'Phải đau đáu khi trong nhà dân không quá 500.000 đồng'

Google News

"Phải đau đáu khi trong nhà dân không quá 500.000 đồng" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói tài sản trong nhà người dân ở Sa Pa (Lào Cai) có không quá 500.000 đồng và lưu ý từng ngành, địa phương phải thấy nỗi đau đau đáu này để tập trung nguồn lực cho xây dựng nông thôn, nông dân.
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn chứng khi lên Sa Pa (Lào Cai) dịp rét đậm, rét hại đến mức trâu bò chết, vào trong nhà dân tháy tài sản trong nhà không quá 500.000 đồng, và lưu ý phải thấy nỗi đau đau đáu đó để tập trung nguồn lực cho nông thôn - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Còn một bộ phận không nhỏ đời sống nông dân, ngư dân, diêm dân... vùng thiên tai, lũ lụt vừa qua, vùng núi, vùng dân tộc, nông dân còn khó khăn. Mấy lần tôi lên Sa Pa dịp rét đậm, rét hại khiến cả trâu bò cũng chết, khi vào trong nhà người dân thấy tài sản trong nhà không quá 500.000 đồng. Phải thấy nỗi đau đau đáu này để tập trung nguồn lực cho xây dựng nông thôn, nông dân Việt Nam
Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị triển khai nhiệm vụ 2018 của ngành nông nghiệp, ngày 4/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đất nước có tới 70% người dân ở nông thôn, trên 42% lao động ở nông thôn, nhưng trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn chỉ chiếm 15%.
Điều đó cho thấy năng suất nông nghiệp còn thấp, thu nhập của người dân có tiến bộ nhưng còn thấp hơn so với vùng đô thị và những vùng có điều kiện.
"Nói vậy để thấy cần tiếp tục quan tâm hơn nữa để nâng cao cuộc sống của nông dân. Sự nghiệp công nghiệp hóa chỉ thành công khi nông nghiệp nông thôn thành công" - Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng khẳng định năm 2017, một năm thiên tai, lũ lụt kỷ lục nhưng ngành nông nghiệp đã đạt và vượt các mục tiêu quan trọng, so với 2016 là vượt cao.
"Trong thành tích vượt trội của 2017, ngành nông nghiệp đã đóng góp rất quan trọng vào thành công của đất nước. Đặc biệt, một số lĩnh vực rất thành công như rau-củ-quả, lương thực, thủy sản, chế biến gỗ.
Lần đầu tiên rau-củ-quả của VN đã vượt mức xuất khẩu của dầu thô và xuất khẩu gạo. Đó là điều rất bất ngờ từ trước tới nay chưa từng có. Đó có phải là điều rất quan trọng, là thế mạnh của VN, là hướng ra của nền nông nghiệp nhiệt đới như chúng ta?", Thủ tướng hỏi.
Với những kết quả của ngành nông nghiệp, theo Thủ tướng, đó mới chỉ là bước đầu, dứt khoát không được "ngủ quên trên vòng nguyệt quế" vì còn nhiều bất cập.
Thủ tướng lưu ý tất cả các địa phương đã thành công trong nông nghiệp cũng phải tái cơ cấu thực sự lại, "còn cứ bổn cũ chép lại thì không bao giờ thành công".
Chỉ rõ các hạn chế của ngành nông nghiệp, Thủ tướng cho rằng còn tồn tại từ tái cơ cấu chưa mạnh mẽ.
"Thói quen sản xuất tiểu nông, đơn giản, nhỏ lẻ vẫn là phổ biến. Vì vậy, phải tái cơ cấu mạnh mẽ hơn" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng chỉ ra tồn tại tiếp theo, đó là vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp, nông nghiệp, thủy sản còn rất lớn.
"Tình trạng đánh bắt hải sản bất hợp pháp không được báo cáo, không được quản lý còn xảy ra khiến EU rút thẻ vàng. Thẻ vàng sẽ đi liền với thẻ đỏ, 28 tỉnh có biển đã làm một số việc nhưng nói chung chưa làm mạnh mẽ, còn tiếp tục vi phạm.
Hay tình trạng phá rừng cũng vậy, tôi đã nói rất nhiều lần, nhất là rừng tự nhiên ở một số địa phương vẫn bị phá. Một số đơn vị tiếp tục lấy rừng đặc dụng làm một số công trình mà không cần thiết phải phá rừng đến mức độ như vậy" - Thủ tướng chỉ rõ.
Thủ tướng cũng nêu nỗi lo còn tình trạng sản xuất nông nghiệp bị động, tình trạng được mua rớt giá vẫn còn.
Theo Thủ tướng, địa phương nào cũng đều có lợi thế nông nghiệp, vấn đề là lãnh đạo địa phương có tổ chức sản xuất cho người dân hay không.
Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành phải chuyển hướng lãnh đạo, tập trung thời gian, giải pháp, không chỉ chạy theo lợi nhuận, những cái trước mắt mà phải nghĩ đến đời sống người nông dân đang rất khó khăn.
Về nhiệm vụ năm 2018, Thủ tướng lưu ý ngành nông nghiệp phải giữ đà tăng trưởng, đạt chỉ tiêu tăng trưởng 3% và đạt mục tiêu xuất khẩu 40 tỉ USD chứ không phải 38 tỉ USD.
Theo Xuân Long/TTO