tôi nhờ anh ấy dạy bảo. Khi hướng dẫn 1 tháng học xong chương trình xóa mù chữ, tôi đăng kí học thêm một lớp tại Thái Thụy xóa mù chữ cho người mù, rồi lại lên tỉnh học nâng cao….
|
Dù mắc nhiều căn bệnh hiểm nghèo nhưng chị Thương vẫn luôn tin tưởng ở tương lai. |
Tôi muốn được đi học để có thể tìm hiểu hơn về thế giới xung quanh. Học chữ nổi rất khó vì nó trừu tượng, đòi hỏi người học phải tập chung và tư duy rất nhiều. Nhưng chỉ sau ba tháng tôi đã học xong lớp học chữ nổi. Sau đó tôi còn đi học nhiều lớp để bổ sung kiến thức của mình.
Sau khi đi học về tôi được lên lớp để dạy các em khuyết tật học chữ nổi, nhưng lo vì mình thiếu kinh nghiệm, không vững vàng, dạy người ta có hiểu được hay không. Dù sao tôi đã bước qua được thử thách đầu tiên của cuộc đời. Lớp học đầu tiên có 10 người thì 8 người đọc thông viết thạo. Mọi khó khăn mà có quyết tâm đều làm được”, chị Thương chia sẻ.
Không dừng lại ở việc dạy cho các em bị mù học chữ nổi, chị bắt đầu đi học lớp xoa bóp bấm huyệt tại hội người mù tỉnh Thái Bình để kiếm tiền tự nuôi sống bản thân.
Những tưởng, vượt qua từng ấy thử thách thì mọi thứ sẽ mỉm cười với chị. Nhưng đến năm 2012 chị thấy mình yếu hơn, đi khám các bác sĩ kết luận chị bị hẹp van 2 lá, tuy nhiên thời điểm đó, kinh tế gia đình quá khó khăn, chị đành để bệnh sang một bên, chỉ uống thuốc để sức khỏe có thể ổn định hơn. Dù thế, tai ương vẫn chưa dừng lại khi mới đây, chị phát hiện ra mình bị bệnh máu khó đông.
“Dù mắc nhiều căn bệnh hiểm nghèo nhưng đối với tôi ngay từ đầu tôi xác định mình sinh ra là để chịu đựng những giông tố đó, nếu vượt qua được thì mình đã chiến thắng nó. Cuộc đời là thử thách, ngay từ nhỏ mình đã đủ bản lĩnh để bước qua thử thách đó thì bây giờ có gì là không thể. Tôi sẽ tạo niềm vui cho cuộc đời bằng cách sống thật ý nghĩa, giúp đỡ những người khó khăn hơn mình", chị Thương xúc động.
|
Học xong mát xa tẩm quất chị đi kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình. |
Nhiều người hỏi chị, tại sao chị không tìm một người đàn ông để làm chỗ dựa hay một đứa con để bớt cô đơn chị cười: “Tôi có gia đình, có công việc và những người bạn thì không sợ cô đơn. Tôi sợ rằng, nếu sinh con mà con giống mình thì sẽ gieo cho đứa trẻ đó đau khổ. Tôi chỉ muốn sống để giúp đỡ và truyền năng lượng cho những người khó khăn hơn mình”.
Trao đổi với PV, Bà Nguyễn Thị Lới, nguyên hội trưởng hội phụ nữ xã Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình) cho biết: “Chị Nguyễn Hoài Thương có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bố mẹ mất sớm chị Thương phải tự lực từ nhỏ dù không nhìn được. Mắc nhiều bệnh nhưng chị đã nỗ lực vươn lên, tự học, tự làm kiếm tiền đi bệnh viện. Hiện giờ chị đang bị căn bệnh máu khó đông, rất cần sự chung tay giúp sức của nhiều người để chị thoát khỏi căn bệnh hiểm nghèo”.
Theo M.Thu/Người Đưa Tin