Tuyến đường giao thông nông thôn liên xã Ngô Xá đi Phượng Vỹ có tổng chiều dài 2,3km được trải nhựa từ năm 2009 nhưng đã bị xuống cấp nghiêm trọng, nền mặt đường bị sạt lở, tạo thành những ổ trâu, ổ voi, ổ gà, cứ trời mưa xuống thì rất lầy lội, việc đi lại, giao thương hàng hóa của người dân gặp nhiều khó khăn.
|
Bà con giáo xứ xã Ngô Xá chung tay xây dựng Nông thôn mới. (Ảnh: Xuân Hiền)
|
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), UBND xã Ngô Xá đã trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư cải tạo nâng cấp tuyến đường với tổng mức đầu tư trên 10 tỷ đồng.
Trong quá trình xây dựng NTM, mặc dù không được bồi thường bà con giáo dân cũng rất hồ hởi, hưởng ứng, nhiều hộ gia đình đã tự nguyện tháo dỡ hàng trăm mét tường rào, vật kiến trúc để cùng chung tay với địa phương xây dựng giao thông nông thôn.
Tiêu biểu là hộ gia đình ông Phạm Văn Hậu, anh Nguyễn Văn Thực, anh Nguyễn Văn Tài, anh Nguyễn Văn Hồng, Nguyễn Văn Hiện ở khu xóm Giữa, xã Ngô Xá, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) đã đi đầu trong phong trào
hiến đất làm đường.
|
Gia đình anh Nguyễn Văn Hồng – khu xóm Giữa, xã Ngô Xá đang tháo dỡ mái tôn và tường rào để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. (Ảnh: Xuân Hiền)
|
Ông Phạm Văn Hậu ở khu xóm Giữa, xã Ngô Xá niềm nở cho biết: ''Bao năm qua, việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn, trời nắng thì bụi bẩn, mưa thì lầy lội, ngập úng, đường thì nhỏ hẹp 2 ô tô không tránh nhau được. Khi có chủ trương hiến đất làm đường giao thông nông thôn, gia đình tôi đã đồng tình ủng hộ, sẵn sàng góp công sức cùng địa phương''.
''Vẫn biết tấc đất là tấc vàng, giá trị của đất mỗi ngày một tăng, nhưng để quê mình phát triển mình cũng phải đóng góp để xây dựng quê hương, gia đình tôi luôn nghĩ rằng mỗi người nên có ý thức trong việc tham gia cùng chính quyền địa phương xây dựng NTM'' - ông Hậu chia sẻ
Ông Nguyễn Văn Ngọ ở khu 9, xã Ngô Xá tâm sự: ''Tôi thấy mục đích cuối cùng của xã cũng chỉ là phục vụ cho nhân dân thuận tiện hơn, đời sống của cư dân nông thôn ngày càng đi lên, thấy quê hương mình có nhiều đổi mới, tôi và bà con nhân dân rất vui mừng, khấn khởi''.
Việc làm ý nghĩa của hàng trăm bà con giáo dân ở giáo xứ Ngô Xá đã tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, từ đó các hộ gia đình trong xã cũng hiểu được lợi ích thiết thực, lâu dài của việc làm đường giao thông nông thôn nên đều tự nguyện góp công sức, hiến một phần đất mà không hề tính toán thiệt hơn.
|
Các hộ dân có tuyến đường đi qua đang khẩn trương tháo dỡ tường rào. (Ảnh: Xuân Hiền)
|
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, đến thời điểm hiện tại các hộ dân có tuyến đường đi qua trên địa bàn xã đều đồng thuận hiến đất để giải phóng mặt bằng và bàn giao cho đơn vị thi công.
Được biết, xã Ngô Xá có 98,2% dân số theo đạo công giáo, đời sống nhân dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Thực hiện phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn, các gia đình giáo dân đã gương mẫu nhiệt tình hiến đất.
Cụ thể như: Gia đình anh Thực phá dỡ tường rào, vật kiến trúc chiều dài 13m, rộng 1m; gia đình anh Hậu hiến đất dài 10m, rộng 0,5m; gia đình ông Hiện là 13m, rộng 0,6m; ông Hành tháo dỡ công trình tường rào, cổng có chiều dài 15m, rộng 1m; ông Tài hiến 12m, rộng 06m, ông Ngọ 12m rộng 05m.... Bên cạnh đó, còn hàng trăm hộ dân phá dỡ tường rào, chặt cây xanh, tháo dỡ vật kiến trúc khác.
Ông Nguyễn Hữu Mừng – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ngô Xá cho biết: ''Bà con Ngô Xá khao khát tuyến đường này từ rất lâu, ngay sau khi có chủ trương của huyện về xây dựng đường giao thông nông thôn, Đảng ủy, UBND xã xã đã họp và phân công các tổ công tác cùng Ban giải phóng mặt bằng đến từng hộ tuyên truyền, vận động, phân tích để người dân hiểu rõ hơn lợi ích của việc làm đường giao thông''.
Ông Mừng cho biết thêm: ''Điều đáng mừng là hàng trăm hộ dân sống hai bên đường chạy qua 4 khu hành chính đều đồng thuận hiến đất, đến nay công tác giải phóng mặt bằng của dự án đã triển khai được hơn 85%''.
Trong quá trình triển khai thực hiện dự án cũng gặp một số vướng mắc, có một số hộ gia đình luôn đặt ra câu hỏi các dự án khác đều được bồi thường, vì sao dự này lại không được bồi thường.
Để giúp người hiểu rõ, đồng thuận trong việc giải phóng mặt bằng, lãnh đạo địa phương thường xuyên làm công tác tuyên truyền, vận động nên họ cũng hiểu và sẵn sàng tháo dỡ công trình kiến trúc của gia đình bàn giao cho đơn vị thi công, dự kiến công trình hoàn thành và đưa vào sự dụng vào cuối năm 2021.
>>>>> Xem thêm Video: Khi người dân đồng lòng hiến đất mở đường xây dựng nông thôn mới
Nguồn: Đài Phát thanh & Truyền hình Hà Nội