Nữ tiến sĩ giải mã “túi khôn của người Tày”

Google News

Những nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tày coi chữ Nôm Tày là chiếc “túi khôn” của dân tộc này.

Lớn lên trong sli, lượn
Triệu Thị Kiều Dung trải qua những ngày thơ ấu cơ cực. Cô sinh năm 1978 tại Hà Quảng, Cao Bằng. Mới 6 tuổi cô đã tự chẻ củi nấu cơm, tự qua sông đi học. Năm cô 13 tuổi, một trận lũ lớn đã cuốn trôi ngôi nhà do cha mẹ cô tần tảo dựng nên. Biến cố ấy khiến đời sống của gia đình Kiều Dung đã khó càng thêm khó, tan tác, tá túc khắp nơi.
Nu tien si giai ma “tui khon cua nguoi Tay”
 Tiến sỹ Triệu Thị Kiều Dung bên những trái cam, đặc sản quê hương.
Quá khứ hằn sâu trong ký ức của cô và những người thân: “Anh em chúng tôi phải vất vả hơn rất nhiều để kiếm sống, chúng tôi phải đi bộ xa hơn để đến trường. Tôi phải vào rừng lấy củi và bán kem để có tiền đi học”. Nhưng khó khăn càng làm cô mạnh mẽ và yêu thêm cuộc sống này.
Để vơi đi nỗi nhọc nhằn, Dung đắm mình trong những pho truyện thơ, truyện cổ Tày vừa bay bổng, vừa thấm đẫm triết lí giáo dục. Cô cũng bị mê hoặc bởi làn điệu dân tộc Tày: Sli, lượn, then... những khúc hát của người trưởng thành mà trẻ con chưa thấu hết ý nghĩa.
Yêu văn hóa nghệ thuật của dân tộc mình nên Triệu Thị Kiều Dung mong ước trở thành giáo viên dạy văn để góp phần bồi đắp tâm hồn cho bạn trẻ miền núi. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Thái Nguyên, cô trở về quê dạy học tại Trường THPT Nà Giàng, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
Đây là một vùng đất linh thiêng, với suối Lê-Nin, hang Pác Bó, cũng là quê hương anh Kim Đồng. Chính mảnh đất Hà Quảng đã thôi thúc trong cô khát vọng “mở túi khôn của người Tày”: “Hà Quảng là miền quê đặc trưng không gian văn hóa Tày. Tôi đã tìm đến những già làng, bà Pựt hát Then, ông Tào đọc bài mo sử thi cổ… càng ngày càng thấy yêu văn hóa của dân tộc mình”.
Đi sâu tìm hiểu văn hóa dân tộc, cô nhận ra kiến thức của mình còn quá hạn hẹp. Cầm trong tay các văn bản Nôm Tày bám đầy bồ hóng, mạng nhện lượm từ nhà người dân, cô biết bên trong những tập văn bản hoen màu thời gian ấy chứa đựng cả kho triết lí nhân sinh. Nhưng làm thế nào để đọc?
Một quyết định vụt đến: Cô sẽ đi tìm chiếc chìa khóa mở “túi khôn” bằng con đường học hành. Cũng như nhiều dân tộc anh em khác, người Tày coi trọng sự học. Thành ngữ Tày có nhiều câu đề cao chữ nghĩa: “Nhất slư tha, nhì gia giuốc” (Nhất chữ nghĩa, nhì thuốc thang) hay “Chịu hẩu mẻ mạ, bấu chịu hẩu giử slư” (Thà chịu cho đi một con ngựa cái, không chịu cho chữ nghĩa).
Giải mã “túi khôn của người Tày”
Không đi theo xu hướng của nhiều bạn trẻ, thích du học ở các nước phương Tây, Triệu Thị Kiều Dung chọn Trường Đại học Dân tộc Quảng Tây (Trung Quốc) để làm thạc sỹ, chuyên ngành ngôn ngữ và ngôn ngữ học ứng dụng. Trong quá trình học tập và nghiên cứu cô phát hiện ra “cổ tráng tự” ngôn ngữ của dân tộc Choang, ở tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) có nhiều nét tương đồng với chữ Nôm Tày quê mình.
Cô tiến hành nghiên cứu ngôn ngữ dân tộc Tày với một số ngôn ngữ dân tộc thiểu số của Trung Quốc để tìm ra nét tương đồng và khác biệt. Niềm đam mê với chữ Nôm Tày đã mở cho cô nhiều cơ hội. Trong quá trình học thạc sỹ, cô là một trong bốn thí sinh nhận học bổng từ Quỹ học bổng Quốc tế Ford được chọn tham dự hội thảo tại Trường ĐH Arkansas (Hoa Kỳ).
