Chỉ vì tham số tiền nhỏ trước mắt
Nguyễn Thị Hằng, SN 1981 ở Kim Bảng, Hà Nam có nét đằm thắm của người đàn bà một con nhưng đôi mắt thật buồn. Hằng bảo mặc dù được ở bên ngoài một thời gian chăm sóc cho con tròn 3 tuổi mới phải đi thi hành án song những khi chiều xuống thì nỗi nhớ nhà, nhớ con lại khiến lòng dạ cồn cào. Nhất là những khi thời tiết giao mùa, Hằng lại lo con ở nhà đau ốm. Mấy hôm nay trời rét đậm, Hằng trằn trọc không sao ngủ được vì lo đứa trẻ không đủ quần áo ấm, đêm về lại thiếu hơi mẹ ủ ấm, thế nào cũng thức giấc. “Vào đây rồi tôi mới có thời gian nhìn lại việc mình làm. Tôi suy nghĩ nhiều lắm, cứ nghĩ đến con mình rồi việc mình đã làm cho dù tôi không trực tiếp mua đứa trẻ rồi trao vào tay người khác nhưng dù thế nào thì việc làm của tôi cũng thật đáng trách”, Hằng tâm sự.
Theo tài liệu điều tra, đầu tháng 8-2013, thời điểm Hằng sinh con được mấy tháng, cô đang ở nhà trông con thì được mẹ chồng nhờ ra khu 7 phường Hải Yên, TP Móng Cái đón một đứa trẻ sơ sinh được một phụ nữ đi xe khách đường dài mang ra. Theo đó, Hằng đã cùng chồng đi xe máy ra khu vực trên để đón. Tuy nhiên, khi hai người vừa đón một phụ nữ đi xe khách xuống cùng với một đứa bé trên tay, còn chưa kịp trao nhau thì lực lượng CA xuất hiện, bắt giữ.
Tại CQCA, Hằng cho biết cô được mẹ chồng nhờ đi đón đứa trẻ còn sau đó đưa đi đâu, cho ai thì cô không được biết. Chồng cô cũng chỉ biết người phụ nữ mà vợ chồng Hằng sẽ bàn giao đứa trẻ này đứng đợi ở đường biên giới còn làm gì, ở đâu và sau đó đưa đứa trẻ đi đâu thì cả hai đều không nắm được. Mẹ chồng nhờ Hằng đi hộ việc và sẽ trả công 300 nghìn đồng.
Sau khi vụ án xảy ra, do đang trong thời gian nuôi con nhỏ nên Hằng được tại ngoại. Gần 2 năm sau, vụ án được đưa ra xét xử, lúc này con trai của Hằng cũng tròn 3 tuổi nên sau khi có mức án, nữ phạm nhân được đưa về trại giam Hoàng Tiến cải tạo.
|
Phạm nhân Nguyễn Thị Hằng cùng các phạm nhân nữ đang cải tạo ở trại giam Hoàng Tiến. |
...Và nỗi ân hận, thương con
“Tôi chỉ nghĩ đơn giản là mình chỉ đi nhận người hộ còn đem đi đâu, đưa cho ai là việc của người khác, mình có làm đâu mà chịu tội. Ngay cả khi bị bắt, tôi cũng luôn nghĩ là mình bị oan ức. Chỉ đến khi được cán bộ điều tra giảng giải, phân tích, tôi mới hiểu ra tội của mình. Nếu như tôi không nhận tiền, nếu như tôi biết việc làm của mẹ mình là sai, là vi phạm pháp luật thì phải ngăn cản thì có lẽ lương tâm cũng thanh thản hơn. Đằng này tôi không tố giác mà còn tiếp tay, giúp sức”, phạm nhân Nguyễn Thị Hằng bộc bạch.
Hằng bảo ngày đầu bị bắt, bị khép tội mua bán trẻ con cảm giác thấy trong người khó chịu lắm. Nhưng khi hiểu ra, Hằng lại chợt nghĩ đến con mình và thấy lòng day dứt. “Tôi chưa bao giờ đặt con mình vào trường hợp những đứa trẻ bị bán vì chỉ nghĩ đến đó thôi đã thấy ngột ngạt khó thở rồi. Ngày còn ở nhà, mẹ chồng tôi làm gì tôi cũng đâu biết vì mình nuôi con nhỏ chỉ quanh quẩn trong 4 bức tường có đi đến đâu đâu. Nếu liên tưởng con mình với đứa trẻ suýt bị đem bán đó, tôi đã không đồng ý đi nhận đứa trẻ giúp mẹ”, Hằng tâm sự.
