Bức phù điêu có hình Hiệu trưởng đương nhiệm trường Đại học Mỹ Thuật Việt Nam Lê Văn Sửu được đặt ở ngay lối vào trường này đã được gỡ xuống nhưng những phản ứng của dư luận vẫn chưa dừng lại. Nhiều ý kiến cho rằng, việc đặt bức phù điêu tạc hình hiệu trưởng ở lối vào ngôi trường này là một trò lố và đặt câu hỏi, việc đồng ý đặt bức phù điêu này, hiệu trưởng nhà trường đang tự quá đề cao bản thân mình.
Thực tế, bức phù điêu là bài tốt nghiệp của học viên cao học khoa Điêu khắc Nguyễn Xuân Vinh trong đó mô tả không gian lớp học, nhân vật trung tâm là hình ảnh rất giống với thầy Hiệu trưởng đương nhiệm Lê Văn Sửu này không có gì đáng phải ồn ào nếu nó không được tạc lên bức tường ngay lối vào của nhà trường.
Như giải thích của Phó Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam Ngô Tuấn Phong, tác phẩm này không có vấn đề gì và không vi phạm quy định của nhà nước.
|
Bức phù điêu có hình hiệu trưởng Đại học Mỹ thuật Việt Nam hiện đã được gỡ bỏ. |
Tuy nhiên, thực tế, bức phù điêu có hình ảnh Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật này được đánh giá không có gì nổi bật về mặt nghệ thuật như lời họa sĩ Họa sĩ Lê Huy Tiếp đánh giá: “Bất cứ họa sĩ nào có chuyên môn về điêu khắc đều không thể thừa nhận điều gì từ bức phù điêu này. Tự đưa mình vào phù điêu, lại chọn vị trí treo ngay cổng trường đi vào như thế, thật ngớ ngẩn”.
Thậm chí theo đánh giá của họa sĩ Lê Thiết Cương, nội dung bức phù điêu có thầy và trò của một lớp học, hoàn toàn không có giá trị gì, không cũ, không mới, không sai, không đúng nhưng nếu nói tác phẩm này “sáng tạo nội dung” thì thật phi lý.
Thế nhưng Hội đồng, trong đó có thầy Hiệu trưởng Lê Văn Sửu và Hiệu phó Ngô Tuấn Phong đồng thuận chấm tác phẩm 9,5 điểm vì cho rằng, đây là tác phẩm “Sáng tạo nội dung và hình thức nghệ thuật”. Sau đó, bức phù điêu được treo lên.
Tuy nhiên, khoan bàn đến bức phù điêu trên có sáng tạo nội dung và hình thức nghệ thuật hay không nhưng việc thầy hiệu trưởng lại nhân vật trung tâm khiến dư luận phản ứng. Bởi phù điêu, tạc tượng thường để tôn vinh các cá nhân như các danh nhân văn hóa, các anh hùng dân tộc hoặc những người có đóng góp cũng như ảnh hưởng quan trọng.
Trong khi đó, với hơn 100 năm hình thành và phát triển, trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cũng chưa từng có tiền lệ tạc tượng hay gắn phù điêu có hình ảnh các vị Hiệu trưởng có nhiều cống hiến, đóng góp cho Mỹ thuật Việt Nam như Hiệu trưởng Tô Ngọc Vân, Hiệu trưởng Trần Đình Thọ, Trần Văn Cẩn.
Cứ cho rằng, nhân vật trung tâm trong bức phù điêu không phải hình tượng cá nhân thầy hiệu trưởng Lê Văn Sửu mà là đại diện cho các giảng viên, là một hiệu trưởng thấy Sửu cần phải tế nhị để chọn địa điểm đặt bức phù điêu, bởi tác phẩm được trưng bày ở vị trí trang trọng, lưu giữ cho đời sau thì cần phải cân nhắc. Việc dựng tượng, làm phù điêu không phải vấn đề đơn giản thích treo thì treo, tác phẩm cần phải đạt về nghệ thuật và nhân vật phải xứng đáng được đặt lên đó, đồng nghĩa phải là người đóng góp lớn hoặc ảnh hưởng tới lịch sử, văn hóa...
Phải chăng thầy hiệu trưởng tự nhận thấy mình là người có công lao, xứng đáng được tôn vinh được tạc tượng và làm phù điêu. Tuy nhiên nếu những giảng viên, sinh viên và dư luận không đánh giá công lao ấy xứng đáng được làm phù điêu thì việc đặt bức phù điêu trở thành một trò lố, thậm chí ý kiến cho rằng, thầy hiệu trưởng quá đề cao bản thân cũng là điều dễ hiểu.
Bởi ngay khi bức phù điêu được tạc đặt ở vị trí đó, nhiều giảng viên trong nhà trường đã phản ứng nhưng bức phù điêu vẫn ở đó như một niềm vinh dự, tự hào của ngôi trường có bề dày lịch sử này, chỉ khi dư luận phản ứng mạnh mẽ bức phù điêu mới được gỡ bỏ theo một sự miễn cưỡng và để lại cho dư luận những suy nghĩ không tích cực về hình ảnh của một hiệu trưởng trường Đại học mỹ thuật Việt Nam đương nhiệm.
Như chính hiệu trưởng đã nói: "Hình ảnh xuất hiện trong tác phẩm này là tai họa với tôi. Tôi nói với thầy hướng dẫn, học viên làm vậy là hại tôi” nhưng thực tế học viên cao học tạc bức phù điêu không có lỗi và không có ý hại hiệu trường chẳng qua chính thầy hiệu trưởng tự gây họa với mình khi chấp nhận đặt bức phù điêu tại trường khi bản thân ông được những người xung quanh đánh giá chưa xứng đáng. Bức phù điêu đẹp mà chưa đẹp” đã được gỡ xuống nhưng có lẽ đây là bài học sâu sắc cho hiệu trưởng đương nhiệm trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.
Tâm Đức