Nước mắt bị hại vụ trộm “mình nghèo mà nó không tha”

Google News

Một bị hại rầu rĩ nói ba mẹ bán mấy tấn thóc mới mua được máy tính. Bị hại khác kể mình quá khổ mà tên trộm cắp cũng không tha

Nuoc mat bi hai vu trom “minh ngheo ma no khong tha”
 

Trong 2 ngày , Dương Thanh Tùng (24 tuổi, ngụ thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã chuẩn bị các công cụ gồm một cái kìm, một cái tuốc nơ vít và khẩu trang y tế rồi sử dụng xe mô tô để đi trộm cắp. Tùng đã lợi dụng sơ hở, lén lút chiếm đoạt 1 điện thoại di động Iphone 6. Tiếp đó Tùng đã cạy khóa cửa phòng trọ, lén lút chiếm đoạt 3 máy tính xách tay của 3 bị hại khác. Tổng giá trị tài sản mà Tùng chiếm đoạt được là 24,5 triệu đồng.

Nằm bẹp khóc suốt mấy ngày sau khi bị trộm

Phiên tòa xét xử bị cáo Tùng về tội “trộm cắp tài sản” do TAND TP Huế tiến hành  vào một sáng mưa lất phất. Khoảng sân nhỏ bên hông tòa án bị những cơn mưa mấy ngày qua dội xuống đã lấm tấm phủ một lớp rêu xanh nhàn nhạt. Sáng sớm đã có người quét dọn, nhưng vừa có cơn gió bất chợt lướt qua, đám lá bằng lăng bàng bạc thoáng chốc đã rớt đầy sân. Đôi chiếc lá còn lào xào như mấy đứa trẻ tinh nghịch, rối rít chạy theo cơn gió, vòng vòng trong sân nhỏ.

Hai cô gái đều là bị hại trong vụ án, đến tòa từ rất sớm. Khán phòng rộng lớn nhưng vắng tanh. Cả hai ngồi bên trong một lúc, có lẽ thấy nhàm chán nên một trước một sau kéo ra ngoài hành lang, đúng lúc chiếc xe tù cũng trờ tới. Nhìn bị cáo được dẫn giải vào phòng xử, cả hai vô thức đứng nép qua một bên, nhưng đôi mắt vẫn tò mò hướng về phía bị cáo.

Nguyễn Thanh Nương (21 tuổi, bị hại trong vụ án) kể, nhà cô ở ngoài Quảng Trị. Ba mẹ đều làm nông. Mấy năm trước, cô thi đậu vào một trường Đại học tại tỉnh Thừa Thiên- Huế, liền khăn gói vào đây trọ học. Gia đình chẳng mấy khá giả, Nương tìm đến một khu nhà trọ bình dân, sống cảnh sinh viên nghèo.

“Em học ngành ngoại ngữ, rất cần một cái laptop để lên mạng tra cứu bài vở. Nhưng nhà nghèo. Mỗi mùa lúa qua đi, ba mẹ cũng chỉ đủ lo chi phí trong gia đình và gửi vào đây ít tiền cho em ăn học. Mãi đến đầu năm nay, mẹ cắn răng bán mất mấy tấn thóc rồi liều mua cho em một cái máy tính để tiện học hành. Không ngờ máy mới mua còn chưa đầy tuần, đã bị kẻ gian đột nhập trộm đi mất”, Nương kể lại.

Chiếc máy tính đó, là cả gia tài lớn đối với cô sinh viên nghèo trọ học xa nhà. Mất của, xót lòng không chịu nổi, nhưng cô cũng chỉ biết nằm trong phòng trọ khóc suốt mấy ngày liền, nhưng tuyệt nhiên không dám gọi điện về mách mẹ. “Cứ nghĩ đến mấy tấn thóc đẫm đầy mồ hôi của cả nhà, mới đổi được một cái laptop, em xót của chịu không nổi. Mẹ ở quê mà biết chuyện, chắc còn xót hơn em, không khéo vì tiếc của mà đổ bệnh thì nguy mất”, cô gái ngại ngùng.

Cô bạn đi cùng tên Thanh (cũng là bị hại trong vụ án) nhìn Nương cười cười bảo: “Hôm đó cả ba đứa ở khu trọ điều mất máy tính, nhưng hắn là đứa khóc nhiều nhất. Đến nỗi mấy ngày sau mắt vẫn còn sưng vù, không thể đến lớp”.

