PGS.TS Chu Cẩm Thơ: Ủng hộ dừng tuyển sinh Ams2, thay mô hình khác

Google News

PGS.TS Chu Cẩm Thơ ủng hộ quyết định dừng tuyển sinh lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, chuyển sang mô hình vận hành theo đúng chức năng, tránh lẫn lộn khó quản lý.

Ngày 2/4, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết sẽ dừng tuyển sinh lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam từ năm học 2024-2025.
Hệ THCS của Trường THPT Amsterdam Hà Nội đã duy trì được gần 30 năm. Đây là một trong những trường “hot” của Hà Nội, nhận được sự quan tâm lớn từ phụ huynh. Mỗi năm số hồ sơ đăng ký dự tuyển thường lên tới 3.000, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh chỉ có 200. Theo chia sẻ của phụ huynh, nhiều học sinh đã không có hè những năm tiểu học để luyện thi, mong có một suất vào ngôi trường mơ ước này.
PGS.TS Chu Cam Tho: Ung ho dung tuyen sinh Ams2, thay mo hinh khac
 Học sinh thi vào lớp 10 Trường THPT Amsterdam Hà Nội. Ảnh: Mai Loan.

Chính vì vậy, thông tin dừng tuyển sinh lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam từ năm học 2024-2025 đã gây nhiều tâm trạng tiếc nuối. Trên một số diễn đàn lớn về giáo dục, nhiều phụ huynh bày tỏ nỗi buồn, sự thất vọng khi không còn “Am2”.
Mô hình trường chuyên sẽ phải thay đổi
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Bộ GD&ĐT cho biết, về nguyên tắc, tất cả các mô hình trên thế giới và thực tiễn ở Việt Nam, vai trò của trường chuyên là tạo ra để bồi dưỡng những học sinh có năng khiếu.
PGS.TS Chu Cam Tho: Ung ho dung tuyen sinh Ams2, thay mo hinh khac-Hinh-2
 PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Bộ GD&ĐT. Ảnh: Mai Loan.
Năm 2023, Bộ GD&ĐT đã đưa ra quy định, không được mở lớp không chuyên (lớp cận chuyên hay lớp chất lượng cao) ở trong các trường chuyên để tập trung đào tạo các lớp chuyên. Quy định này khiến các trường chuyên phải thay đổi lại cách vận hành.
Tuy nhiên, đây không phải là một quy định mới. Về nguyên tắc, trường chuyên chỉ có trách nhiệm đào tạo học sinh có năng khiếu, đào tạo nhân tài. Nhưng tiếc là, từ khi đổi mới, nhu cầu đầu tư cho giáo dục và xã hội hóa được nâng cao rất nhiều.
Đặc biệt, trong 20 năm gần đây, khả năng chỉ trả của người dân dành cho giáo dục được tăng lên. Các trường chuyên trong mỗi địa phương được xác định là mô hình đào tạo chất lượng cao có thành tích, có đội ngũ giáo viên dạy giỏi. Vì vậy, nhu cầu người dân tham gia vào môi trường trường chuyên tăng lên. Các trường chuyên ở các địa phương và đại học đều mở những lớp cận chuyên, chất lượng cao để phục vụ nhu cầu đó.
Quyết định “cứng rắn” của Bộ GD&ĐT về việc các trường chuyên phải đóng những lớp không chuyên trong trường chuyên này cũng đã tạo ra những luồng dư luận khác nhau.
Ngoài ra, theo nghiên cứu của TS Chu Cẩm Thơ và các cộng sự, hầu hết các lớp học phát hiện nhân tài ở Việt Nam hiện nay đều xuất phát từ nhu cầu, định hướng của người lớn chứ chưa thực sự là môi trường để phát hiện và bồi dưỡng nhân tài. Điều đó đã dẫn đến một bộ phận các em tham gia vào môi trường này mà chưa chắc đã là sự mong muốn của chính các em.
Vì vậy, mô hình trường chuyên sẽ phải thay đổi, để làm sao hài hòa được hai việc: Một bản thân các em có quyền như những đứa trẻ khác, đó là một môi trường hài hòa và phát triển đầy đủ về thể chất, tinh thần, lối sống. Ở một mặt nào đó, nhiều trường chuyên hiện nay chưa làm được điều này. Thứ hai, phải thay đổi để tập trung nguồn lực cho những em có năng khiếu.
“Việc thực hiện đúng quy định dừng tuyển sinh lớp không chuyên trong trường chuyên cũng nhằm thực hiện được mục tiêu đó”, PGS.TS Chu Cẩm Thơ cho hay.
Ủng hộ dừng tuyển sinh lớp 6 trường THPT Amsterdam
Theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ, về mặt lịch sử, Hệ THCS của Trường THPT Amsterdam Hà Nội cũng sinh ra vì nhu cầu của xã hội hơn là vì sứ mệnh được giao phó.
Nếu là vì nhu cầu, thì ta có thể mở các loại hình trường khác, mô hình khác cho nó.Thực tế, ở HN nói riêng và các trường cả nước nói chung đang xây dựng các mô hình trường như thế, không nhất thiết phải đặt nó ở trong trường chuyên, để phân biệt đúng mô hình vận hành của các trường.
PGS.TS Chu Cam Tho: Ung ho dung tuyen sinh Ams2, thay mo hinh khac-Hinh-3
 Các phụ huynh đứng chờ con thi vào Trường THPT Amsterdam Hà Nội. Ảnh: Mai Loan.
“Tôi ủng hộ định hướng này hơn, đó là hãy phục vụ nhu cầu của người dân và định hướng của địa phương bằng một mô hình vận hành theo đúng chức năng đó hơn là chúng ta lắp ghép vào một mô hình, chức năng khác. Như vậy, rất khó cho quản lý và đồng thời lẫn lộn các khái niệm với nhau”, PGS.TS Chu Cẩm Thơ cho hay.
Chẳng hạn, PGS Thơ ủng hộ các trường cơ sở và các trường tiểu học đi theo các mô hình phục vụ nhu cầu của người dân. Trên thực tế hiện có, nhiều trường học đã làm điều này rất hài hòa, bởi họ chỉ phục vụ cho một mô hình, phạm vi hẹp, không liên quan những chính sách lớn. Ví dụ, ở Hà Nội cũng đã có rất nhiều trường chất lượng cao, hoặc một số trường học khác cũng đang trong tiến trình thực hiện chiến lược nâng cao chất lượng.
“Còn nếu giữ lại cấp THCS của Trường THPT Amsterdam hoặc Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa thì ta sẽ hiểu đó là một chính sách trong phạm vi rộng, trong khi không có chính sách này”, PGS.TS Chu Cẩm Thơ nói.

Đại diện Sở GD&ĐT cho hay, Sở sẽ nghiên cứu để tham mưu, đề xuất UBND thành phố có phương án phù hợp với quy định hiện hành, đảm bảo yêu cầu đào tạo nguồn học sinh chất lượng cao, đáp ứng nguyện vọng của học sinh và phụ huynh Thủ đô.  

 
Mời quý độc giả xem video: PGS.TS Chu Cẩm Thơ bày tỏ quan điểm về việc dừng tuyển sinh lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam từ năm học 2024-2025. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.

Mai Loan