"Ế lắm, trước nay khách nhậu toàn đi xe máy, một số đi ôtô, nhưng từ khi nghị định mới cấm uống rượu bia khi lái xe, người ta sợ nên không dám đi nhậu nữa", ông chủ quán nhậu Phạm Bá Long (65 tuổi) rầu rĩ nói khi nhìn những dãy bàn vắng khách.
Ông Long là chủ một quán nhậu hơn 10 năm trên đường Trường Sa (quận Phú Nhuận, TP.HCM). Cứ đầu giờ chiều, ông đã phải tất bật chuẩn bị bàn ghế cùng nhân viên. Từ 19h đến 21h là lúc quán đông khách nhất, ông chẳng thể ngơi tay. Nhưng hàng quán thưa thớt dần kể từ ngày 1/1 khi Nghị định về xử phạt vi phạm nồng độ cồn chính thức có hiệu lực. CSGT thường xuyên thổi phạt ở đầu đường khiến người nhậu e dè, lượng khách của quán giảm hơn một nửa.
Tiền phạt cao, khách nhậu nước ngọt thay bia
Không riêng quán của ông Long, đây là tình trạng chung của hàng loạt quán nhậu tại TP.HCM sau những ngày đầu năm áp dụng Nghị định 100. Khác với không khí sôi động thường thấy, những con đường ăn nhậu nổi tiếng như Trường Sa - Hoàng Sa ( nối dài từ quận 1 đến quận Phú Nhuận), đại lộ Phạm Văn Đồng (quận Gò Vấp), đường Trần Não (quận 2) trở nên ảm đạm, vắng lặng hơn.
Nhiều quán nhậu đã đưa ra nhiều gói dịch vụ để giữ khách như chở người nhậu về tận nhà. Tuy nhiên, lượng khách vẫn sụt giảm theo từng ngày. Ông Nguyễn Minh Tâm (45 tuổi), chủ một quán nhậu trên đường Phạm Văn Đồng, cho biết từ khi nghị định mới áp dụng, khách đến quán cứ thưa thớt. Nhất là trong 2 ngày cuối tuần vừa qua, doanh thu giảm mạnh, chỉ bằng 1/2 so với trước.
"Hồi đó, một đêm ít nhất cũng có 300-400 khách, còn bây giờ lẻ tẻ vài bàn là may rồi. Phạt tiền cao như vậy, khách nào mà dám nhậu nữa!", ông Tâm nói.
|
Tình trạng ảm đạm chung của nhiều quán nhậu trên đường Trường Sa (quận Phú Nhuận). Ảnh: Chí Hùng. |
Thay vì hàng chục chai bia để trên bàn cùng những tiếng hô cổ vũ nhau uống, khách “nhậu” đã chọn các loại nước ngọt hoặc nước suối. Dù thừa nhận thiếu bia, rượu làm cuộc nhậu giảm nhiệt nhưng mức phạt tối đa 7,5 triệu đồng và bị tước bằng lái hai năm đối với người đi xe máy thực sự đủ làm nhiều dân nhậu dè chừng.
Là nhân viên lâu năm của một quán nhậu bình dân trên đường Phạm Văn Đồng, Anh Phan Minh Huy (ngụ quận Gò Vấp), cho biết, ngoài lượng khách giảm mạnh, bia của quán tiêu thụ cũng chậm hơn trước do nhiều người uống toàn là nước ngọt.
"Tôi nghe nhiều khách bàn tán khi ngồi nhậu ở quán, các anh em sợ bị CSGT bắt do tiền phạt giờ cao lắm, uống ít uống nhiều cũng bị phạt. Nhưng nhờ vậy cũng nhiều người uống có chừng mực hơn", anh Huy nói.
Anh Tú, một nhân viên khác trong quán, kể lại từng chứng kiến nhiều khách nhậu đi xe máy rời quán trong tình trạng say xỉn, loạng choạng. Tuy nhiên, tình trạng đó giờ gần như không còn. "Trước đây, sau 19h thì khách đã ngồi kín bàn rồi, nhưng từ tối đến giờ chỉ lác đác vài người, một số khách có uống bia, số khác chọn nước ngọt", anh Tú chia sẻ.
|
Nhiều khách đến quán nhậu uống nước ngọt thay vì bia. Ảnh: Chí Hùng. |
Nghị định mới không cấm người dân uống rượu bia
Sau 1 tuần áp dụng quy định mức xử phạt mới theo Nghị định 100, Phòng CSGT Công an TP.HCM cho biết đơn vị đã lập biên bản xử phạt hơn 2.000 trường hợp vi phạm luật giao thông. Trong số này có 200 người vi phạm nồng độ cồn, gồm 190 tài xế xe máy và 10 tài xế ôtô.
Theo thượng tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng phòng cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt (PC08) Công an TP.HCM, nghị định mới không cấm người dân uống rượu bia mà chỉ quán triệt đã dùng rượu bia thì không được lái xe. Việc làm này nhằm giảm thiểu rủi ro, tai nạn do tác hại rượu bia đem lại. Do đó, người dân có thể đến quán nhậu và ra về bằng nhiều phương tiện như taxi, xe ôm công nghệ...khi đã sử dụng thức uống có cồn.
“Mục đích chính của việc kiểm tra nồng độ cồn là giúp người dân tuân thủ pháp luật, tự bảo vệ bản thân. Mục đích CSGT kiểm tra nồng độ cồn không phải thu tiền phạt mà tuyên truyền để người dân chấp hành luật tốt hơn”, thượng tá Phong nói thêm.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia, cho biết sau khi áp dụng Nghị định 100, với chế tài xử phạt nghiêm khắc, thống kê sơ bộ cho thấy trong hai ngày đầu năm mới, số người tử vong do tai nạn giao thông là 37, trung bình mỗi ngày hơn 18 người.
Trong khi đó, con số bình quân số người tử vong do tai nạn giao thông năm 2019 là gần 21 người. Như vậy, số nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông trong 2 ngày lễ thấp hơn ngày bình thường.
Không chỉ tai nạn giao thông giảm đáng kể, các bác sĩ cho biết các trường hợp ngộ độc rượu đến sảng rượu cũng ít hơn nhiều so với giai đoạn trước. Theo BSCKII Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện quận Thủ Đức (TP.HCM), trong khoảng một tuần nay, số trường hợp ngộ độc rượu đơn vị này tiếp nhận giảm mạnh. Hiện khoa Hồi sức tích cực - Chống độc không tiếp nhận thêm trường hợp ngộ độc rượu mới.
Theo Thư Trần - Chí Hùng/Zing