Ông Nguyễn Văn Long, cựu Phó Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) vừa được Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc ký quyết định bố trí làm chuyên viên tại Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn của huyện này khiến dư luận quan tâm.
Ông Nguyễn Văn Long tham gia đánh bạc khi còn đương chức Phó Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc vào rạng sáng 1/6/2020. Bởi hành vi vi phạm pháp luật này, ông Long bị tòa án xử phạt hành chính và bị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa cách tất cả các chức vụ trong Đảng và bị miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc.
|
Ông Nguyễn Văn Long. |
Do đó việc ông Long được bố trí làm chuyên viên của Phòng Nông nghiệp khiến dư luận có nhiều băn khoăn bởi với những hành vi vi phạm pháp luật trước đây, liệu ông Long có còn chữ tín để đảm đương nhiệm vụ?
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, theo quy định, ông Nguyễn Văn Long được bố trí làm chuyên viên phòng nông nghiệp sau khi bị kỷ luật do đánh bạc.
“Ông Long từ Phó Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc do vi phạm pháp luật cụ thể là hành vi đánh bạc, cán bộ công chức này bị tòa án xử phạt hành chính, bị kỷ luật cách tất cả các chức vụ trong Đảng và bị miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch huyện và giờ được bố trí làm chuyên viên phòng Nông nghiệp. Đây là điều phù hợp. Bởi ông Long vẫn còn là công chức” – đại biểu Hòa nêu ý kiến.
Đại biểu đoàn Đồng Tháp cho rằng, người ta thường nói “đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại”. Nếu ông Long thực sự ăn năn, hối cải, thì việc bố trí ông Long xuống làm chuyên viên ở phòng chuyên môn là phù hợp. Bởi chỉ làm chuyên viên chứ không giữ chức vụ.
“Trong công tác cán bộ, trong con người, kỷ luật cũng phải mang tính nhân văn thì bản thân người đó mới tâm phục khẩu phục và có cơ hội sửa chữa sai lầm.
Ông Long vi phạm quá trình xử lý rất nghiêm minh, chính quyền kỷ luật mang tính kỷ cương rõ ràng khi miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch huyện. Pháp luật nghiêm minh trừng trị thích đáng hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, đối với những cán bộ sau xử lý kỷ luật đã biết ăn năn, hối cải, biết sai lầm và sửa chữa trong thời gian bị kỷ luật thì việc bố trí công việc cho họ là điều đương nhiên” – đại biểu Hòa nhận định.
Ông Hòa cũng cho rằng, việc Thanh Hóa bố trí lại chỉ cho ông Long làm chuyên viên là rất nhân văn. Nếu bố trí làm cán bộ lãnh đạo thì mới không chấp nhận được.
“Việc bố trí xuống làm chuyên viên cũng là cái giá phải trả lớn đối với ông Long. Vi phạm quy định của pháp luật bằng hành vi đánh bạc và đã dường như bị mất tất cả. Sinh mệnh, sự nghiệp chính trị xem như đã hết. Nếu không bố trí, không sử dụng ông ta là không được. Luật công chức, viên chức không buộc thôi việc, do đó vẫn là công chức.
Do đó việc bố trí ông Long xuống làm chuyên viên là phù hợp với quy định và cũng nên mở rộng tấm lòng, sự khoan dung để cho cán bộ này có cơ hội sửa chữa để trở thành người tốt. Bị kỷ luật thì phải xử lý, hết thời gian bị kỷ luật cũng cần bố trí công việc cho họ” – đại biểu Hòa cho hay.
Dù nói là như vậy, nhưng nhiều ý kiến khác cho rằng một cán bộ lãnh đạo có trình độ học thức, có địa vị trong xã hội với đủ hiểu biết về mặt pháp luật lại vi phạm pháp luật khi tham gia đánh bạc, thể hiện sự suy thoái về đạo đức, lối sống. Với việc từng có hành vi vi phạm pháp luật như vậy, dù theo quy định ông Long không bị buộc thôi việc, không bị loại ra khỏi bộ máy và vẫn được sắp xếp bố trí làm chuyên viên phòng chuyên môn và sau khi trả giá đắt đã ăn năn, hối lỗi.
Nhưng khi chữ tín của cán bộ này không còn, niềm tin của người dân đối với cán bộ này vơi bớt thì liệu có đảm đương được nhiệm vụ dù chỉ là chuyên viên một phòng chuyên môn.
Đó không chỉ là bài học đắt giá cho ông Long mà còn cho cả những cán bộ được đánh giá là có năng lực, có triển vọng không đi theo “vết xe đổ” để thực hiện các hành vi vi phạm tương tự. Cán bộ công chức phải là những tấm gương sáng không chỉ trong năng lực mà còn phẩm chất đạo đức.
>>> Mời độc giả xem thêm video Công an huyện Yên Mỹ liên tiếp bắt 4 vụ đánh bạc
Nguồn: Truyền hình Hưng Yên.
Hải Ninh