Hoàn cảnh gia đình khó khăn, vợ mất sau một cơn bạo bệnh, một mình cụ chịu cảnh gà trống nuôi con, gồng gánh chăm sóc hai cô con gái bệnh tật.
Gánh nặng trên vai cha già
Chúng tôi tìm tới gia đình cụ Nguyễn Văn Chúm (95 tuổi, ngụ đường 21, phường 8, quận Gò Vấp, TP. HCM) vào một buổi sáng cuối năm. Trước mắt chúng tôi là hình ảnh cụ ông với mái tóc bạc phơ, khuôn mặt nhăn nheo, khắc khổ. Giờ đây, khi tuổi cao sức yếu, cụ vẫn là chỗ dựa tinh thần cho hai người con gái bệnh tật. Trong đó, một người bị bệnh tâm thần và một người bị bẩm sinh câm điếc. Mỗi ngày trôi qua, cụ đều phải lặn lội bán từng chiếc bánh kiếm tiền nuôi con.
|
Cụ Chúm đang chuẩn bị đi bán bánh. |
Cụ quê gốc ở tỉnh Hà Tây cũ. Do hoàn cảnh khó khăn, cụ phải tha hương tìm kế sinh nhai. Nhắc lại chuyện cũ, cụ không khỏi chạnh lòng. Vào năm 1954, cụ Chúm rời quê hương vào Sài Gòn – Gia Định cũ (nay là TP. HCM) để lập nghiệp. Vì không biết chữ nên ngay từ những ngày đầu mới đặt chân tới thành phố này, cụ phải làm thuê, kinh qua đủ nghề để sống.
Năm 1960, trong một lần làm việc ở quận Bình Thạnh, TP.HCM cụ tình cờ quen rồi nên nghĩa vợ chồng với cụ Nguyễn Thị Út (SN 1920, quê huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre). Cưới nhau được vài năm, hai vợ chồng cụ sinh được 4 người con, gồm 3 gái và 1 trai. Người con gái đầu lòng mới lên 5 thì phát bệnh rồi qua đời. Sau đó, người con trai thứ hai cũng qua đời vì nghiện ma túy.
Nhiều năm làm thuê khổ nhọc, mãi đến năm 1999, vợ chồng cụ mới dành dụm được số tiền đủ để mua căn nhà nhỏ nằm sâu trong hẻm số 23, đường 21, phường 8 để che mưa che nắng qua ngày. Thế nhưng, niềm vui của cặp vợ chồng già ấy chưa được bao lâu thì vào một ngày cuối năm 2004, cụ Út đột nhiên qua đời sau một cơn bạo bệnh. Từ đó, cụ Chúm sống cùng hai người con gái tật nguyền là Nguyễn Thị Loan (47 tuổi) và Nguyễn Thị Thanh (49 tuổi).
Vật vã những bước chân...
Thương cảnh hai con gái bị bệnh, cụ Chúm hàng ngày một mình đi bán bánh giò, bánh tét, bánh khoai... để kiếm tiền cho cả gia đình sống qua ngày. Nghề bán bánh đã theo cụ đến nay tròn 30 năm. Cũng ngần ấy năm, người cha già còm cõi ấy vẫn lặng lẽ xách từng chiếc bánh đi trên khắp các tuyến đường ở quận Gò Vấp, quận Phú Nhuận, quận Tân Bình...
Do không biết đi xe đạp, cụ phải đi bộ và xách trên tay hai bịch bánh (mỗi bịch nặng 10kg –PV). Chính vì thế, đôi bàn tay gầy guộc của cụ nhìn đâu cũng thấy sẹo, vết chai sạn. Những vết chai đó càng dày bao nhiêu thì nỗi vất vả, tình thương của người cha già dành cho con càng lớn bấy nhiêu.
Sau này, để tiện hơn cho việc đi lại, cụ Chúm đặt bánh ở một cửa hàng tại quận 12. Cứ sáng sớm, họ lại mang tới nhà để cụ đi bán. “Mỗi ngày tôi nhận về 50 chiếc bánh, mỗi chiếc như vậy bán chỉ lời 1 - 2 ngàn đồng. Hôm nào bán hết bánh thì có tiền mua gạo, còn hôm nào ế, cha con tôi phải ăn bánh thay cơm”, cụ Chúm cho hay.
