Ông Phùng Anh Lê kêu oan, Viện kiểm sát đề nghị không chấp nhận kháng cáo

Google News

Tại tòa, ông Phùng Anh Lê giữ nguyên quan điểm kháng cáo kêu oan. Trong khi đó, nêu quan điểm luận tội, Viện kiểm sát đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo.

Chiều 20/4, Viện kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Hà Nội khi nêu quan điểm luận tội đã đề nghị HĐXX cùng cấp không chấp nhận kháng cáo kêu oan, giữ nguyên bản án sơ thẩm mà TAND TP Hà Nội đã tuyên 7 năm 6 tháng tù về tội nhận hối lộ với bị cáo Phùng Anh Lê (cựu đại tá, cựu trưởng Công an quận Tây Hồ, cựu trưởng Phòng cảnh sát kinh tế Công an TP Hà Nội) trong vụ tha người trái pháp luật.

Theo viện kiểm sát, mặc dù quá trình điều tra và tại phiên sơ thẩm, phúc thẩm bị cáo Phùng Anh Lê đều không thừa nhận hành vi của mình, nhưng căn cứ vào hồ sơ vụ án, lời khai của người làm chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, lời khai của ba thuộc cấp của bị cáo tại Công an quận Tây Hồ, có đủ cơ sở xác định hành vi phạm tội của bị cáo như cáo buộc.

Viện kiểm sát cho rằng, tòa sơ thẩm kết tội nhận hối lộ với bị cáo Lê là có căn cứ, đúng pháp luật, không oan.

Ong Phung Anh Le keu oan, Vien kiem sat de nghi khong chap nhan khang cao

Bị cáo Phùng Anh Lê.

Nhận trách nhiệm người đứng đầu, phủ nhận cáo buộc "Nhận hối lộ"

Trước đó, tại phần xét hỏi phiên tòa buổi sáng, hầu hết những người làm chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án đều giữ nguyên lời khai như ở phiên tòa sơ thẩm.

Riêng bị cáo Phùng Anh Lê cho rằng mình không phạm tội. "Bị cáo không nhận hối lộ...bị cáo bị oan", ông Lê liên tục khẳng định.

Ông Lê thừa nhận cuối năm 2016 là Trưởng Công an quận Tây Hồ và phụ trách chung tại đơn vị. Tuy nhiên, bị cáo không còn nhớ rõ những diễn biến sự việc đêm 22/9/2016.

Bên cạnh đó, ông Lê cũng phủ nhận lời khai của ông Phùng Văn Bảy và đề nghị cơ quan điều tra thu thập lịch trực hôm đó, bởi ông không thể nhớ rõ mình có trực hay không.

Theo cựu Trưởng Công an quận Tây Hồ, ông Bảy không đưa tiền và cũng không nhờ ông việc gì vào đêm 22/9.

Ông Lê khai không rõ đối tượng Nguyễn Hữu Tài trong vụ án là ai, chỉ biết thông qua một số tờ báo nêu.

Cuối phần trả lời xét hỏi, ông Phùng Anh Lê xin nhận trách nhiệm người đứng đầu Công an quận Tây Hồ khi xảy ra vụ việc. Về trách nhiệm hình sự, ông Lê cho rằng "ai để xảy ra sự việc thì người đó phải chịu".

Bản án sơ thẩm xác định, sau khi đối tượng Nguyễn Hữu Tài (trú quận Ba Đình) ra đầu thú về hành vi cùng đồng phạm bắt giữ, đánh một người vay nợ. Tài sau đó bị Công an quận Tây Hồ tạm giữ khuya 22/9/2016.

Nhận được tin, người thân của Tài đã nhờ ông Phùng Văn Bảy (chú họ của bị cáo Lê) gặp ông Lê để nhờ giúp đỡ cho nghi phạm này không bị xử lý hình sự.

Khi gặp chú họ, cựu đại tá Phùng Anh Lê đã đề nghị phải đưa 110 triệu đồng để cho Tài và phía bị hại hòa giải. Sau đó, người thân của Tài đã chuẩn bị tiền và vay mượn thêm, rồi chuyển cho ông Bảy để người trung gian này chuyển cho ông Lê.

Sau khi ông Bảy gặp và để tiền tại phòng làm việc của ông Lê rồi ra về, bị cáo đã yêu cầu Nguyễn Đức Châu, Vũ Công Ngọc mang hồ sơ vụ việc liên quan Nguyễn Hữu Tài đến để xem. Lúc đó, Tài đã được đưa vào nhà tạm giữ của Công an quận Tây Hồ.

Đêm 22/9/2016, ông Lê chỉ đạo cấp dưới đến nhà tạm giữ đưa Tài ra ngoài, cho viết cam đoan rồi thả về.

Từ những sai phạm trên, ông Lê bị truy tố hành vi “Nhận hối lộ”, các thuộc cấp của ông bị truy tố về tội "Tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù”.

Khi xét xử, TAND TP Hà Nội tuyên Phùng Anh Lê 7 năm 6 tháng tù. Các cựu thuộc cấp của ông này, gồm bị cáo Nguyễn Đức Châu (cựu Đội trưởng Cảnh sát hình sự Công an Tây Hồ) lĩnh 10 tháng 20 ngày tù (bằng thời hạn tạm giam); Lê Đình Trung lĩnh 4 tháng 12 ngày tù (bằng thời hạn tạm giam); riêng bị cáo Vũ Công Ngọc (cựu Đội phó Hình sự Công an quận Tây Hồ) bị tuyên 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Theo Hoàng An/ Tiền Phong