Trong cả ba bị hại cùng mất trộm hôm ấy, Thanh là người có gia cảnh khó khăn nhất. Cha mất, mẹ một mình tảo tần nuôi mấy chị em cô khôn lớn. Từ Quảng Trị vào Huế trọ học Đại học, một tuần mấy buổi lên lớp, còn lại cô kín lịch đi dạy thêm. Phần kiếm tiền chi trả chi phí ăn học, phần dành tiền mua thuốc chữa bệnh. Bao nhiêu “cuốc” dạy thêm triền miên, mới mua được chiếc máy tính để dùng. Không ngờ lại bị kẻ gian lấy mất.

Thanh bảo, cảnh sinh viên ở trọ, bị kẻ trộm “đục tường khoét vách” là thường, nên đã hết sức cảnh giác. Bạn bè sinh viên, lâu lâu lại có người than vãn mất trộm, hết máy tính lại đến điện thoại, rồi tiền bạc, có khi cả xe máy. Nghe cũng thấy lo, nhưng nghĩ mình ráng cẩn thận, cửa nẻo lúc nào cũng khóa. Bước chân ra khỏi nhà, tài sản thứ gì mang theo được bên mình điều mang theo cả, nhưng chẳng ngờ, cuối cùng vẫn bị “đạo chích” ngó đến.

Cũng may hôm đó, tên “đạo chích” kia quá ngông cuồng, giữa ban ngày ban mặt, một bị hại còn ngồi trong phòng học bài, hắn lại dám rón rén đi vào lấy cắp tài sản. Không may bị cô này phát hiện la lên. Mặt mũi tên trộm kia cũng bị người ta nhìn rõ. Sau khi cô này trình báo cơ quan chức năng, không ngờ một thời gian ngắn sau lại được công an mời đến nhận dạng tên trộm. Mọi việc nhờ thế mới kịp thời làm sáng tỏ. Tài sản dù đã được “đạo chích” kia mang đi cầm cố, nhưng cũng nhanh chóng được thu hồi về, trả cho khổ chủ.

“Suốt thời gian bị mất tài sản, ngày nào em cũng lẩm nhẩm một câu “của đi thay người, của đi thay người”, xem như là một câu thần chú để mình bớt tiếc, bớt buồn. Không ngờ bị mất của, mà còn gặp may như thế. Không nghĩ có ngày lại lấy lại được tài sản”, một bị hại bày tỏ niềm vui trong lòng.

“Con hư, tiền nhiều cũng đổ sông đổ biển”

Lại nói đến bị cáo trong vụ án, là con trai trong một gia đình có đến 9 anh em. Tùng là con trai kế út trong nhà. Năm nay mới 24 tuổi, nhưng Tùng cũng có “chiến tích” tương đối dày dặn. Tùng từng bị công an xử phạt về hành vi “trộm cắp tài sản”, sau đó lại bị xử phạt về hành vi “sử dụng trái phép chất ma túy”, chưa kể từng ngồi tù 2 năm trời vì tội “trộm cắp tài sản”, không ngờ sau khi ra tù lại tiếp tục đi trộm cắp.

Tòa hỏi bị cáo vì sao lại đi ăn trộm. Tùng khai đi trộm để lấy tiền tiêu xài. “Vậy sau khi đem cầm điện thoại và máy tính. Số tiền đó bị cáo sử dụng vào việc gì?”. “Dạ số tiền đó vẫn còn nguyên. Bị cáo chưa kịp tiêu xài thì đã bị bắt”.

Tại phiên tòa, bị cáo kể lể, sau khi ra tù, bị cáo thật tình đã có hối cải. Vì vậy vô cùng chuyên tâm đi học nghề chụp hình. Cũng mong sau này có một công việc ổn định, kiếm được những đồng tiền lương thiện để nuôi sống bản thân. “Bị cáo học chụp ảnh, nhưng không có dụng cụ phương tiện gì. Bị cáo cần máy ảnh, máy chiếu và một số dụng cụ nữa thì mới học được, nên mới đi ăn trộm”, bị cáo ngập ngừng.

