Phó Chủ tịch TP HCM: “TP không muốn giãn cách xã hội nặng nề hơn nữa”

Google News

Tại chương trình livestream “Dân hỏi – Thành phố trả lời” tối 13/9, ông Lê Hoà Bình - Phó Chủ tịch UBND TPHCM đã giải đáp trực tiếp thắc mắc về: “Kế hoạch chống dịch và phục hồi kinh tế của TPHCM sau ngày 15/9”.

Trả lời câu hỏi về việc, thành phố dự kiến 3 giai đoạn mở cửa, phục hồi kinh tế, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình cho biết, thành phố đã có dự thảo và UBND TP đã có báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy.
Shipper được chạy liên quận
“Cơ bản đến nay lộ trình đã được chốt như vậy. Chiều 14/9, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố sẽ có nghị quyết thông qua”- ông Bình nói và thông tin thêm: "Sau ngày 16/9 đến 31/10, thành phố sẽ có thêm 1 giai đoạn nữa (từ 16-30/9) là giai đoạn thử nghiệm, chuẩn bị cho các công việc mà chúng ta sẽ thí điểm đối với quận 7, huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ để chuẩn bị công đoạn đầy đủ cho các bước tiếp theo”.
Pho Chu tich TP HCM: “TP khong muon gian cach xa hoi nang ne hon nua”
Chương trình livestream “Dân hỏi – Thành phố trả lời” tối 13/9.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM, để chuẩn bị cho lộ trình trên, ngày 7/9, thành phố đã có bước chuẩn bị và có quyết định 2994, trong đó, điều chỉnh 5 nội dung, trong đó có một nội dung người dân rất quan tâm. Đó là việc di chuyển hàng hóa, đảm bảo mở lại cửa hàng bán mang về, điểm trung chuyển tại chợ đầu mối… “Lộ trình chúng ta đi là những bước chắc chắn” - ông Bình nói.
Cho biết bản thân có thói quen hay đặt hàng qua lực lượng shipper, ông Bình cho biết, TPHCM đã có kế hoạch chuẩn bị thay đổi lộ trình đối với shipper. Theo đó, từ ngày 16/9, thành phố sẽ cho phép shipper chạy liên quận với nguyên tắc đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ xét nghiệm cho shipper tới hết 30/9.
Nói về việc người dân tiêm 2 mũi vắc xin và xét nghiệm âm tính có được đi lại liên quận không? ông Bình nói rằng câu hỏi này cũng khiến lãnh đạo thành phố nhiều trăn trở.
“Đưa ra quy định gì, điều quan trọng phải tính tới là sự an toàn tính mạng của người dân phải trên hết. Do vậy, TP cũng sẽ có những phần mềm tích hợp các dữ liệu để đảm bảo an toàn, khi người dân đủ điều kiện, câu chuyện ra đường sẽ được giải quyết. Tuy nhiên, không thể vội vàng, phải tính toán chuẩn bị kỹ” - ông Bình cho biết.
Giãn cách đến bao giờ?
Trả lời câu hỏi: Sau 30/9, nếu không kiểm soát được dịch, TP có tiếp tục kéo dài giãn cách? Phó chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình cho biết, đây cũng câu hỏi đặt ra nhiều trăn trở của lãnh đạo thành phố, cũng như những nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp.
“Trong Nghị quyết 86 của Thủ tướng có yêu cầu phấn đấu đến 15/9, TPHCM phải kiểm soát được dịch bệnh. Với nỗ lực của hệ thống chính trị và sự hỗ trợ của tất cả tỉnh, thành phía Bắc, lực lượng quân sự, công an và tình nguyện hỗ trợ, TP đã đạt được một số kết quả quan trọng trong công tác kiểm soát dịch. Tuy nhiên, còn nhiều việc sau ngày 15/9, TP cần đánh giá cụ thể lại các tiêu chí về kiểm soát dịch, trong đó, có những nội dung phải xem xét và điều chỉnh” - ông Bình nói.
Theo Phó chủ tịch UBND TPHCM, TP không muốn giãn cách xã hội nặng nề hơn nữa nên từ ngày 15 đến 30/9, TP thí điểm ở 3 quận huyện để xem xét các bước đi đã đảm bảo an toàn, những điều kiện kiểm soát dịch bệnh để có những bước đi tiếp theo.