Với người dân quanh đường 21, hình ảnh cụ ông đi bán bánh nuôi con đã không còn xa lạ. Thường ngày, từ 9h sáng, cụ Chúm bắt đầu ra khỏi nhà. Trước khi rong ruổi, lặn lội cả chục km khắp phố phường mưu sinh, cụ chỉ ăn lót dạ bằng bánh mỳ, cơm nguội hoặc gói mì tôm. Nhiều buổi trưa cụ nhịn đói. Nếu hôm nào ế, cụ mới dám ăn chiếc bánh của mình. Ước tính mỗi ngày cụ đi bộ tới 20km để bán hết số bánh ấy. Và trong suốt 30 năm qua, chẳng ai có thể đếm được số bước chân, những con phố mà người cha này đã đi để kiếm tiền chăm sóc hai con gái khuyết tật.
Khi được hỏi về tâm nguyện của mình, cụ tâm sự: “Tôi cầu mong ông trời cho mình sức khỏe để đi bán được nhiều bánh nuôi hai con bệnh tật. Nếu sau này tôi không còn sống nữa, chỉ mong có ai đó sẽ giúp đỡ để hai con tôi có cái ăn, cái mặc qua ngày. Cái số bám tôi như vậy thì đành chịu”. Điều may mắn, mặc dù tuổi đã cao, nhưng cụ Chúm vẫn còn khá khỏe mạnh và dẻo dai.
Tâm sự với chúng tôi về hoàn cảnh của mình, cụ bảo, nhiều hôm trời mưa to, nước ngập tràn vào trong nhà khiến mấy bố con cụ không thể ngủ được. Khi đó, cụ phải lấy áo mưa, che chỗ hai con gái nằm. Mỗi lần cô con gái mắc bệnh tâm thần lên cơn, cụ lại phải ở nhà chăm sóc. Và tất nhiên những hôm đó, cả ba cha con bị đói. “Những lần con tôi phát bệnh, nó kêu la, gào thét khiến mọi người sợ hãi, không dám tiếp xúc. Bây giờ tôi còn khỏe vẫn kiếm được chút tiền, nhưng không biết tôi còn sống được bao lâu”, cụ lo lắng.
Chị Nguyễn Thị Bình (40 tuổi, ngụ đường 21) xúc động tâm sự: “Đến phường này, chỉ cần hỏi tên cụ Chúm bán bánh nuôi con gái bị bệnh, ai cũng biết. Nhìn hoàn cảnh và việc làm của cụ Chúm, chúng tôi xúc động và thương cảm lắm. Nếu đặt vào hoàn cảnh của cụ, chắc chẳng mấy người có thể làm được. Bà con nơi đây ai cũng thương và quý trọng cụå. Chúng tôi cũng nghèo nên không có tiền để giúp đỡ, thỉnh thoảng có miếng ăn lại mang sang biếu cha con cụ”.
TP.HCM vốn hoa lệ ồn ã. Những ngày cuối năm ai ai cũng tất bật chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Thế nhưng, với gia đình cụ Chúm thì ngược lại. Đã từ rất lâu, họ chưa biết đến cảm giác của một cái Tết ấm cúng, đầy đủ. Bởi lẽ, ngày Tết, người cha già đã bước sang tuổi 95 ấy vẫn lo không có tiền để mua gạo nấu cơm cho hai con. Cụ chia sẻ, mỗi dịp Tết đến xuân về, chính quyền địa phương và bà con láng giềng giúp đỡ cha con cụ chút quà. Tuy nhiên, số tiền đó cụ đều để dành để sau này mình mất đi, cụ sẽ nhờ ai đó chăm sóc hai cô con gái. “Số tiền đó không nhiều nhưng dù tôi ốm đau cũng nhất quyết không dùng đến. Tôi già rồi, sống được ngày nào hay ngày đó, chỉ lo cho hai con gái sau này”, nói đến đây, cụ Chúm bật khóc.
Chính quyền vừa sửa lại nhà
Đại diện UBND phường 8, quận Gò Vấp (TP.HCM) cho biết: “Cảm động trước tấm lòng của người cha già nuôi hai con gái bệnh tật, chính quyền địa phương đã nhiều lần tới thăm hỏi, động viên gia đình cụ. Bữa ăn của cha con cụ rất đạm bạc, chỉ có cơm, nước tương và mấy miếng dưa. Thấu hiểu được điều đó, vừa qua chính quyền UBND phường 8 đã vận động sửa mới lại căn nhà cũ thành nhà tình thương để cha con cụ có chỗ ở vững chãi”.
Theo Người Đưa Tin