Liên quan vụ việc nhóm “quái xế” điều khiển xe mô tô lạng lách, đánh võng, tông chết cô gái ở Hà Nội, ngày 7/11, Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã có ý kiến chỉ đạo Công an thành phố Hà Nội tăng cường tuần tra kiểm soát xử lý dứt điểm tình trạng thanh thiếu niên tụ tập đua xe, lạng lách gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Theo đó, Bộ trưởng Lương Tam Quang yêu cầu Công an thành phố Hà Nội tập trung lực lượng, biện pháp điều tra, xác minh, khẩn trương xử lý nghiêm minh vụ việc nêu trên bảo đảm đúng người, đúng tội (kể cả đối với hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông) theo đúng quy định của pháp luật, răn đe, phòng ngừa chung; phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cùng cấp sớm đưa ra xét xử vụ việc.
|
Các đối tượng liên quan vụ việc. |
Đồng thời, Công an thành phố Hà Nội chủ trì phối hợp Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động tăng cường lực lượng phối hợp tuần tra kiểm soát xử lý dứt điểm tình trạng thanh thiếu niên tụ tập đua xe, lạng lách gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông; nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, điều tra, xử lý nghiêm mọi hành vi tụ tập, gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép tại Hà Nội.
Trước đó, khoảng 0h15 ngày 3/11/2024, chị N.N.Q (sinh năm 1997, hộ khẩu thường trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) điều khiển xe nhãn hiệu Honda Vision đang đỗ, dừng chờ đèn tín hiệu giao thông tại khu vực ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu.
Lúc này một nhóm thanh thiếu niên điều khiển khoảng 30 xe mô tô đi theo chiều ngược lại trên phố Trần Hưng Đạo về ga Hà Nội với tốc độ cao, lạng lách đánh võng. Trong số đó có xe mô tô do Nguyễn Hồng Nhung (sinh năm 2005, trú tại phường Xuân La, quận Tây Hồ) điều khiển, chở theo Nguyễn Phương Anh (sinh năm 2005, trú tại phường Lương Văn Can, quận Hoàn Kiếm) đã đâm vào xe chị Q làm chị Q ngã ra đường.
Cùng lúc đó, xe mô tô do Nguyễn Tá Minh Khang (sinh năm 2008, trú tại xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì) điều khiển đã chèn qua người chị Q. Hậu quả chị Q tử vong tại chỗ. Sau khi gây tai nạn, các đối tượng bỏ chạy khỏi hiện trường.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Công an thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ nhanh chóng vào cuộc điều tra, xác minh làm rõ những người có liên quan và nguyên nhân vụ việc. Căn cứ vào tài liệu thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hoàn Kiếm đã triệu tập 10 đối tượng liên quan để xác minh, làm rõ sự việc.
Bên hành lang Quốc hội ngày 6/11, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ bức xúc, lên án việc quản lý, giáo dục con em của gia đình các đối tượng, kiến nghị xử lý thật nghiêm để ngăn chặn tình trạng tương tự xảy ra.
Đại biểu Tạ Văn Hạ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, qua vụ việc này, có thể thấy trách nhiệm của bố mẹ trong việc giáo dục con em thực hiện pháp luật là chưa nghiêm túc. Đại biểu Hạ đề nghị phải xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật; thậm chí, cần phải nâng cao hình phạt để tăng tính răn đe. Đại biểu cũng lưu ý đến việc quy định trách nhiệm của những người giao xe. Cùng với đó, cần tăng cường nhận thức trong nhà trường, nâng cao hơn nữa công tác giáo dục, phổ biến chính sách pháp luật trật tự an toàn giao thông cho học sinh.
“Trẻ vị thành niên là đối tượng chưa trưởng thành, tâm sinh lý chưa hoàn thiện và tuổi này cũng rất hiếu động, dễ nổi loạn, nên cần phải có sự quan tâm, ứng xử đặc biệt. Vì vậy, phải có các giải pháp phòng từ xa, để các cháu không vi phạm pháp luật, bằng cách tăng cường giám sát, giám hộ, tăng cường giáo dục của nhà trường”, ông Hạ nói.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng ngoài ý thức của một bộ phận thanh niên, khi xảy ra sự việc, nhiều bậc phụ huynh cũng "kiếm cớ" đổ tại con tự ý lấy xe đi ra đường.
“Nếu không có sự dung túng của người lớn thì con, em làm sao có phương tiện đi được? Nhiều vụ việc muốn chế tài cha, mẹ cũng gặp khó khăn. Do vậy, chỉ có cách là tịch thu xe, phạt thật nặng", đại biểu Hòa nêu ý kiến và cho rằng dù thanh thiếu niên là người cần bảo vệ để bảo đảm tính nhân văn, nhưng những đối tượng manh động, phóng nhanh, vượt ẩu thì "không nằm trong diện cần nhân văn".
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng hoạt động đua xe trái phép rất đáng lo ngại. Dù cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp xử lý nhưng kết quả mang lại chưa được như mong muốn.
Theo đại biểu Nga, quy định pháp luật đã khá chặt chẽ, chế tài xử phạt cũng nghiêm minh, nhưng quan trọng là yếu tố phòng ngừa, giáo dục trong gia đình và toàn xã hội. Bởi, nếu đua xe đã xảy ra thì việc ngăn chặn khó khăn, thậm chí còn có hậu quả thiệt hại đáng tiếc về người và tài sản. Đặc biệt, thực tế cho thấy, vấn nạn đua xe chủ yếu diễn ra trong giới trẻ, vì vậy, trách nhiệm đầu tiên thuộc về gia đình.
"Nếu bậc làm cha, làm mẹ, người giám hộ nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong quản lý, giáo dục chặt chẽ, bài bản sẽ hạn chế tình trạng trên. Thực tế, hầu hết các cuộc đua xe diễn ra vào đêm muộn, đường phố vắng người, né tránh lực lượng chức năng. Quản lý con em ra sao khi đến đêm thuộc trách nhiệm của gia đình. Bố mẹ không thể vô can trong việc này, đặc biệt với con em vị thành niên, thậm chí nhiều bậc phụ huynh "dẫu biết quy định pháp luật, nhưng lại cố tình vi phạm, vẫn giao xe cho con khi chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện”, đại biểu Nga nêu ý kiến.
>>> Mời độc giả xem thêm video Đua xe, hai thanh niên lao vào nhau tử vong
Hải Ninh