Sáng 22/8, Hội nghị "Công bố kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế" diễn ra tại TP Đông Hà (tỉnh Quảng Trị).
Hội nghị do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp cùng Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội và UBND tỉnh Quảng Trị.
Hội nghị liên ngành này đã công bố chất lượng môi trường 4 tỉnh miền Trung sau sự cố môi trường biển do Formosa xả thải.
Hội nghị đã công bố báo cáo hiện trạng môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh - Thừa Thiên Huế sau khi 7 bộ, ngành, viện nghiên cứu cùng vào cuộc điều tra xác minh, nghe ý kiến các chuyên gia trong và ngoài nước xung quanh sự cố này.
Trước đó, tại cuộc họp báo ngày 30/6, Chính phủ công bố thủ phạm khiến cá biển miền Trung chết hàng loạt là Công ty Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Doanh nghiệp đã thừa nhận sai phạm, chấp nhận đền bù 500 triệu USD để khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, câu hỏi chất lượng biển miền Trung thế nào, người dân tắm và ăn cá đánh bắt trong phạm vi 20 hải lý trở xuống có làm sao không thì còn bỏ ngỏ.
|
Các thành viên chủ trì hội nghị. Ảnh: VNE. |
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh, sau thảm họa môi trường xảy ra tại một số tỉnh miền Trung, nhận thức rõ trách nhiệm chính trị trước nhân dân đối với yêu cầu cấp bách sớm khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp ngư dân tiếp tục bám biển, bảo đảm sinh kế, an toàn của người dân, phải nhanh chóng điều tra, đánh giá công bố diễn biến, hiện trạng, chất lượng môi trường biển trong và sau khi xảy ra sự cố.
“Tôi luôn nhận thức được việc công bố biển sạch là rất quan trọng và cần thiết, đáp ứng mong mỏi của người dân được biết môi trường biển đã sạch chưa, vùng biển nào sạch, vùng biển nào chưa sạch... để người dân cả nước yên tâm hoạt động sản xuất, đánh bắt, quay lại với sinh kế”, Bộ trưởng Hà nhấn mạnh.
Nước biển miền Trung đạt chuẩn để tắm và nuôi thủy sản
Giáo sư Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, trình bày bản báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế. Để có kết quả này, nhóm nghiên cứu đã thực hiện 6 phương pháp tiếp cận. Trong đó các nhà khoa học đã thực hiện quan trắc nước biển (tầng mặt, tầng giữa, tầng đáy) trầm tích, màng bám keo tụ, hệ sinh thái và sinh vật biển. Nhóm đã lấy 211 điểm lấy mẫu.
Về mẫu nước, có tất cả 36 tuyến khảo sát với tổng số 146 điểm lấy mẫu trên tổng chiều dài khoảng 348km biển, trong đó 32 tuyến khảo sát ra đến độ sâu 30m; 96 điểm quan trắc (64 điểm ven bờ cách bờ biển từ 1,5 đến 5km, 32 điểm gần bờ cách bờ biển 10km). Có 4 tuyến khảo sát đặc biệt ra đến độ sâu 60m nước với tổng số 44 điểm quan trắc (8 điểm ven bờ, 36 điểm gần bờ); 6 điểm quan trắc trong các đầm phá, làng ven bờ như Tam Giang - Cầu Hai, Lập An.
Thông số quan trắc căn cứ quy chuẩn Việt Nam và các thông số đặc trưng của sự cố môi trường như Phenol, Cn, Fe…
Theo giáo sư Mai Trọng Nhuận, các thông số đặc trưng môi trường biển, trầm tích biển ở phần lớn các khu vực đã nằm trong giới hạn quy định của QCVN 10- MT: 2015/BTNMT, đạt quy chuẩn đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước nuôi trồng thủy sản và bảo tồn thủy sản.
Tuy nhiên, ở một số khu vực cách bờ 15km, một số khu vực có dòng xoáy cục bộ (Sơn Dương, phía Đông của Nhật Lệ, hòn Sơn Chà), khả năng phân tán các chất trong nước kém hơn, đồng thời khả năng tích lũy độc tố trong trầm tích cao hơn cần tiếp tục được theo dõi, giám sát chặt chẽ. Với sự kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát thải từ đất liền và do cơ chế làm sạch tự nhiên của môi trường, hàm lượng các chất ô nhiễm từ sự cố môi trường đang có xu hướng giảm theo thời gian.
Hệ sinh thái, san hô, cỏ biển, nguồn lợi thủy sản ở khu vực sau những tác động của sự cố môi trường đã có dấu hiệu hồi phục.
Đại diện Bộ Y tế cũng kết luận, hàm lượng một số chất ô nhiễm trong hải sản đã giảm dần theo thời gian. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT thực hiện giám sát hải sản tại các vùng biển an toàn mà Bộ TN&MT đã công bố.
Vị này cũng cho hay, hàm lượng các chất như sắt, đồng, kẽm trong nước biển thời gian qua mặc dù dưới ngưỡng cho phép nhưng liên tục thay đổi. Đối với hệ sinh thái, thời điểm tháng 4, 5 hầu hết rạng san hô đã bị chết. Đến tháng 6 và tháng 7 thì rạng san hô và rong biển đã bắt đầu có dấu hiệu khôi phục. Các loại cá cũng bắt đầu sinh sản trở lại. Điều đó chứng tỏ, nước biển đang có dấu hiệu phục hồi tốt.
