Trưa 4-6, đại diện VKSND TP HCM đã đề nghị mức hình phạt đối với các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm xét xử đường dây buôn lậu xe hơi do Helena Phạm, Mai Thị Ái, Nguyễn Nhất Lĩnh (cùng là Việt kiều Mỹ) cầm đầu.
Đáng nói, 3 chủ mưu đã bỏ trốn sau khi trục lợi từ thủ đoạn buôn lậu xe hơi.
Theo đó, người thừa hành quyền công tố tại tòa đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Bùi Lê Việt Khôi (nguyên Trưởng phòng kinh doanh xe ôtô Công ty Dương Đông - Sài Gòn) và 12 đồng phạm (là Việt kiều hoặc cựu công an xã ở huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) từ 2 năm tù nhưng hưởng án treo – 5 năm tù giam về tội "Buôn lậu".
Riêng bị cáo Nguyễn Gia Thu (cựu Trưởng công an xã Lộc An, huyện Bảo Lâm) bị đề nghị từ 2-3 năm tù nhưng hưởng án treo về tội "Giả mạo trong công tác".
|
Các bị cáo trong đường dây buôn lậu hầu tòa. |
Đại diện VKS cáo buộc người cầm đầu đường dây đã lợi dụng quy định người Việt định cư tại nước ngoài được miễn thuế khi nhập khẩu về nước một ôtô đang sử dụng. Các đối tượng thỏa thuận với Việt kiều sinh sống tại Mỹ về việc nhập khẩu xe hơi theo diện hồi hương nhằm thu lợi bất chính. Qua đó, đường dây này nhập lậu 17 xe hơi với nhiều chủng loại, như: Land Rover, Lexus, Audi, BMW... trị giá gần 51,2 tỉ đồng. Từ đó, các đối tượng trốn gần 22,8 tỉ đồng tiền thuế.
Để hợp thức hóa việc hồi hương giả tạo, Helena Phạm nhờ nhiều cán bộ công an xã Lộc Thành, Lộc Quảng, Lộc An và Lộc Lâm (huyện Bảo Lâm) làm hồ sơ thường trú cho 17 Việt kiều Mỹ. Những cán bộ công an này còn xác nhận đơn xin phép nhập khẩu 14 xe hơi theo diện hồi hương.
Bị cáo Khôi khai bị cáo quen Helena Phạm khi du học tại Mỹ. Năm 2012, nữ Việt kiều này trở thành giám đốc một công ty chuyên mua bán ô tô từ Mỹ về Việt Nam. Helena Phạm đề nghị Khôi tìm thuê Việt kiều đứng tên nhập khẩu xe, làm thủ tục nhập hộ khẩu thường trú, xin cấp phép nhập khẩu, làm thủ tục đăng ký đăng kiểm, mở tờ khai nhập khẩu và tìm người bán xe. Mỗi công đoạn thành công, Helena Phạm trả Khôi 10 triệu đồng.
Đại diện VKS cho rằng tuy những bị cáo là cựu công an xã khẳng định bản thân kí giấy tờ vì quen biết, nể nang cấp trên (người "gửi gắm" hồ sơ – PV); không hưởng lợi. Tuy nhiên, hành vi của các bị cáo khiến nhà nước thất thoát một khoản tiền thuế rất lớn. Vì vậy, các bị cáo cần chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi ký khống giấy tờ. Chưa hết, đại diện VKS đặt vấn đề về trách nhiệm phó, trưởng công an xã khi sai phạm xảy ra trên địa bàn.
Đối với những bị cáo là Việt kiều, đại diện cơ quan công tố nhận thấy các bị cáo không hưởng lợi và chỉ làm theo chỉ đạo từ những người cầm đầu đường dây; thiếu hiểu biết pháp luật Việt Nam nên đồng ý đứng tên hồ sơ nhập khẩu xe hơi.
Ngoài ra, quá trình điều tra, Công an TP HCM xác định có việc nhập khống hộ khẩu cho Việt kiều ở tỉnh Long An, Bến Tre, Đồng Tháp. Hiện cảnh sát các tỉnh trên đang khởi tố, điều tra xử lý.
Phiên xử dự kiến kết thúc vào chiều 21-3-2019.
Theo Di Lâm/NLĐ