“Chúng tôi cũng là người dân TP và hiểu những mất mát, kể cả tính mạng của những người chẳng may mắc COVID-19, cho nên, với tất cả nỗ lực cùng kết quả đã đạt được, chúng tôi có một niềm tin là sẽ kiểm soát được dịch và tái thiết lại kinh tế của TP.HCM" - ông Bình nói và cho biết mọi bước đi của TP.HCM thời gian tới nhằm hướng tới mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn cho tính mạng người dân, sau đó là khôi phục và phát triển kinh tế.
Pho Chu tich TP HCM: “TP khong muon gian cach xa hoi nang ne hon nua”-Hinh-2
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình. 
Không thể thực hiện "zero COVID-19"
Trả lời câu hỏi về khái niệm sống chung với dịch, ông Lê Hòa Bình cho biết, lãnh đạo TP khi chuẩn bị kế hoạch phòng chống dịch và phục hồi kinh tế sau ngày 15/9, TP có 11 kế hoạch và chiến lược đầy đủ, trong đó đảm bảo các vấn đề liên quan phòng, chống dịch và điều trị người mắc COVID-19.
Dẫn lời các chuyên gia, Phó chủ tịch UBND TP HCM cho biết, khái niệm "zero COVID-19" không thể thực hiện được nên vẫn phải thực hiện mục tiêu kép.
“Khi chúng ta kiểm soát được dịch bệnh sau 15/9 đánh giá lại, có thể tự tin vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế cũng như văn hóa, xã hội. Vấn đề là phải đổi phương thức sinh hoạt, sản xuất. Có 4 phương án để thay đổi, đó là trực tuyến, là đảm bảo kết nối cung cầu. Điều quan trọng là trong khi xây dựng kế hoạch chống dịch là phải có 2 trụ cột quan trọng là độ phủ vắc xin và mức độ an toàn của ngành y tế.
Người dân “ở đâu nên ở yên đó”
Trả lời về việc người tiêm mũi 1 vắc xin có được đi làm? Phó chủ tịch UBND TPHCM cho biết, TP đang trình các cấp có thẩm quyền để được thông qua, và quan trọng hơn “nơi đến mà người lao động muốn đến có an toàn chưa (tức nơi làm việc)”.
Theo ông Bình, vắc xin chưa phải là điều kiện đầy đủ. Do vậy, TP đang xây dựng một ứng dụng thí điểm ở 3 quận để người dân cập nhập điểm đến, nơi đã tiêm, chứng nhận tiêm chủng... để TP thí điểm khi mở rộng giảm giãn cách ở các địa phương khác sẽ áp dụng và quản lý được, người dân không cần phải sử dụng nhiều giấy tờ, sổ sách để chứng minh “độ sạch” khi lưu thông.
Nói về việc người dân có nguyện vọng được về quê khi TP tiếp tục giãn cách sau 15/9, có giải quyết hay không? ông Bình cho biết, TP đã nỗ lực cố gắng và có nhiều chính sách hỗ trợ người dân trong thời gian qua.
“Là thành phố nghĩa tình, TP HCM không phân biệt người dân là diện thường trú hay di trú, là người làm ăn sinh sống... Chúng tôi rất trân quý. Bằng những gì tốt nhất có thể làm, thành phố sẽ nỗ lực hỗ trợ người khó khăn trong thời gian đang cách ly” - ông Bình nói và mong người dân chia sẻ khó khăn của thành phố, tuân thủ nguyên tắc chống dịch "ai ở đâu ở đó", đảm bảo dịch không lây lan, tính mạng bà con không bị đe dọa. Đồng thời o PCT TP HCM khẳng định, thành phố rất sẵn sàng hỗ trợ người dân có nhu cầu về quê. Tuy nhiên, phải giữ nguyên tắc “có người đưa đi phải có người đón về”, tức là chỉ cần địa phương của người dân xác nhận đón người hồi hương, TP sẽ hỗ trợ các vấn đề vắc xin, xét nghiệm để bà con di chuyển. Còn nếu không có người đưa đi và đón về thì người dân không được qua chốt kiểm soát. “Trong điều kiện giãn cách, bà con nên ở đâu ở đó, vấn đề khó khăn, địa phương nơi ở người dân sẽ phải chịu trách nhiệm”- ông Bình cho biết.
Nói về gói hỗ trợ thứ 3, Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, thành phố không lường trước được. Do đó, hiện thành phố phải rất thận trọng trong giai đoạn sau 16/9 tới.
“Ban đầu, TP.HCM đặt mục tiêu cố gắng chi trả hết gói thứ 2 chậm nhất đến mốc 16/9. Tuy nhiên, thành phố hiện chưa đạt mục tiêu này, và đang cố gắng hỗ trợ hết gói này sớm nhất. Việc trao gói hỗ trợ gặp khó khăn nhất tại các huyện, xã, thị trấn. Thành phố rất muốn trao nhanh nhất qua tài khoản, tuy nhiên có nơi đáp ứng có nơi không. Vừa qua, có nơi, các địa phương phải phối hợp chuyển tiền hỗ trợ theo 2 phương thức trao tận tay và cả chuyển khoản. Rút kinh nghiệm này, thành phố sẽ tính toán lại" - ông Bình nói.
