Ôm hận vì người tình ngoại quốc

Google News

Khi các "quý bà, quý cô" phát hiện bị lừa đảo thì những đối tượng người nước ngoài đã rút tiền và cao chạy xa bay

Mặc dù báo chí, các phương tiện truyền thông cũng như cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo về việc hàng loạt "quý bà, quý cô" sụp bẫy trai ngoại nhưng nhiều người vẫn bị lừa. Số người bị giăng bẫy ngày càng tăng, trong khi thủ đoạn lừa đảo của các băng tội phạm xuyên quốc gia ngày càng tinh vi.
Người tình bí ẩn
Là nạn nhân trong một vụ án lừa đảo do đối tượng người Nigeria cầm đầu đã được TAND TP HCM đưa ra xét xử, bà T.N (47 tuổi; ngụ quận Bình Tân, TP HCM) chua chát khi thấy diện mạo của nhóm lừa mình.
Om han vi nguoi tinh ngoai quoc
Một đối tượng người châu Phi chuyên lừa đảo “quý bà, quý cô” bị Công an TP HCM bắt giữ.
Bà N. bộc bạch: "Qua Facebook, tôi nhận được lời mời kết bạn từ một người đàn ông châu Âu, da trắng chứ không phải đen thui như những kẻ này. Sau một thời gian nói chuyện qua lại bằng tin nhắn trên Facebook, người đàn ông nói đang rất cô đơn và ngỏ ý muốn sang Việt Nam sinh sống với tôi đến đầu bạc răng long".
Do cần một người bầu bạn cũng như tâm sự, giúp đỡ nhau những lúc trái gió trở trời nên bà N. xiêu lòng khi người tình qua mạng tung một loạt lời hứa hẹn đầy ngọt ngào và vẽ ra cuộc sống như mơ. Theo bà N., người tình ngoại quốc tỏ ra rất yêu mến phong cảnh, con người Việt Nam và nói rằng sau bao nhiêu năm bôn ba làm lụng, giờ muốn có một cuộc sống an nhàn ở tuổi xế chiều.
Sau những lời ngọt ngào này, người tình ngoại quốc thông báo sẽ mang 1 triệu USD sang Việt Nam mua nhà, mua đất để tận hưởng cuộc sống về già; còn bà N. có nhiệm vụ chọn một chung cư cao cấp có giá tầm 10 tỉ đồng. Bà N. hớn hở săn lùng giá nhà ở các khu dân cư cao cấp, thậm chí nhờ bạn bè so sánh an ninh trật tự giữa khu này với khu kia. Xong xuôi, bà N. lên mạng đưa cho người tình mẫu nhà cũng như tình hình giao thông, an ninh thì ông ta tỏ ra khá thích thú và rất ưng ý.
"Sau đó, ông ta nói đúng đầu tháng sẽ chuyển cho tôi điện thoại, quà tặng là nhẫn, nữ trang. Gần tới ngày, tôi lên Facebook thấy ông ta nhắn cho tôi hóa đơn mua hàng kèm theo chứng từ giao dịch, chứng từ chuyển hàng" - bà N. kể.
Gần đến ngày nhận hàng, một người gọi điện thông báo bà N. có một số kiện hàng được chuyển từ nước ngoài về. Tuy nhiên, nhân viên hải quan phát hiện bên trong có một số nữ trang và gần 1 triệu USD. Bà N. nhắn tin cho người tình ngoại quốc thì ông ta nói rằng có gửi tiền trong kiện hàng nhưng không khai báo vì sợ đánh thuế, giục bà đóng phạt để nhận hàng và tiền rồi ông ta sẽ sang Việt Nam vào đầu tuần.
Tin lời, bà N. chuyển hàng trăm triệu đồng theo tài khoản chỉ định mà "nhân viên hải quan" cung cấp. Sau đó, bà bỏ công ăn việc làm để ngồi chờ cuộc gọi từ nhân viên chuyển hàng.
