Theo phản ánh của bạn đọc và hướng dẫn của nhiều người đã "khỏi bệnh", chúng tôi tìm đến nhà của "thần y" với biệt danh là "Ông Cóc" ở xã Thạnh Hòa, Phụng Hiệp (Hậu Giang). Mới 7 giờ sáng, rất đông người đến chờ đợi để đến lượt khám, chữa bệnh.
Trong khuôn viên nhà, nữ thần y có tên "Ông Cóc" có bố trí cả chỗ nghỉ ngơi (võng, giường) để các bệnh nhân nằm, chờ đến lượt. Theo nhiều người trị bệnh lâu cho hay, hằng ngày số lượng người bệnh đến đây khá đông nên có nhiều người phải từ đến từ 2 – 3 giờ sáng để ghi tên, bắt số.
"Ghi tên, bắt số xong thì qua đó (chỗ nghỉ được bố trí) nằm rồi chờ đến sáng ổng gọi tên vô", một người khám bệnh tiết lộ.
|
Rất đông người đến trị bệnh |
Trong lúc chờ đến lượt để "trị bệnh", chúng tôi được một phụ nữ ngồi kế bên hết lời khen ngợi hiệu quả của phương pháp trị ở đây.
"Tôi đến đây cũng hơn một tháng rồi, tôi bị bệnh nhức đầu với nhức chân. "Ông Cóc" chỉ vuốt, thổi thôi mà thấy đỡ lắm. Mấy người kia bị khó thở, tức ngực trị hoài không hết, vô đây ổng vuốt là đỡ lại liền", người này chia sẻ.
|
Người bệnh còn được bố trí chỗ nghỉ trong lúc chờ đến lượt. |
Một bệnh nhân khác khẳng định rằng bà bị hở van tim và thoái hóa cột sống cổ, đi trị nhiều nơi nhưng kết quả không thấy tiến triển. Từ khi đến đây hơn một tháng, "thần y" này chỉ vuốt vậy thôi là thấy hiệu quả liền. "Có con bé bị cái gì đó đỏ đỏ, đi bác sĩ trị hết mười mấy triệu mà không hết. Nó qua "Ông Cóc" trị, ổng vuốt thôi nhưng nó giờ bớt nhiều lắm rồi", một phụ nữ dẫn chứng.
Hiếu kỳ và thầm "ngưỡng mộ" hiệu quả trị bệnh của "Ông Cóc", chúng tôi đã nhiều lần tới lui và bỏ công chờ đợi để được tận mắt chứng kiến cách trị bệnh thần kỳ của người này.
Danh xưng là "Ông Cóc", nhưng khi chúng tôi gặp mặt thì mới vỡ lẽ đó là một phụ nữ dáng người nhỏ nhắn. Lý giải về cái tên gọi "Ông Cóc", một người sống gần đó cho biết dạo trước, người phụ nữ này ("Ông Cóc") từng bị bệnh thập tử nhất sinh, sau đó khỏi bệnh, sức khỏe bình thường lại. Từ đó, không biết tin đồn ở đâu ra rằng bà này có thể trị được nhiều bệnh nên người dân ùn ùn kéo tới để trị. Khoảng 2 tháng nay, số lượng người đến trị bệnh ngày càng đông, không chỉ người dân địa phương mà còn có cả những người ở tỉnh khác.
|
Bệnh gì cũng chỉ cần vuốt và thổi là khỏe hẳn |
Một người hàng xóm tiết lộ: "Đó giờ ở đây thấy bả cũng làm ruộng chứ có học chữa bệnh gì đâu. Lần đó bả bị bệnh nặng rồi tự nhiên hết, nói là có ai đó "nhập" hay gì đó. Rồi tự nhiên đồn là trị được bệnh".
Cách mà người phụ nữ với danh xưng "Ông Cóc" chữa bệnh cũng khá đơn giản, không cần thăm khám, không sử dụng bất kỳ phương pháp lâm sàng nào để tầm soát bệnh. Theo đó, "Ông Cóc" biết được bệnh của người đến trị bằng cách hỏi xem bệnh nhân bị gì và tự kể cho bà. Sau khi đã "tầm soát" được bệnh, "Ông Cóc" dùng tay vuốt vào thân thể người bệnh hoặc dùng miệng thổi vào chỗ đau khoảng 5-10 phút.
|
Người bệnh biết ơn "Ông Cóc" bằng cách dúi tiền vào túi. |
Với cách chữa trị này, "Ông Cóc" điều trị cho tất cả các loại bệnh. Kết thúc buổi khám chữa bệnh, mỗi người đều "trả công". Số tiền này không quy định cụ thể là bao nhiêu, thế nhưng mỗi bệnh nhân đều để lại một khoảng tiền nhỏ gọi là cám ơn "Ông Cóc". Theo quan sát, số tiền "biết ơn" này có thể từ vài chục đến vài trăm ngàn, tùy tâm của người bệnh.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Chí Sung, Chủ tịch UBND xã Thạnh Hòa, cho biết người phụ nữ với danh xưng "Ông Cóc" có tên thật là Nguyễn Thị Kiều Ngân (42 tuổi; ngụ ấp Phú Khởi, xã Thanh Hòa). Người này chưa từng học qua trường lớp ngành y, chỉ là một người làm nông bình thường ở địa phương. Việc bà Ngân khám chữa bệnh bằng cách mê tín như nêu trên là có thật và địa phương đã nắm được việc này.
Cũng theo ông Nguyễn Chí Sung, cơ sở khám chữa bệnh của bà Ngân không có đăng ký kinh doanh, bản thân người chữa bệnh không có chứng chỉ hành nghề, không chuyên môn nghiệp vụ. Từ khi bị bệnh nặng rồi khỏi, bà Ngân đột nhiên có khả năng "chữa bệnh".
Khoảng một năm trước, bà Ngân chữa bệnh ở các nơi khác, ở nhà của bệnh nhân. Từ tháng 7-2018 đến nay, bà Ngân mới tổ chức cho điều trị tại nhà, mỗi ngày có khoảng 70 – 80 người đến đây khám, chữa bệnh. "Chúng tôi đã nhiều lần vận động và kể cả lập biên bản, buộc bà Ngân dừng hoạt động chữa bệnh. Nhưng rồi mọi việc vẫn vậy, bà Ngân vẫn tiến hành chữa bệnh tại nhà. Mọi việc chúng tôi đã làm hết khả năng, các hồ sơ liên quan xã đã chuyển về cho ngành chức năng huyện và đang chờ hướng hỗ trợ từ trên", ông Nguyễn Chí Sung xác định.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Sở Y tế Hậu Giang, khẳng định sở chưa nghe thông tin này. Vấn đề này thuộc thẩm quyền xử lý của huyện, nên khi nào huyện có báo cáo, sở sẽ có hướng xử lý cụ thể.
Theo Song Anh/Người Lao động