Thay vì an vị 2 hũ di cốt tại Tháp tổ chùa Hoa Yên như đề xuất, 2 hũ di cốt này lại được đem đi hoàn táng tại vị trí khác nằm trong Khu di tích Quốc gia đặc biệt Yên Tử.
Chưa nghiên cứu... đã hoàn táng?
Cuối tháng 11/2021, Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Quảng Ninh nhận được thông tin phản ánh về việc phát hiện di vật tại Khu du tích lịch sử và danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh). Theo đó, trong quá trình Công ty Cổ phần Phát triển Tùng Lâm tiến hành gia cố các trụ văng cáp tời tại khu vực ga 3 cáp treo đã phát lộ một số di vật. Lúc này, Sở VHTT Quảng Ninh đã đề nghị UBND TP Uông Bí cùng các cơ quan địa phương liên quan tạm dừng thi công khu vực phát hiện di vật, có phương án khoanh vùng và phối hợp, tạo điều kiện cho đoàn công tác trong quá trình Bảo tàng Quảng Ninh tiến hành khảo sát khu vực phát hiện di vật.
Đặc biệt, Sở VHTT giao Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh thực hiện khảo sát hiện trường phát hiện di vật, xác minh thông tin về di vật, địa điểm phát hiện di vật, báo cáo và đề xuất phương án bảo vệ địa điểm.
|
2 hũ di cốt được phát lộ tại Yên Tử. |
Ngày 25/11/2021, đoàn công tác của Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh (cùng đi có các chuyên gia: GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung và PGS.TS Đặng Hồng Sơn thuộc Bộ môn Khảo cổ học, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn) đã phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Uông Bí, Ban Quản lý Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử và Công ty CPPT Tùng Lâm tiến hành khảo sát hiện trạng địa điểm phát lộ 2 hũ kim loại chứa tro cốt.
Theo báo cáo kết quả sơ bộ của Bảo tàng Quảng Ninh: “Hai hũ đồng này có thể có niên đại thời Trần, thế kỷ XIII-XIV; phần xương cốt bên trong có thể thuộc về hai cá thể có mối liên hệ gần gũi về gia đình hoặc một tông phái tu hành thời Trần tại khu vực Am Hoa trên núi Yên Tử”.
Tuy nhiên, ông Kiều Đinh Sơn, Giám đốc Bảo tàng Quảng Ninh cho biết, đoàn công tác chỉ có một buổi để khảo sát và 2 chuyên gia của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đi cùng đoàn cũng chỉ thuần Khảo cổ học chứ không phải nhân chủng học và chắc chắn không thể xác định được cốt của ai.
“Không rõ đó là cốt của nhà tu hành hay người thường nhưng vì phát hiện trong khu di tích Yên Tử nên có nhiều giả thiết đặt ra, trong đó có nhiều giả thiết nhất là các vị sư tu hành ở Yên Tử”, Giám đốc Bảo tàng Quảng Ninh nói và tỏ ra tiếc nuối vì dưới góc độ khoa học, ông muốn nghiên cứu kỹ hơn nhưng do 2 hũ cốt đã được hoàn táng “khá nhanh” nên không còn cơ hội.
“Đã hoàn táng rồi thì cơ hội tiếp tục nghiên cứu là không có. Nếu muốn nghiên cứu thì phải trước khi hoàn táng”, ông Kiều Đình Sơn nói.
Trước đó, Bảo tàng Quảng Ninh cũng đã xác định: Việc vô tình phát lộ 2 di vật hũ đồng tại địa điểm Am Hoa núi Yên Tử ẩn chứa giá trị nhiều mặt về lịch sử văn hóa, khoa học và nghiên cứu. Do đó, Bảo tàng Quảng Ninh đề xuất 3 phương án cụ thể, gồm:
Thứ nhất, tiến hành hoàn táng 2 di cốt theo phong tục truyền thống của địa phương ngay tại vị trí phát hiện. Sau đó xây tháp mộ, đặt biển để giới thiệu sơ bộ về di tích, di vật.
Thứ hai, tiến hành song song việc mời chuyên gia nhân chủng học và chuyên gia lịch sử để hỗ trợ xử lý, nghiên cứu sơ bộ di cốt...