Kết thúc chương trình đào tạo thạc sỹ tại Quảng Tây (Trung Quốc), cô trở về công tác tại Trường Cao đẳng Sư phạm Cao Bằng. Trong thời gian này, cô cũng có dịp trở lại Quảng Tây với tư cách một chuyên gia giảng dạy tiếng Việt tại Khoa Ngoại ngữ, Học viện Sư phạm Dân tộc Quảng Tây. Vẫn ôm giấc mơ giải mã “túi khôn của người Tày”, năm 2009, khi đã là mẹ của một cậu con trai, Triệu Thị Kiều Dung nén tình yêu con, chấp nhận xa con để làm luận án tiến sỹ tại Trường Đại học Ký Nam (Quảng Châu, Trung Quốc), chuyên ngành văn tự Hán ngữ. Thời gian làm luận án tiến sỹ, Triệu Thị Kiều Dung trở về quê nhiều lần, lặn lội tới những vùng xa xôi của bà con dân tộc Tày, cùng ăn, cùng ở với họ, để tìm hiểu ngôn ngữ, văn hóa Tày ngày hôm nay đã thay đổi ra sao so với trước đây.
Tấm lòng tận tụy với văn hóa dân tộc của cô đã thuyết phục những người dân nơi cô đến. Có hai gia đình ở quê đã tặng cho Triệu Thị Kiều Dung hai bộ sách quí gồm khoảng 100 cuốn, có những cuốn đã viết cách đây hơn 100 năm, ăm ắp những kiến thức về văn hóa dân tộc Tày từ thơ ca, phong tục, địa lí…
Đó là những dữ liệu quan trọng giúp đề tài nghiên cứu “Chữ Nôm Tày trong văn bản viết tay” của cô được hội đồng khoa học của Trường Đại học Ký Nam đánh giá cao. 34 tuổi cô nhận bằng tiến sỹ, trở thành tiến sỹ người dân tộc Tày trẻ nhất tỉnh Cao Bằng. Cô từng được Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu tặng bằng khen đạt thành tích cao trong học tập.
Trước Triệu Thị Kiều Dung, ở Cao Bằng đã có những nhà nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian nặng lòng với chữ Nôm Tày như Hoàng Triều Ân, Dương Sách, Dương Nhật Thanh… Chữ Nôm Tày được họ coi là “túi khôn của người Tày”. Nhưng không thể phủ nhận quá trình gìn giữ chiếc “túi khôn” đang ngày càng mai một. Nữ tiến sỹ ám ảnh bởi câu hỏi: “Thế hệ các cụ không còn, chữ Nôm Tày đi về đâu?”.
Năm 2013, sau khi chuyển công tác sang Sở Khoa học- Công nghệ tỉnh Cao Bằng, cô dồn tất cả tâm huyết để nghiên cứu văn hóa Tày. Các bản làng trong tỉnh, từ bản Lũng Muông đến bản Thua Ma, Bản Co… nơi nào cũng in dấu chân của cô.
Cô tìm đến các bậc tiền bối còn lưu giữ sách cổ chữ Nôm Tày để mong được chỉ dạy. Nhờ tính khiêm tốn, sự ham học và cầu thị cô được các bậc tiền bối tặng lại những cuốn sách cổ quí giá, đáng ra họ chỉ truyền lại cho con cháu họ tộc hoặc khi họ rời xa thế giới con cháu sẽ đốt đi, để gửi “túi khôn” về trời.
Hiện nay, nữ tiến sỹ đang thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh: Sưu tầm và nghiên cứu giá trị các văn bản chữ Nôm Tày ở Cao Bằng. Trong số 12 bài báo đã đăng, có 6 bài đăng tại kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế văn hóa và ngôn ngữ các dân tộc trong sự giao thoa giữa các quốc gia Đông Nam Á. Cô cũng đang chuẩn bị xuất bản cuốn sách: Nhận diện giá trị văn bản chữ Nôm Tày.
Cao Bằng là một tỉnh tập trung đông người Tày- Nùng, chiếm khoảng 75 % dân số toàn tỉnh. Nhưng trong công cuộc giữ gìn và khám phá “túi khôn” của người Tày, nữ tiến sỹ vẫn khá cô đơn: “Rất ít người trẻ đam mê với chữ Nôm Tày”. Đó cũng là thực trạng văn hóa đang diễn ra ở một số dân tộc anh em khác. Cô từng có những bài viết báo động ngôn ngữ, văn hóa các dân tộc thiểu số đứng trước nguy cơ mai một.
Ngay ở dân tộc mình, cô thấy các bạn trẻ đua nhau học ngoại ngữ để mưu cầu một công việc mang lại thu nhập tốt, không mấy người màng chữ Nôm Tày. Bạn trẻ bây giờ cũng thích nhạc trẻ sôi động hơn hát then, thích ghi ta hơn đàn tính, thích pizza hơn cơm lam… Làm sao tránh được? Để hiểu được chữ Nôm Tày cần rất nhiều kiến thức: Phông văn hóa Tày đủ dày, tiếng Tày đủ tốt và không thể không biết chữ Hán cổ. Nhịp sống gấp gáp làm sao níu chân người trẻ sống chậm lại, đi ngược về quá khứ để khám phá gia tài tinh thần vô giá của cha ông? Đó là lo lắng của nữ tiến sỹ. Nhưng cô vẫn tin, sống lại chữ Nôm Tày là giấc mơ có thật.
Theo Nông Hồng Diệu/ Tiền Phong