Vụ việc Khu sinh thái Không Gian Xưa mọc lên không phép trên diện tích đất thuộc sở hữu của thượng úy Trần Lê Thúy Hằng (32 tuổi, Đội trưởng Đội Chống buôn lậu thuộc Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Đắk Lắk) – con gái của thiếu tướng Trần Kỳ Rơi, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Cụ thể, theo báo cáo của Sở Xây dựng tỉnh Đắk Lắk cho biết, đến thời điểm kiểm tra tháng 11/2019, Khu sinh thái Không Gian Xưa vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Tất cả các hạng mục trong khu du lịch sinh thái Không gian xưa bao gồm: Sân tennis, sân tập golf, hồ bơi và các công trình kiên cố như nhà ở, nhà hàng đều chưa được giấy phép xây dựng.
Liên quan vụ việc trên, trao đổi với báo chí, thượng úy Trần Lê Thúy Hằng khẳng định: "Căn nhà tôi đang ở 100% là đất thổ cư, còn diện tích cho Công ty Nam Sơn thuê để làm khu du lịch sinh thái Không Gian Xưa một phần là đất thổ cư, một phần là đất nông nghiệp. Tôi chỉ biết cho thuê thôi, còn lại phía Công ty Nam Sơn họ xây dựng như thế nào tôi không biết".
|
Một trong những công trình không phép tại dự án Khu sinh thái Không gian xưa. Ảnh: Tiền Phong. |
Dư luận đặt câu hỏi, trường hợp Công ty Nam Sơn thuê đất của thượng úy Trần Lê Thúy Hằng nhưng lại xây dựng các hạng mục, công trình không phép thì bản thân thượng úy Hằng có phải chịu trách nhiệm?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho rằng, có thể khẳng định việc Công ty Nam Sơn xây dựng các hạng mục công trình để làm khu du lịch sinh thái Không Gian Xưa mà chưa được cấp phép là hành vi trái với quy định của pháp luật về xây dựng.
Cụ thể, tại điều 89 Luật xây dựng năm 2014 quy định, trước khi khởi công xây dựng công trình, chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
Tuy nhiên, khi đối chiếu thì việc xây dựng các công trình, hạng mục khu du lịch sinh thái Không Gian Xưa không thuộc trường hợp miễn cấp phép xây dựng.
Do vậy, việc không có giấy phép xây dựng nhưng vẫn tiến hành thi công thì công ty Nam Sơn sẽ bị xử phạt theo quy định của Nghị định 139/2017 tại điểm a Khoản 5 Điều 15: “ a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc xây dựng công trình khác không thuộc các trường hợp quy định tại điểm b, điểm c khoản này”.
Trường hợp dự án xây dựng nêu trên phải lập dự án đầu tư mà không thực hiện việc này, xây dựng trái phép thì sẽ bị phạt từ 30.000.000 đến 50.000.000 đồng (theo điểm c, khoản 5, điều 15 Nghị định 139/2017).
Kèm theo việc xử phạt vi phạm hành chính nêu trên, kèm theo đó còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.
Luật sư Hoàng Tùng cho biết, liên quan vụ việc trên, giữa Công ty Nam Sơn và bà Trần Lê Thúy Hằng có tồn tại hợp đồng thuê đất. Việc thuê đất này là để Công ty Nam Sơn thực hiện dự án nêu trên.
“Bản chất của hợp đồng này là một hợp đồng dân sự bình thường, cụ thể là hợp đồng thuê tài sản (quyền sử dụng đất), là sự thỏa thuận giữa hai bên. Xét thấy bà Hằng là bên cho thuê, vậy theo quy định của pháp luật thì bà Hằng sẽ có các quyền và nghĩa vụ mà luật quy định kèm theo thỏa thuận trong hợp đồng. Nếu kết quả xác minh chính xác là bà Hằng là chủ đất và chỉ cho thuê đất như bình thường, việc Công ty Nam Sơn tiến hành xây dựng trái phép không liên quan đến bà Hằng”, luật sư Hoàng Tùng cho biết.
>>> Mời độc giả xem thêm clip Những công trình lớn sai phép biết "tàng hình"?:
Tâm Đức