Nữ tướng Nguyễn Thị Loan có thể đối diện án tù 5 năm?

Google News

Theo luật sư Trương Quốc Hòe, "Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản" mà bà Loan và các bị can khác được quy định tại Điều 218 Bộ luật hình sự 2015.

Liên quan đến vụ "nữ tướng" Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch HĐQT Vimedimex cùng 7 người khác "Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản" xảy ra trên địa bàn huyện Đông Anh, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, tội "Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản" mà bà Loan và các bị can khác được quy định tại Điều 218 Bộ luật hình sự 2015.
Nu tuong Nguyen Thi Loan co the doi dien an tu 5 nam?
Bà Nguyễn Thị Loan. 
Điều 218 quy định 2 khung hình phạt: Người phạm tội theo quy định tại khoản 1 thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Người phạm tội theo quy định tại khoản 2 thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm, áp dung đối với một trong các trường hợp: a) Có tổ chức; b) Thu lợi bất chính 200 triệu đồng trở lên; c) Gây thiệt hại cho người khác 300 triệu đồng trở lên; d) Phạm tội 2 lần trở lên; đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.
Hình phạt bổ sung là người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Theo luật sư Hòe, tội Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản là điều luật mới lần đầu tiên được quy định trong Bộ luật hình sự.
Nhưng thực chất là cụ thể hóa từ tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 Bộ luật hình sự 1999 trong trong hoạt động bán đấu giá tài sản.
Tuy nhiên, khác với quy định về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng, trong cấu thành của tội này không chỉ quy định hậu quả thiệt hại gây ra cho người khác (từ 50 triệu đồng trở lên) mà hoặc là thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên cũng đã cấu thành tội phạm.
Mặt khác, khung hình phạt nhẹ hơn rất nhiều so với tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng.
Khung cơ bản quy định mức tối thiểu là phạt tiền 20 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm, khung hình phạt cao nhất là phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù 1- 5 năm tù, so với khung khởi điểm của Điều 165 là cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm; khung hình phạt cao nhất là từ 10 năm đến 20 năm tù.
Vị luật sư cho biết, hành vi khách quan của tội Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản là lập danh sách khống về người đăng ký mua tài sản bán đấu giá; Lập hồ sơ khống, hồ sơ giả tham gia hoạt động bán đấu giá tài sản; Thông đồng dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động bán đấu giá tài sản.
Chủ thể của tội phạm là bất kỳ người nào có chức trách trong việc lập danh sách về người đăng ký mua tài sản bán đấu giá đã có hành vi lập khống danh sách này hoặc là người không đủ điều kiện tham gia hoạt động bán đấu giá tài sản đã lập hồ sơ khống, hồ sơ giả để tham gia hoạt động bán đấu giá tài sản; người trong hội đồng bán đấu giá tài sản thông đồng với người ngoài để dìm hoặc nâng giá trong hoạt động bán đấu giá tài sản; cũng có thể là những người tham gia đấu giá thông đồng với nhau.
Về mặt chủ quan của tội phạm là tội phạm có lỗi cố ý, có thể là cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp. Tức là người phạm tội hoàn toàn nhận thức được hành vi của mình là hành vi không được phép nhưng vẫn muốn thực hiện hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc dù không mong muốn nhưng vẫn có ý thức bỏ mặc cho hậu quả xảy ra.
Động cơ và mục đích không phải dấu hiệu bắt buộc của tội phạm. Thông thường người phạm tội này vì vụ lợi.
Chủ thể là tội phạm xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu có tài sản bán đấu giá; xâm phạm đến quyền lợi bình đẳng trong hoạt động đấu giá của những người tham gia đấu giá.
Theo điều tra ban đầu, tháng 8/2020 Ban quản lý dự án huyện Đông Anh tổ chức đấu giá khu đất rộng 5ha ở xã Cổ Dương. Ban đầu Công ty thẩm định giá và đầu tư Hà Nội xác định khu đất này có giá trị bán đấu giá khoảng 500 tỷ đồng.
Bà Loan đã thông đồng với cán bộ của Ban quản lý cùng với các bị can thuộc công ty thẩm định giá can thiệp để điều chỉnh trị giá khu đất xuống thấp hơn giá trị thực.
Các bị can đã lập khống 12 phiếu khảo sát để đưa vào hồ sơ thẩm định giá và hạ giá trị khu đất còn xuống 300 tỷ đồng. Hội đồng thẩm định giá đất đã duyệt mức giá sàn là hơn 18 triệu đồng/m2 để tổ chức đấu giá khu đất trên.
Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Y dược Vimedimex lập nhiều công ty để làm "quân xanh, quân đỏ" tham gia đấu giá khu đất trên. Một công ty do bà Loan nắm quyền chi phối trúng đấu giá khu đất với mức hơn 20 triệu đồng/m2.
Kết quả điều tra xác định chỉ 1 tháng sau khi được bàn giao đất, bà Loan đã bán khu đất trên với giá từ 80 triệu đến cả trăm triệu một mét vuông tùy vị trí.
Cơ quan điều tra xác định hành vi của các bị can đã gây thiệt hại tài sản nhà nước khoảng 200 tỷ đồng.
Hiểu Lam