Nước sạch sông Đà nhiễm Styren: Thất bại trong việc quản lý an ninh nguồn nước

Google News

Sau sự cố Công ty nước sạch sông Đà cung cấp nước nhiễm chất Styren cho người dân Thủ đô, trao đổi với PV Infonet bên hành lang Quốc hội chiều 21/10, đại biểu (ĐB) Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng an ninh nguồn nước là vấn đề hiện nay chưa quản lý được!

Nuoc sach song Da nhiem Styren: That bai trong viec quan ly an ninh nguon nuoc
ĐB Nguyễn Ngọc Phương. 
Theo ông Phương, nước sạch và vệ sinh môi trường là hai lĩnh vực rất cần thiết được Chính phủ và từng người dân quan tâm vì ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của từng người dân, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
“Vấn đề vi phạm nước sạch, vệ sinh môi trường trong thời gian qua, đặc biệt là trong vụ việc xảy ra tại Hà Nội, nguyên nhân cơ bản đó là các doanh nghiệp (DN) quản lý nước thiếu chặt chẽ, thiếu cụ thể. Người dân ở tại từng khu vực thiếu phát huy vai trò của mình trong việc phát hiện, tố cáo, báo cáo các cơ quan chức năng xử lý. Đặc biệt, ý thức trách nhiệm của một số người dân quá kém”, đại biểu Phương nêu nguyên nhân.
Cụ thể, 3 đối tượng có liên quan đến vụ đổ trộm dầu thải, gây ô nhiễm nguồn nước sông Đà đều có ý thức trách nhiệm kém; không nhận thức và cũng không hiểu được rằng việc làm của mình đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe cho nhiều người. Bản thân các đối tượng này đã vi phạm pháp luật, đối diện với việc bị các cơ quan chức năng truy tố, xử lý.
Đại biểu đoàn Quảng Bình cũng cho rằng việc Hà Nội đưa ra khuyến cáo đối với người dân sử dụng nước sạch sông Đà sau 7 ngày xảy ra sự việc là chậm nhưng để xử lý cần phải có cơ sở pháp lý. Các cơ quan chức năng cần có thời gian để điều tra, làm rõ nguyên nhân nước bẩn từ đâu, ai là người vi phạm và mức độ xử lý như thế nào, nguồn nước đấy bị ô nhiễm đến mức độ nào, có dùng được hay không… Khi có hiện tượng xảy ra thì việc xử lý phải nhanh gọn nhưng các cơ quan chức năng chuyên ngành về vấn đề này chưa phải thông suốt nên chậm 7 ngày là tất yếu.
Trả lời câu hỏi, nước sinh hoạt có cần phải được coi là an ninh quốc gia hay không, ông Phương nhìn nhận, “an ninh nguồn nước là vấn đề hiện nay chưa quản lý được”. Vì nguồn nước lấy từ các hồ, các hồ lấy từ nhiều nơi đổ về thì chắc chắn vệ sinh nguồn nước chưa tốt. Ví dụ nuôi trâu bò hay động vật, nước thải của gia đình xung quanh xả thải ra môi trường, chảy vào nguồn nước... gây ô nhiễm.
“Bây giờ phải có nhiều giải pháp mang tính chất đồng bộ, đúng quy trình thì mới hạn chế được. Nguồn nước thuộc phạm vi cung cấp nước sạch cho người dân thì phải có hàng rào che chắn, có khu vực quản lý, bảo vệ chặt chẽ.
Doanh nghiệp nào được cấp phép cung cấp nước cho người dân thì doanh nghiệp đó phải phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình để ngăn cản tất cả cá nhân, tổ chức gây ô nhiễm như nuôi trâu bò, dùng phân bón, phân hóa học chảy về hồ thì phải có trách nhiệm.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp nào cung cấp nước sạch thì phải xây dựng được hệ thống lọc nước đảm bảo đúng quy trình chặt chẽ, nước thành phẩm đạt chuẩn chất lượng thì mới được cung cấp cho người dân”, ông Phương nhấn mạnh.
Về hướng xử lý các đối tượng có hành vi xả thải ra môi trường hiện đã được Công an tỉnh Hòa Bình khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tiến hành bắt khẩn cấp, ông Phương cho rằng, “trình độ nhận thức của các đối tượng vi phạm rất kém”.
Điều này cho thấy công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật của chúng ta đến từng người dân chưa sát thực nên luật vẫn chưa đi vào cuộc sống. Vì thế ông Phương đề nghị với những đối tượng này cần phải xử lý nghiêm khắc, theo đúng quy định của pháp luật nhằm vừa có tác dụng cảnh báo, vừa răn đe.
“Đồng thời cũng cần phải xem xét nếu luật quy định xử phạt chưa nghiêm thì phải sửa luật để xử lý cho nghiêm thì mới ngăn chặn những hành vi tương tự”, ông Phương nhấn mạnh.
Theo N. Huyền/Infonet