Phó Thủ tướng: Xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực

Google News

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường kiểm tra, thanh tra nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong thi hành pháp luật…

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh trong phát biểu tại Hội nghị toàn quốc lần thứ 2 triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, sáng 7/3.
Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực
Pho Thu tuong: Xu ly nghiem cac hanh vi tham nhung, tieu cuc
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang báo cáo việc tổ chức triển khai thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5 
Báo cáo việc tổ chức triển khai thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, sau khi kết thúc các kỳ họp của Quốc hội, các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo các luật, nghị quyết đã tham mưu trình Thủ tướng ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các Kế hoạch để triển khai thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua.
Một số địa phương cũng đã và đang nghiên cứu để ban hành văn bản riêng chỉ đạo, hướng dẫn, xây dựng Kế hoạch triển khai các luật, nghị quyết, trong đó dự kiến phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở, ban, ngành hữu quan để triển khai thực hiện sâu rộng đến Nhân dân tại cơ sở.
Về việc ban hành văn bản quy định chi tiết, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thông tin, trên cơ sở kết quả các Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quốc hội, Thủ tướng đã ban hành quyết định phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết, trong đó xác định rõ tên văn bản, nội dung giao quy định chi tiết, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan phối hợp và thời hạn trình, ban hành văn bản.
Để quy định chi tiết các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Chính phủ, Thủ tướng, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có nhiệm vụ ban hành 56 văn bản (29 nghị định, 5 quyết định, 22 thông tư) để quy định chi tiết 10 luật, nghị quyết.
Hiện nay, các bộ được giao chủ trì soạn thảo đang tiến hành triển khai thực hiện theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, với quyết tâm cao nhằm bảo đảm về tiến độ và chất lượng của văn bản.
Nêu một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thi hành luật, nghị quyết, Phó Thủ tướng cho hay, nội dung giao quy định chi tiết là khá lớn, thời gian ban hành gấp dẫn đến khó khăn trong việc bảo đảm có hiệu lực đồng thời của văn bản quy định chi tiết với luật, nghị quyết được Quốc hội ban hành. Nhiều vấn đề khó, phức tạp không thể quy định trong luật, giao xuống Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để quy định chi tiết dẫn đến khó khăn trong việc tổ chức soạn thảo, ban hành. Bên cạnh đó, hoạt động phổ biến các luật, pháp lệnh, nghị quyết mới tại một số bộ, ngành, địa phương còn triển khai chưa kịp thời...
Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác triển khai thi hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng sẽ tập trung ban hành theo thẩm quyền kế hoạch triển khai thi hành các luật, nghị quyết, tăng cường quán triệt văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành; đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể.
Tổ chức soạn thảo ban hành 56 văn bản quy định chi tiết đúng tiến độ, chất lượng, bảo đảm văn bản quy định chi tiết có cùng hiệu lực với văn bản được quy định chi tiết nhằm sớm đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành luật, nghị quyết; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường kiểm tra, thanh tra nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong thi hành pháp luật…
Sớm trình đề án thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại qua thỏa thuận với đất khác
Tham luận tại phiên họp, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, trọng tâm là các luật, nghị quyết mới được Quốc hội thông qua thuộc lĩnh vực Ủy ban Pháp luật phụ trách, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, phổ biến về Luật Nhà ở (sửa đổi) và các luật có liên quan mới được thông qua; sớm ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật; kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo xử lý, giải quyết các vấn đề vướng mắc, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đồng thời, khẩn trương nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định Đề án thí điểm cho phép thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất khác; tích cực đẩy mạnh triển khai các chính sách, quy định mới về nhà ở xã hội, góp phần hoàn thành mục tiêu của Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030”.
Pho Thu tuong: Xu ly nghiem cac hanh vi tham nhung, tieu cuc-Hinh-2
Toàn cảnh hội nghị 
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), trong đó có quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản Dự án đầu tư nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng thụ hướng chính sách nhà ở xã hội thuê tại khoản 4 Điều 80.
Đây là quy định mới liên quan đến việc bảo đảm quyền lợi người lao động và trách nhiệm, vai trò tổ chức công đoàn, góp phần giải quyết các khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách trong xây dựng các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiêp…
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Công đoàn Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong bối cảnh mới.
Ngay sau khi Luật được thông qua, Tổng Liên đoàn Lao động đã triển khai nhiều hoạt động, nhất là tuyên truyền, phổ biến các nội dung quy định của luật đến các cán bộ công đoàn chủ chốt, người lao động nhằm nâng cao nhận thức và thống nhất hành động trong hoạt động công đoàn cho vấn đề nhà ở của công nhân.
Đồng thời đã chỉ đạo xây dựng quy trình đầu tư xây dựng nhà theo quy định của pháp luật xây dựng và pháp luật đầu tư, trong đó bám sát các nội dung mới của luật và dự thảo Nghị định của Bộ Xây dựng đang trình Chính phủ. Chỉ đạo rà soát các địa phương giới thiệu địa điểm đất cho Tổng Liên đoàn để tiến hành khảo sát nhu cầu thuê nhà của công nhân.
Từ khi Luật thông qua, đã triển khai ở 4 tỉnh như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Tiền Giang, dự kiến quý II sẽ khảo sát tiếp ở 6 tỉnh. Sau khảo sát, sẽ triển khai công tác lập kế hoạch chi tiết và thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, công tác đầu tư.
Theo Minh Duyên/dangcongsan.vn