Hằng bảo ngày mới vào trại giam, cô quay quắt nhớ con, hầu như đêm nào cũng không có được một giấc ngủ ngon lành. Cảm giác trống vắng khiến Hằng nhiều đêm bất giác đưa tay quờ quạng xung quanh. Cô bảo những khi ấy, trong đầu cứ nghĩ tới chuyện con nhỏ lăn xuống đất nên vội vàng tìm kiếm. Đến khi tỉnh giấc, nhớ ra rằng mình đang ở trại giam thì lại không sao ngủ được nữa. Hằng đã mất nhiều đêm như thế vừa trằn trọc suy nghĩ miên man để rồi thiếp đi trong giấc ngủ mệt nhoài. “Tôi may mắn hơn chồng vì không phải sống những ngày trong trại tạm giam nên không phải chịu đựng cảm giác bồn chồn lo lắng trước những bàn luận của mọi người về mức án của mình. Tôi được sống với con nhưng dù đã về quê để tránh những điều tiếng từ dư luận song việc hàng xóm xì xào, nghi kỵ cũng áp lực lắm”, Hằng kể.
Cô bảo từ khi đi trả án, được về đội sản xuất, ngày ngày ra đồng làm việc, hít thở không khí trong lành, tư tưởng cũng thoải mái hơn. Công việc chính của Hằng là trồng rau, được đi lại và không gò bó nên cô cảm thấy khỏe hơn. Hằng bảo ngày chưa có án, suốt ngày suy nghĩ rồi mường tượng cảnh phải sống trong tù mà lo sợ nhưng khi về trại cải tạo, cô thấy những suy nghĩ, mường tượng trước đó của mình là hoàn toàn sai lệch. “Tôi cứ nghĩ trại giam là một nơi kinh khủng lắm vì ở đó toàn những kẻ phạm tội, giang hồ dữ dằn. Nhưng khi vào đây rồi tôi mới thấy mình thiển cận. Ở trong này mọi người làm việc có nội qui, giờ giấc. Tuần làm việc có 2 ngày nghỉ, được tham gia văn hóa văn nghệ, thể thao, đọc sách, xem tivi. Môi trường sống thì thoáng đãng, sạch sẽ. Hoàn toàn khác xa so với những gì mà tôi hình dung trước đó”, Hằng cười nói.
Cô bảo sẽ cố gắng cải tạo thật tốt để được giảm án, sớm trở về nhà lao động nuôi con. “Nếu tôi cố gắng cải tạo tốt thì lúc tôi về cũng vẫn kịp lo cho con trai. Lúc ấy con tôi cũng đi học rồi, nó cần phải có mẹ bên cạnh để dạy bảo, uốn nắn. Chồng tôi chắc cũng có suy nghĩ như tôi, cố gắng cải tạo tốt để sớm ra tù”, nữ phạm nhân này tâm sự.
Hỏi Hằng sau chuyện vừa rồi có trách mẹ chồng không, cô tư lự: “Dù sao chuyện cũng xảy ra rồi. Trách cũng chẳng đem lại điều gì khi mà bà ấy cũng đi tù, có sướng gì hơn tôi đâu”.
Hỏi Hằng từ ngày đi tù có lần nào được gặp chồng chưa, cô bảo thi thoảng cũng được cán bộ tạo điều kiện cho hai vợ chồng gặp gỡ, nói chuyện. Chỉ là được ngồi với nhau trò chuyện như những phạm nhân khác gặp người thân ở nhà thăm gặp thôi nhưng với Hằng, thế cũng là hạnh phúc lắm rồi. Cô bảo ngày thường mỗi khi xếp hàng chuẩn bị đi lao động, Hằng lại đưa mắt nhìn xung quanh xem đội của chồng giờ đó đã đi làm hay chưa. Vẫn chỉ là những bộ quần áo kẻ sọc nhưng cái dáng đi của chồng, Hằng nhận ra ngay.
Hằng bảo vợ chồng cùng trại giam nhưng ở hai khu khác nhau nên chỉ cần môt cái giơ tay vẫy vẫy cũng trở thành nguồn động viên vô tận khiến cô vui vẻ lao động. “Còn tự do thì còn nhiều mơ ước bay bổng lắm chứ đã vào đây rồi, mong ước của tôi giản đơn lắm. Nhiều khi chỉ là một quả cà muối sổi hoặc miếng mứt gừng cay cay lúc giá rét. Tôi chỉ mong khỏe mạnh để cải tạo tốt, sớm trở về còn những gì sau đó thì phải về nhà mới tính được. Mình tính trước, dự định trước mà về nhà lại không phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thì lại hẫng hụt. Tốt nhất là chẳng nên dự định gì ngoài việc giữ gìn sức khỏe cho một mục tiêu trước mắt là cải tạo lao động”, Hằng tâm sự.
Dường như chỉ khi đánh mất tự do, những người như Hằng mới thấm thía và ao ước được trở lại cuộc sống xưa kia cho dù đó là một cuộc sống thiếu thốn và phải lao động cật lực. Hẳn là sau những chuyện này, họ sẽ không bao giờ phạm sai lầm nữa.
Theo Nguyễn Vũ/Pháp luật xã hội