Nhiều ngày, nhiều tuần trôi qua nhưng bà N. không nhận được hàng mà người tình trên Facebook thì mất tăm, tài khoản cũng bị khóa. Biết mình bị lừa, bà N. đến công an nhờ can thiệp và phong tỏa tài khoản ngân hàng mà mình đã chuyển tiền. Tuy nhiên, bọn lừa đảo đã rút sạch tiền sau khi bà N. vừa chuyển.
Theo Công an TP HCM, bà N. chỉ là một trong hàng trăm phụ nữ ở TP HCM cũng như khắp cả nước sa vào chiếc bẫy của bọn tội phạm xuyên quốc gia.
Chậm trễ trình báo
Trong một cuộc họp liên ngành giữa các cơ quan tố tụng tại TP HCM, đại tá Nguyễn Minh Thông, Chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP, cho biết: Mặc dù đã cảnh báo rất nhiều lần nhưng nhiều người vẫn tin vào những lời hứa để rồi tiền mất tật mang. Trong số những bị hại có cả người học thức cao nhưng vẫn chuyển tiền rồi đến cầu cứu cơ quan chức năng.
Theo Công an TP HCM, khó khăn trong công tác điều tra, triệt phá những vụ án "quý bà, quý cô" bị lừa đảo là kẻ cầm đầu thường giấu mặt. Các băng nhóm nước ngoài thường cấu kết với người Việt Nam trong nước để lừa đảo chính người dân của mình. Những đối tượng người nước ngoài thường nhờ người Việt dùng thông tin cá nhân mình hoặc bạn bè, người thân mở tài khoản ngân hàng làm phương tiện phạm tội.
"Những đối tượng nước ngoài thiết lập một mạng lưới lừa đảo xuyên quốc gia rất tinh vi. Khi đồng bọn người Việt bị phát hiện thì chúng cũng cắt đứt liên lạc, cao chạy xa bay nên ít khi bị bắt. Bên cạnh đó, nhiều người sau khi bị lừa thường chậm trễ trình báo nên việc phong tỏa tài khoản không được kịp thời, các đối tượng cũng đã rút hết tiền" - một cán bộ điều tra Công an TP HCM lý giải.
Tại các phiên tòa xét xử những băng nhóm lừa đảo, các đối tượng khai chỉ đóng vai trò thứ yếu như mở tài khoản ngân hàng và được trả công. Ngoài ra, theo lời khai của những kẻ tham gia lừa đảo, quy trình mở tài khoản ngân hàng hết sức dễ dàng nên nhiều đối tượng đã đến các bến xe, tiệm cầm đồ mua CMND của người khác để mở tài khoản, sau đó rút tiền mà nạn nhân chuyển vào rồi giao cho những kẻ lừa đảo.
Đại tá Nguyễn Minh Thông cho rằng nhiều phụ nữ ý thức cảnh giác rất kém, chỉ quen sơ qua mạng nhưng vội tin những lời hứa ảo. Những kẻ cầm đầu không có công ăn việc làm, lấy ảnh các thanh niên đẹp mã làm hình đại diện trên mạng Facebook, Zalo và kết bạn với phụ nữ Việt. Nhiều người khi đã chuyển một số tiền rất lớn và không liên lạc được mới đến trình báo công an.
Muốn nhận tiền phải đóng 4 loại phí
Vừa qua, bà H.T.X (SN 1955; ngụ quận 10, TP HCM) đã gửi đơn đến Báo Người Lao Động phản ánh việc bà bị một người đàn ông ngoại quốc tên Colbert Jerrick lừa đảo.
Bà X. và Jerrick quen nhau trên mạng được vài tháng, thường xuyên chia sẻ chuyện tình cảm và Jerrick hứa cho bà X. một số tiền.
Sau đó, có một phụ nữ gọi cho bà X. xưng là nhân viên hải quan thông báo có một số tiền được Jerrick gửi nhưng muốn nhận phải đóng 4 loại phí. Tin lời, bà X. chuyển tổng cộng gần 455 triệu đồng và khi biết bị lừa thì đến Công an quận 10 trình báo.
Theo Phạm Dũng/NLĐ