Phạm nhân thụ án trong trại giam chết tại nhà: Ai chịu trách nhiệm?

Google News

(Kiến Thức) - Trong trường hợp để phạm nhân thụ án trong trại giam chết tại nhà như trường hợp đang gây xôn xao dư luận tại Hải Dương thì ai là người chịu trách nhiệm?

Liên quan đến vụ việc hy hữu, phạm nhân Nguyễn Văn Định (SN 1975, trú tại phường Cẩm Thượng, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) - phạm nhân thụ án trong trại giam chết tại nhà trong trạng thái treo cổ vào ngày 14/3, Công an tỉnh Hải Dương đang xác minh làm rõ vụ việc và chưa cung cấp thông tin cụ thể liên quan đến diễn biến vụ việc. Tuy nhiên, dư luận băn khoăn, trong trường hợp để phạm nhân đang thụ án trốn trại về nhà tự tử thì Giám thị trại giam và những người canh giữ phạm nhân có phải chịu trách nhiệm?
Luật sư Phạm Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp nhìn nhận, để xác định được trách nhiệm của những cá nhân liên quan, cơ quan điều tra cần làm rõ nguyên nhân và quá trình trốn, cách trốn của phạm nhân.
Vụ này còn nhiều uẩn khúc, cơ quan điều tra công an tỉnh Hải Dương cần làm rõ những uẩn khúc đó. Xem xét trách nhiệm của các cá nhân (nếu có) và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, Luật sư Nguyễn Hồng Thái cho biết.
Pham nhan thu an trong trai giam chet tai nha: Ai chiu trach nhiem?
 Trại tạm giam Công an tỉnh Hải Dương, nơi phạm nhân Định bỏ trốn.
Theo Luật sư Hoàng Cao Sang, Trưởng văn phòng Luật sư Hoàng Việt Luật, trong Điều 301 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi, bổ sung 2009 đã quy định rõ về Tội thiếu trách nhiệm để người bị giam, giữ trốn, cụ thể:
1. Người nào trực tiếp quản lý, canh gác, dẫn giải người bị giam, giữ mà thiếu trách nhiệm để người đó trốn gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội để người bị giam, giữ về một tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng trốn hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng, thì bị phạt tù hai năm đến bảy năm.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.
Nếu phân tích trên hành vi khách quan, thiếu trách nhiệm là hành vi không làm hoặc làm không hết trách nhiệm được giao nên mới để người bị giam, giữ trốn khỏi nơi giam, giữ; nếu làm tròn trách nhiệm được giao thì người bị giam, giữ không thể trốn được.
Tuy nhiên, trong trường hợp nếu đã làm hết trách nhiệm mà người bị giam giữ vẫn trốn được thì được đánh giá là không phải thiếu trách nhiệm và không phải hành vi phạm tội trên.
Hành vi thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý trực tiếp người bị giam, giữ là hành vi người có chức vụ, quyền hạn vi phạm các quy định về chế độ liên quan đến việc giam, giữ nên để cho người bị giam, giữ trốn như thiếu kiểm tra, không phân công, giao trách nhiệm cụ thể cho người canh gác, cửa ra vào không được sửa theo đúng quy định nên để người bị giam, giữ trốn khỏi nơi giam giữ.
Trong việc canh gác, hành vi thiếu trách nhiệm để người bị giam, giữ trốn là không làm hoặc làm không hết trách nhiệm trong khi canh gác để người bị giam giữ trốn như: bỏ vị trí cánh gác, ngủ gật, không khoá cửa phòng giam...
Trong việc dẫn giải, hành vi thiếu trách nhiệm là người dẫn giải không làm hoặc làm không hết trách nhiệm trong khi dẫn giải người bị giam, giữ để người bị giam, giữ trốn.
Những hành vi thiếu trách nhiệm dẫn tới hậu quả nghiêm trọng là dấu hiệu bắt buộc của tội thiếu trách nhiệm để người bị giam, giữ trốn.
Theo Luật sư Hoàng Cao Sang đánh giá, trong trường hợp phạm nhân trốn trại về nhà tự tử thì cũng được xem là gây hậu quả nghiêm trọng.
Một khía cạnh khác cũng đang thu hút sự quan tâm của dư luận liên quan đến việc phạm nhân Nguyễn Văn Định bỏ trốn rồi về nhà treo cổ tự tử. Đó chính là thời điểm phạm nhân trốn trại. Tuy nhiên, trao đổi với PV, Đại tá Bùi Ngọc Phi cho biết, công an tỉnh Hải Dương đang xác minh làm rõ vấn đề này.
Theo khoản 1, điều 37, Luật thi hành án Hình sự, quy định về việc giải quyết trường hợp phạm nhân bỏ trốn nêu rõ:
1. Khi phạm nhân bỏ trốn, trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu phải tổ chức truy bắt ngay. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi phát hiện phạm nhân bỏ trốn mà việc truy bắt không có kết quả thì Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu phải ra quyết định truy nã và phối hợp tổ chức truy bắt.
Mọi trường hợp phạm nhân bỏ trốn đều phải được lập biên bản, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
Trước đó như Kiến Thức đã đưa tin, Nguyễn Văn Định (SN 1975, trú tại phường Cẩm Thượng, TP Hải Dương) được gia đình phát hiện chết trong trạng thái treo cổ tại nhà riêng vào ngày 14/3/2016.
Ngay khi xảy ra sự việc, lực lượng công an TP Hải Dương đã có mặt tại hiện trường để điều tra làm rõ vụ việc. Tại hiện trường, nạn nhân Nguyễn Văn Định đã treo cổ chết tại cầu thang của căn nhà. Khám nghiệm tử thi và khám nghiệm hiện trường vụ việc, bước đầu cơ quan chức năng xác định không có dấu hiệu của một vụ án mạng, thi thể nạn nhân không có vết thương va đập do ngoại lực tác động vào. Cán bộ pháp y xác định nạn nhân tử vong vào khoảng 1h30 sáng 14/3.
Điều đáng chú ý, thời điểm nạn nhân Định treo cổ tự tử cũng là thời gian nạn nhân đang thụ án trong trại tạm giam Công an tỉnh Hải Dương về tội tổ chức đánh bạc.
Theo đó, phạm nhân Nguyễn Văn Định phạm tội tổ chức đánh bạc, chịu mức án 8 tháng tù giam và bắt đầu thi hành án từ ngày 12/11/2015. Như vậy, tính đến ngày 14/3/2016, phạm nhân này mới thụ án được khoảng 4 tháng và vẫn đang trong thời gian bị giam giữ.
PV Kiến Thức tiếp tục cập nhật...
Clip xác chết treo giữa nghĩa trang (Nguồn ANTV):
Tâm Lương