Nói về gói hỗ trợ thứ 3, ông Bình cho biết nhóm đối tượng của gói này là tất cả người khó khăn, không phân biệt tạm trú hay thường trú, lao động mất việc, người phụ thuộc. Thành phố sẽ tính toán chi trả cho người dân trong thời gian sớm nhất từ tháng 9. Dự kiến, thành phố trao hỗ trợ trong 2 tháng cùng 2 triệu gói an sinh.
TP HCM đang xây dựng các tiêu chí để doanh nghiệp mở cửa
Đó là thông tin Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình đưa ra khi trả lời câu hỏi của người dân.
Theo ông Bình, TP sẽ xây dựng bộ 8 tiêu chí an toàn của 8 ngành để “mở cửa” cho doanh nghiệp hoạt động. Bộ tiêu chí này sẽ hoàn thành trước 16/9. Nếu các doanh nghiệp đảm bảo các tiêu chí đó thì sẽ được đánh giá là sản xuất an toàn. Đồng thời, doanh nghiệp phải duy trì phương thức sản xuất được TP vận hành là: 3 tại chỗ, 1 cung đường - 2 điểm đến, 4 xanh…
“Bộ tiêu chí này sẽ triển khai thí điểm đến ngày 30/9 ở địa phương đã công bố kiểm soát dịch, có thể mở rộng thêm ở khu chế xuất Tân Thuận và khu công nghệ cao. Trong thời gian thí điểm, nơi nào đảm bảo an toàn, TP không ngại để tiếp tục tạo điều kiện mở cửa”- ông Bình nói.
Đặc biệt, sau 15/9, trong khi chờ các quyết sách được Trung ương phê duyệt theo lộ trình mà Đảng bộ TP trình vào ngày mai, ông Bình cho biết, TP đã làm việc với các ngân hàng để bàn về chính sách hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp và “sẽ giảm lãi suất cho doanh nghiệp cũng như giãn các khoản nợ, khoanh nợ”. Riêng thủ tục hành chính, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cam kết TP sẽ đẩy mạnh giải quyết nhanh nhất cho DN, chẳng hạn như được vay trong vòng một tuần nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM cũng cho biết, sau ngày 30/9, người dân khi ra đường, chỉ cần khai báo vào phần mềm hiện đang được TP tích hợp xây dựng dữ liệu về các tiêu chí an toàn khi lưu thông trên đường, nếu "người dân đáp ứng đủ điều kiện như bộ tiêu chí đưa ra thì cứ đi ra đường thôi".
Đồng thời, ông mong người dân chia sẻ với lãnh đạo TP: "Buồn thì đã buồn nhiều. rơi nước mắt thì cũng đã rơi nhiều rồi. TP đã nỗ lực rất rất nhiều rồi, nên rất mong bà con chia sẻ với TP thêm một thời gian nữa để vượt qua những khó khăn vẫn đang còn ở trước mắt. TP sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp và song song đánh giá về các giải pháp thực hiện để có được hiệu quả tốt nhất cho cuộc sống của người dân trong thời gian tới, trong đó tính mạng của người dân luôn được đặt lên hàng đầu”.
3 giai đoạn dự kiến mở cửa, phục hồi kinh tế của TPHCM
Giai đoạn 1 (dự kiến từ 16/9 đến 31/10), người có "thẻ xanh COVID-19" có thể tham gia các hoạt động (trừ karaoke, vũ trường, quán bar, massage; dịch vụ ăn uống tại chỗ, hoạt động tại các khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại). Người có "thẻ vàng COVID-19" có xét nghiệm âm tính với nCoV được tham gia một số lĩnh vực.
Giai đoạn 2 (dự kiến từ 31/10 đến 15/1/2022), TP mở rộng các hoạt động được phép cho người có "thẻ xanh COVID-19" gồm: Trung tâm thương mại; trung tâm tập luyện thể dục thể thao; hoạt động vui chơi giải trí ngoài trời; dịch vụ ăn uống có quy mô nhỏ và đảm bảo giãn cách theo quy định (dưới 20 người).
Giai đoạn 3 (dự kiến sau 15/1/2022), TP lên kế hoạch mở cửa tất cả hoạt động của nền kinh tế. Đối với hoạt động karaoke, vũ trường, quán bar, massage, bắt buộc người tham gia phải có "thẻ xanh COVID-19".
>>> Mời độc giả xem thêm video Sở Y tế TP.HCM đề xuất giãn cách xã hội gắn liền “Thẻ xanh Covid-19”:

Nguồn: Truyền hình Đồng Tháp.

Hải Ninh