“Thời điểm tháng 4, tháng 5 hầu như không thấy con cá nào ở biển Sơn Dương cả. Nhưng đến tháng 7 và tháng 8 thì có nhiều con cá với kích thước rất nhỏ vẫn sống và xuất hiện ngày càng nhiều”, giáo sư Nhuận cho hay.
Chất độc xyanua đã sạch, phenol vẫn còn ở một số nơi
TS Friedhelm Schroeder, người có 40 năm nghiên cứu về môi trường ở Đức, tham gia đoàn quốc tế điều tra môi trường biển thời gian qua, đánh giá cao khối lượng công việc của các đoàn chuyên gia nghiên cứu.
TS Friedhelm Schroeder cho biết, những phương pháp đánh giá trên mang tính tiếp cận cao, ngang bằng với các phương pháp ở Mỹ, châu Âu đang sử dụng, chính vì vậy, kết quả phân tích này rất đáng tin cậy.
Liên quan đến 2 thông số xyanua và phenol, TS Friedhelm Schroeder cho biết, thông tin qua quan trắc cho thấy cyanua qua thời gian đã sạch. Phenol vẫn còn nhưng đã có chiều hướng giảm dần và nằm trong ngưỡng cho phép ở Việt Nam. Ngoài ra, còn một số hố, bẫy thủy lực cần giám sát thêm để theo dõi các thông số phenol chìm sâu ở dưới thay đổi như thế nào. Tóm lại, các thông số đảm bảo cho hoạt động bơi lội, du lịch là hoàn toàn an toàn tuyệt đối.
Về câu hỏi cá ăn được chưa, TS Friedhelm Schroeder nhắc lại thông tin hiện cá nhỏ đã quay trở lại vùng biển 4 tỉnh, chúng ta cần giữ chứ không được đánh bắt ngay lập tức, cũng phải nghĩ tới việc thu hút các loài cá khác mang lại nguồn lợi thủy hải sản. Tuy nhiên, để biết đã ăn được chưa Bộ Y tế cần giám sát kỹ và đưa ra những khuyến cáo cụ thể.
Cần công bố cụ thể hơn và hải sản đã ăn được chưa
Về báo cáo được nhóm nghiên cứu của giáo sư Mai Trọng Nhuận công bố, giáo sư Nguyễn Chu Hồi (nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục biển và hải đảo) đánh giá cao nhưng theo ông, cần phải giải đáp cụ thể hơn các câu hỏi: Bãi biển nào đã an toàn, bãi biển nào chưa; hải sản ngư dân đánh bắt về đã ăn được chưa; du khách đến miền Trung tắm biển có bị sao không.
|
Giáo sư Nguyễn Chu Hồi. Ảnh: Zing News. |
“Báo cáo kết quả trên có nhiều thông số đã giải thích được những điều bất thường của vùng biển nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi mà người dân cần thì chưa giải đáp được”, ông Hồi nói. Giáo sư Hồi lo lắng vì kết quả nghiên cứu chưa đưa ra được mức độ cảnh báo đối với hai khu bảo tồn: Cồn Cỏ (Quảng Trị), Sơn Trà (Đà Nẵng). Ông cho rằng, đây là hai khu vực nằm trong số 16 bãi biển cần được bảo tồn nên các nhà khoa học phải đưa ra khuyến cáo cụ thể đối với các cơ quan quản lý, lãnh đạo các địa phương.
Phát biểu tại hội nghị, ông Đặng Quốc Khánh - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh – cho biết, nhân dân miền Trung rất mong chờ hội nghị này. Bà con luôn đặt câu hỏi, môi trường thế nào, hải sản ra sao?
“Thủ tướng đã giao cho Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp đánh giá về việc lấy mẫu, công bố thủy hải sản đã an toàn chưa, tuy nhiên trong buổi hôm nay chưa được nghe thông tin này mà chỉ thấy Bộ Tài nguyên và Môi trường nói về môi trường biển. Thứ hai nữa là chưa thấy Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo liên quan đến hoạt động sản xuất của bà con ngư dân miền biển bị ảnh hưởng như thế nào. Chương trình đã có rồi nhưng chưa thấy hoạt động. Đề nghị các bộ sớm đưa ra các phương án cụ thể về việc này để người dân có thêm niềm tin vào sản xuất. Hơn nữa, cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai tốt việc hỗ trợ, bồi thường cho người dân, thể hiện việc này công khai minh bạch”, ông Đặng Quốc Khánh phát biểu.
Nói về vấn đề này, đại diện Bộ Y tế cho biết, trong thời gian qua, Bộ này đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lấy mẫu hải sản, giám sát chất lượng. Theo đó, từ tháng 6 đến nay, kết quả giám sát bước đầu cho thấy chất ô nhiễm trong các mẫu đã giảm dần, tuy nhiên Bộ Y tế vẫn chưa có kết luận cuối cùng.
Theo đại diện Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên đã báo cáo các vùng biển an toàn, nhưng với hải sản phải có độ trễ đào thải chất ô nhiễm tích tụ, nghĩa là không phải cùng thời điểm biển an toàn thì hải sản cũng an toàn theo. Thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh giám sát chất lượng hải sản, khi có kết quả sẽ công bố.
Hoàng Cường (tổng hợp)