“Bị cáo học nghề, có yêu cầu gia đình sắm sửa vật dụng học tập không?”. Bị cáo lí nhí bảo không. “Bị cáo học nghề mấy năm rồi?”. “Dạ hai năm”. “Nếu vậy, bị cáo thật sự cần phải sắm sửa đồ nghề gấp sao? Cấp bách đến độ bị hại ngồi xoay lưng trong phòng, vẫn còn thức, mà bị cáo dám thò tay lấy tài sản? Hay là bị cáo cần tiền để sử dụng ma túy?”. Bị cáo chối đây đẩy, bảo mình không hề sử dụng ma túy. “Bị cáo đã cai ma túy rồi”, Tùng khẳng định chắc nịch.

Vị hội thẩm nghiêm giọng nhắc nhở bị cáo Tùng: “Bị cáo cần tiền sắm sửa dụng cụ học tập, lại đi ăn trộm tài sản của sinh viên. Mà những thứ bị cáo ăn trộm, cũng là dụng cụ học tập của người ta. Mà các bạn sinh viên đó, còn khó khăn hơn cả mình. Bị cáo nghĩ sao mà hành động như thế”. Bị cáo im lặng.

Tại phiên tòa, bị hại Thanh cho biết, mình mất một máy tính xách tay, nhưng đã được cơ quan chức năng trả lại. Tuy nhiên, số tiền cô dành dụm trong một con heo đất khoảng hơn 1 triệu đồng hôm đó cũng không cánh mà bay. “Hôm đó đang đi học, nghe người bạn gọi bảo về gấp, nói phòng bị kẻ trộm đột nhập. Khi về, tôi thấy máy tính không còn, con heo đất cũng bị cắt đôi, số tiền hơn một triệu tôi bỏ ống heo, dành dụm để mua thuốc cũng bị lấy mất. Tôi yêu cầu bị cáo trả lại số tiền này”.

Bị cáo nói mình không hề ăn trộm số tiền trên. “Bị cáo là người cạy cửa phòng bị hại. Hiện tại không thể xác định được ai là người lấy. Cũng không có ai làm chứng bị cáo không lấy. Nhưng một sự thật cần được xác định, là hậu quả bị hại mất tiền là do bị cáo cạy cửa vào”, chủ tọa phân tích.

Cha bị cáo đến tòa, có dáng vẻ rất rầu rĩ. Ông cứ ngồi lặng ở một góc khán phòng, hết thở ra lại thở vào. Tòa hỏi ông: “Con ông ra tù thì làm gì?”. Người đàn ông ấp úng bảo: “Không biết” khiến vị chủ tọa cũng lắc đầu. “Sinh một đứa con, rồi nuôi dạy cho nó khôn lớn, thật rất vất vả. Đằng này, con ông làm gì, ông cũng không biết. Mặc dù con ông đã lớn tuổi, nhưng ông cũng không được chủ quan trong việc quản lý con cái”.

Người đàn ông ấp a ấp úng bảo, do con cái đông, vợ chồng ông cứ suốt ngày xoay mòng mòng mưu sinh, cũng không quán xuyến hết được nhất cử nhất động của bầy con. Tòa gạt ngang lời trần tình của người cha: “Đừng vin vào việc kiếm tiền, rồi bảo không có thời gian. Tiền nhiều đến đâu cũng đổ sông đổ biển, nếu con cái không nên người”.

Tòa hỏi cha bị cáo, số tiền ông giúp con bồi thường, có yêu cầu bị cáo trả lại không. Ông lắc đầu bảo không, “con dại, thì chịu thôi”, ông nói vẻ bất lực. Ông còn đề nghị tòa xin được bồi thường 1 triệu đồng trong heo đất mà bị hại vừa yêu cầu. Giờ nghị án, ông liền đem “tiền tươi” gửi trả bị hại.

Tòa tuyên phạt bị cáo 1 năm 6 tháng tù. Người cha lặng lẽ khẽ thở dài. Ông bảo, sáng hôm nay chỉ có mấy đứa con cùng ông đến tòa. Vợ ông vì buồn phiền chuyện con trai, nên ốm liệt giường liệt chiếu. “Biết hắn hư hỏng. Nhưng rồi “máu chảy ruột mềm”, thấy hắn bị bắt cũng xót xa đến phát ốm”. Nói đoạn, ông lặng lẽ bước đi, mặc kệ nhưng hạt mưa li ti rớt xuống, bám đầy trên mái tóc muối tiêu.

Theo Hà Lê/NLĐ