Phải có chiến lược để tai nạn giao thông giảm

Google News

"Phải có chiến lược để tai nạn giao thông giảm, giảm đến mức nào đó, chứ cứ thế này thì 5 năm nữa tình hình cũng không có biến chuyển”, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh) đề xuất.

Sáng 6.3, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt trong các năm 2017, 2018, đầu năm 2019 và giải pháp trong thời gian tới.
Phai co chien luoc de tai nan giao thong giam
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: QH 
Phát biểu liên quan đến vấn đề số liệu thống kê về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, hiện các cơ quan đang thực hiện theo Thông tư 58, tính số người chết ngay tại hiện trường, nhưng Tổ chức Y tế thế giới lại tính số người chết trong vòng 30 ngày. Từ thực tế trên, bà Nga cho rằng, chúng ta phải xem lại Thông tư 58, xem có cần điều chỉnh không, còn việc bộ, ngành, địa phương có làm đúng thông tư này hay không lại là một vấn đề khác.
Về vấn đề xử phạt, bà Nga cho rằng, ở nước ta, dù có bao nhiêu cảnh sát giao thông đi nữa cũng không đủ để phạt trực tiếp các vi phạm. Chính vì vậy, phải thực hiện như các nước, có hỗ trợ công nghệ. Điều này sẽ tránh được tình trạng chống đối người thi hành công vụ và góp phần minh bạch, tránh tình trạng chung chi. Thế nhưng cái khó khi tiến hành phạt nguội, mà ngành công an trăn trở là với ôtô thì áp dụng được, còn xe máy khó vì xe không chính chủ.
Đề cập đến vấn đề đào tạo lái xe, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng, công tác đào tạo lái xe rất hình thức, trong khi việc kiểm tra kiểm định lại rất ít. Việc đào tạo lái xe rất nhiều sơ hở. Nhiều lái xe bảo, ở trong trường học được bao nhiêu đâu, chủ yếu ra ngoài vừa lái vừa nâng cao tay nghề thôi. Khi cầm bằng lái bước ra xe, phải đạt chín muồi về lý thuyết và thực hành, kỹ năng ứng xử, phản xạ phải đạt được tiêu chí nhất định. Nhưng bây giờ không đạt, xe 2 bánh hầu như mua bằng, cử tri phản ánh rất đúng, cần kiểm tra lại.
Điều đáng lưu ý, theo ông Nghĩa là tình trạng nhà nước đi sau giải quyết hậu quả. Lẽ thường, cơ quan quản lý nhà nước phải xác định nhiệm vụ là không để vi phạm xảy ra, phòng ngừa là đầu tiên, còn khi xảy ra, việc xử lý là nhiệm vụ thứ hai. Nhưng hiện nay chúng ta chủ yếu đi xử lý hậu quả là chính. Ông Nghĩa đề nghị, phải có chiến lược để tai nạn giao thông giảm đến mức nào đó, chứ cứ thế này thì 5 năm nữa tình hình cũng không có biến chuyển.
Theo Lao động