Thứ ba, “thay áo” để hoàn táng, đề xuất giữ lại 2 hũ đồng để xử lý kỹ thuật nhằm bảo quản, phục hồi, trưng bày và phát huy giá trị góp phần nghiên cứu, bổ sung và hỗ trợ quá trình xây dựng hồ sơ Di sản Văn hóa Yên Tử trình UNESCO công nhận trong thời gian tới.
Dù vậy, phần lớn đề xuất của Bảo tàng Quảng Ninh đều không được đáp ứng, nhất là việc không được nghiên cứu kỹ và không được giữ lại 2 hũ đồng để xử lý kỹ thuật nhằm bảo quản, phục hồi, trưng bày và phát huy giá trị.
An vị không đúng vị trí?
Ngày 29/11/2021, báo cáo gửi UBND tỉnh, Sở VHTT tỉnh Quảng Ninh đã đề nghị UBND tỉnh giao Bảo tàng Quảng Ninh mời chuyên gia nhân chủng học và các đơn vị nghiên cứu chuyên ngành hỗ trợ nghiên cứu nhanh về di vật để có đánh giá, nhận định về giá trị của di vật trước khi thực hiện nghi thức an vị 2 di cốt theo phong tục truyền thống. Dù vậy, nội dung này đã không được thực hiện vì 2 di cốt đã được hoàn táng vào ngày 30/11/2021.
Điều đáng nói, ngày 27/11/2021, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh có văn bản đề xuất phương án an vị 2 hũ di cốt phát lộ tại Yên Tử. Theo đó, khẩn trương thực hiện nghi thức lễ tạ và an vị 2 hũ di cốt của người đã khuất đúng truyền thống Phật giáo (việc này thực hiện trước ngày giỗ Phật Hoàng Trần Nhân Tông ngày 4/12/2021); Các cơ quan chức năng sớm thống nhất phương án xây 2 Am – Tháp để tôn thờ, vị trí xây Tháp nên chọn địa điểm tại vườn Tháp tổ chùa Hoa Yên (vì khu vực phát lộ tại phế tích Am Dược hiện nay phía sau nhà ga cáp treo 3 không đảm bảo mỹ quan, vệ sinh môi trường và các yếu tố tâm linh).
|
2 hũ di cốt đã được an vị tại vị trí mới tại một khoảnh đất trên đường đi vào khu vực am Thiền Định, thác Vàng. |
Ngoài ra, trong báo cáo đề xuất liên quan sự việc phát lộ 2 hũ di cốt, Thành ủy Uông Bí cũng nêu rõ: “Để đảm bảo về mặt tâm linh đối với các di cốt, tiếp tục làm tốt công tác quản lý tại Khu di tích và Rừng quốc gia Yên Tử, Ban Thường vụ Thành ủy Uông Bí kính đề nghị Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh xem xét chỉ đạo Thành phố Uông Bí phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh và đơn vị liên quan sớm thực hiện nghi thức an vị di cốt trên theo phong tục truyền thống Phật giáo, thời gian thực hiện dự kiến vào ngày 30/11/2021 (ngày Nhâm Ngọ, tháng Kỷ Hợi, năm Tân Sửu 2021), địa điểm đề xuất tại vườn Tháp tổ chùa Hoa Yên...”.
Tuy nhiên, thực tế 2 di cốt trên lại được an vị ở vị trí khác phía Tây chùa Hoa Yên, tại một khoảnh đất nhỏ trên con đường lát đá dẫn vào hàng cây tùng cổ, thác Ngự Dội, am Thiền Định, thác Vàng mà không phải ở vườn Tháp tổ chùa Hoa Yên như đề xuất.
Ghi nhận của PV Báo Tri thức và Cuộc sống, 2 hũ di cốt được phát lộ đã được hoàn táng và an vị tại một khoảnh đất. Bên trên đã được lợp tạm mái tôn với 4 cột sắt đóng thẳng xuống đất. Đặt ngay trên vị trí an vị hũ di cốt là chiếc bàn với bát hương thờ cúng...
Báo Tri thức và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Hành trình đề cử di sản thế giới
Thiên Tuấn