Ngày 26/8, đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05 - Bộ Công an) cho biết đang phối hợp với các đơn vị chức năng truy tìm nữ streamer N.T.T.L. (26 tuổi, quê Thái Bình) để điều tra về hành vi có lời nói xúc phạm lãnh đạo cấp cao trên mạng xã hội.
Trước đó, trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip có nội dung thể hiện việc một nữ streamer (tài khoản tên là M.) trong buổi livestream trên nền tảng Facebook Gaming, khi có người hâm mộ bình luận khiếm nhã về những người hói, cô gái này đã lấy một lãnh đạo cấp cao ra làm ví dụ và có những lời nói không chuẩn mực.
|
Hình ảnh nữ streamer đang bị dư luận lên án vì đã có lời nói thiếu chuẩn mực (Ảnh chụp màn hình).
|
Hiện tại, mạng xã hội đang lan truyền đoạn clip có phát ngôn của nữ streamer này trên nhiều nền tảng. Rất nhiều bình luận tỏ thái độ phản ứng gay gắt và cho rằng, lời nói của nữ streamer là thiếu suy nghĩ. Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, hành vi của cô gái này là vi phạm pháp luật, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ để xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy thuộc vào diễn biến hành vi và hậu quả cụ thể
Luật sư Cường cho biết thêm, theo quy định của pháp luật, mọi người đều có quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ quan điểm thái độ của mình đối với các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, hiến pháp và pháp luật Việt Nam cũng có nhiều quy định để bảo vệ danh dự nhân phẩm, uy tín của mọi công dân. Hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận để xúc phạm danh dự nhân phẩm uy tín của tổ chức, cá nhân là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
|
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) |
"Như vậy, lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, xúc phạm danh dự nhân phẩm uy tín của người khác là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác được thực hiện trên không gian mạng thì hậu quả lại càng nghiêm trọng. Với những người nổi tiếng, có nhiều người theo dõi trên không gian mạng thì hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng lại càng nghiêm trọng hơn. Bởi vậy cơ quan chức năng sẽ đánh giá những hậu quả tiêu cực từ hành vi này đã gây ra đối với xã hội, với nạn nhân như thế nào để xử lý theo quy định của pháp luật.
Hành vi đưa thông tin sai sự thật xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác lên không gian mạng là hành vi bị cấm, vi phạm quy định tại điểm d khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng 2018. Hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng có thể bị phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện hoặc cũng có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống theo Điều 156 BLHS; tội làm nhục người khác theo Điều 155 BLHS; tội lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lễ hợp pháp của tổ chức cá nhân theo Điều 331 BLHS hoặc tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Điều 288 bộ luật hình sự", luật sư Cường nói.
Theo luật sư Cường, cơ quan chức năng sẽ làm rõ đặc điểm nhân thân, nghề nghiệp, các hoạt động của cô gái này trên mạng xã hội để xác định hoạt động này có tác động như thế nào đối với xã hội, đặc biệt là những phát ngôn, những nội dung mà cô gái này thực hiện trên mạng xã hội. Đối với hành vi có nội dung phát ngôn không phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, có những lời lẽ xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác, đặc biệt là xúc phạm các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước thì đây là hành vi rất đáng trách, đáng lên án. Cơ quan chức năng sẽ đánh giá những hiệu ứng tiêu cực từ hành vi này, xác định hậu quả đã gây ra đối với xã hội để xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
"Theo quy định của pháp luật thì hành vi đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác trên không gian mạng mà chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng, hành vi chưa đến mức bị xử lý hình sự thì sẽ bị xử phạt từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng theo quy định tại Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP Về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện. Còn trường hợp hành vi gây tác động xấu cho xã hội, thể hiện thái độ coi thường pháp luật, có tác động tiêu cực đến tâm lý, xã hội, gây tổn hại đến uy tín của lãnh đạo đảng và nhà nước thì cơ quan điều tra cũng có thể xử lý hình sự đối với người vi phạm theo các tội danh nêu trên", luật sư Cường nhấn mạnh.
>>> Mời độc giả xem thêm video Xử phạt các cá nhân về hành vi báo tin giả:
Gia Đạt