Chồng kiện vợ... mang thai với người tình thời kỳ "chờ ly hôn"
TAND huyện Phú Hoà, tỉnh Phú Yên vừa mở phiên toà xét xử vụ ly hôn giữa bà Đ.T.T và ông L.T.P với tình tiết bi hài khiến nhiều người chú ý.
Theo đó, ông P. và bà T. kết hôn năm 1996 và nảy sinh mâu thuẫn vào năm 2015. Từ tháng 3/2016, vợ chồng bà ly thân, bà về nhà mẹ ruột ở huyện Phú Hòa sinh sống.
Sau một thời gian, bà T. đã yêu cầu ly hôn. Hai vợ chồng không có con chung và tài sản chung nên không yêu cầu toà giải quyết.
|
Ảnh minh họa. |
Điều đáng nói ở đây, ông P. đã yêu cầu toà buộc bà T. phải bồi thường cho ông 30 triệu đồng vì làm thiệt hại đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của bản thân và gia đình ông P. Lý do là vì trong thời gian "chờ ly hôn", bà T. đã có quan hệ ngoài luồng và có thai với người đàn ông khác.
Trong phiên toà, bà T. cũng thừa nhận ông P. không phải bố của cái thai 5 tháng bà đang mang trong bụng. Tuy nhiên, toà đã nhận định việc này không ảnh hưởng tới sức khoẻ và tinh thần ông P. nên bác bỏ yêu cầu đòi bồi thường.
Nhiều hệ luỵ phức tạp
Xét từ phiên toà trên, mặc dù bà T. không phải bồi thường nhưng điều đó không có nghĩa là không vi phạm pháp luật. Việc bà T. có thai với người đàn ông khác ngay trong thời điểm chưa ly hôn đã chứng minh cho việc bà T. vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
Theo Khoản 2, Điều 5, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014: “Cấm các hành vi sau đây: (…) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ”.
Như vậy, ông P. hoàn toàn có thể xét nghiệm ADN để chứng minh đứa bé không phải con của mình. Đồng thời, bà T. sẽ bị xử phạt theo quy định tại Khoản 1 Điều 48 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ ở mức 1-3 triệu đồng, mà cả bà T. cùng người đàn ông nọ còn có thể bị truy cứu hình sự nếu cơ quan chức năng phát hiện thêm những dấu hiệu vi phạm khác. Ví dụ, người đàn ông này cũng đang có gia đình và sự có mặt của bà T. khiến gia đình này tan vỡ.
Rắc rối đổ lên vai người phụ nữ
Giữ được gia đình êm ấm, hạnh phúc cả đời là một điều lý tưởng. Nhưng bát đũa còn có lúc xô, hôn nhân không níu giữ được thì đành phải kết thúc.
Giai đoạn "chờ ly hôn" vốn được coi là một khoảng thời gian nhạy cảm. Người còn tình thì quay lại với nhau, kẻ hết tình thì quay lưng nhấc gót. Thế nhưng, việc tìm bến bờ mới không phải là việc nên thực hiện trong khoảng thời gian này. Xây dựng mối quan hệ với người khác, thậm chí tạo luôn ra "tác phẩm" sẽ dẫn đến nhiều rắc rối về mặt pháp lý và tâm lý.
Trước hết, việc mang thai trong thời điểm chờ ly hôn này ẩn chứa nhiều rủi ro. Ngoài việc "vi phạm chế độ một vợ một chồng", người chồng hợp pháp còn có thể lấy đó làm lý do để yêu cầu thêm các quyền lợi khi toà xét xử ly hôn.
Tiếp đó, khi cả hai vẫn còn là vợ chồng hợp pháp, việc nảy sinh mối quan hệ mới sẽ gây ra điều tiếng và đối phương có thể lợi dụng vào đó để đe doạ tinh thần người vợ. Lúc đó, chị em phụ nữ sẽ lâm vào cảnh "dở sống dở chết", "tiến thoái lưỡng nan".
Và khi việc ly hôn đã hoàn tất, nếu người phụ nữ chưa kịp kết hôn với người đàn ông mới, đứa bé ra đời sẽ gặp một số rắc rối trong việc làm giấy khai sinh.
Theo Huệ Anh/Khỏe & Đẹp