Sáng nào chủ tịch và các phó chủ tịch cũng đến đây trực tiếp nghe và giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp.
Quán cà phê chủ tịch này ra đời từ ý tưởng của ông Nguyễn Văn Dương (chủ tịch UBND tỉnh), nên các doanh nghiệp gọi vui đây là quán cà phê chủ tịch. Đã có rất nhiều khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đã được tháo gỡ ngay tại quán này.
Nhiều chính sách không phù hợp được sửa đổi, bổ sung từ góp ý của doanh nghiệp. Hồi cuối tháng 4 và giữa tháng 6-2016 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hai lần nhắc và đề nghị các tỉnh học tập lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp dành thời gian gặp gỡ uống cà phê, trực tiếp giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp.
|
Chủ tịch và Bí thư Đồng Tháp tiếp Doanh nghiệp lúc 6g45 tại quán cà phê chủ tịch - Ảnh: VÂN TRƯỜNG |
Chờ doanh nghiệp đến… tố khổ
6g30 sáng, trời xám xịt, có vẻ sắp mưa. Ông Dương đi bộ từ nhà tập thể của Văn phòng UBND ra quán cà phê. Ít phút sau các chuyên viên văn phòng UBND tỉnh cũng có mặt.
Ông Dương liếc nhìn đồng hồ: “Trời sắp mưa rồi, có lẽ hôm nay không ai tới”. Ông vẫn kiên nhẫn ngồi chờ, mở máy tính bảng xem lại lịch làm việc, tranh thủ đọc các văn bản vừa được văn phòng chuyển.
Một lúc sau, chiếc ô tô màu đen xuất hiện. Bà Tạ Thu Thủy - giám đốc Công ty Phương Thanh ở huyện Châu Thành - bước vào quán cà phê, bắt tay chào hỏi mọi người. Bác sĩ Lương Ngọc Ẩn, giám đốc Bệnh viện Thái Hòa ở TP Cao Lãnh, cũng đi xe máy tới.
“Nghe anh em báo lại là chị có chuyện gì bức xúc muốn nói với tôi phải không?”- ông Dương mở lời. Bà Thủy ngập ngừng : “Dạ, công ty tui vừa nhận được công văn của Cục Thuế thông báo phạt hơn 200 triệu đồng do chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Nhờ mấy anh cứu xét chứ lúc này xuất khẩu gạo khó khăn mà bị phạt nữa chắc chết quá!”.
Ông Dương hỏi tiếp: “Tôi nhớ là doanh nghiệp đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư. Công ty của chị có được hưởng ưu đãi gì chưa?”.
Bà Thủy đáp: “Dạ chưa”. Ông Dương quay sang trao đổi với lãnh đạo Cục Thuế một lúc rồi nói: “Anh em kiểm tra lại và thấy trong việc này chị không có lỗi nên tỉnh thống nhất không phạt. Ngay hôm nay Cục Thuế sẽ cử cán bộ trực tiếp đến chỗ chị hướng dẫn làm thủ tục đề nghị UBND tỉnh cho hưởng ưu đãi đầu tư”.
Mấy ngày sau bà Thủy nhận được quyết định của UBND tỉnh phê duyệt cho Công ty Phương Thanh hưởng ưu đãi đầu tư tới hết năm 2019. Như vậy bà Thủy vừa không bị phạt 200 triệu đồng mà còn hưởng ưu đãi khoảng hơn 1 tỉ đồng nữa.
Bà Thủy tiết lộ: “Hôm uống cà phê với chủ tịch Dương, tui có kể chuyện bị trễ phà suýt chút nữa là không được gặp lãnh đạo tỉnh. Ba ngày sau có người đến tận công ty gửi cho tui thẻ ưu tiên qua phà. Rất hiếm thấy lãnh đạo nào quan tâm từng việc nhỏ cho doanh nghiệp như vậy”.
Bệnh viện Thái Hòa của bác sĩ Ẩn cũng nhận tin vui UBND tỉnh đồng ý hỗ trợ hơn 30 tỉ đồng để thực hiện chính sách an sinh xã hội cho bệnh nhân.
Ông Võ Văn Hạnh - giám đốc Công ty TNHH Thuận Thành Tháp Mười - kể ông thuê 2ha đất ở huyện Tháp Mười xây dựng nhà xưởng. Hồ sơ nộp bảy tháng trời vẫn chưa được giải quyết nên ông tìm đến quán cà phê chủ tịch gặp ông Dương tố khổ. Vướng mắc của ông là để được cấp giấy đỏ xin phép xây dựng thì phải đóng tiền thuê đất.
Lĩnh vực đầu tư của ông lại được ưu đãi, miễn giảm thuế nên cơ quan thuế yêu cầu ông phải nộp đầy đủ hồ sơ hoàn công, tức phải xây dựng xong thì mới xét miễn giảm thuế.
Sở Xây dựng nói chỉ cấp phép xây dựng khi ông đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và được cấp sổ đỏ. Thủ tục hành chính kiểu “con gà hay quả trứng có trước” khiến ông bơ phờ mà dự án vẫn… nằm trên giấy.
Sau đó ông Dương chỉ đạo gỡ nút thắt tại Cục Thuế, giải quyết cho ông Hạnh nợ thủ tục liên quan đến lĩnh vực xây dựng. Khi nào xong công trình thì bổ sung sau.
Công ty Thái Bình Đồng Tháp khi đầu tư xây dựng chợ Phú Hiệp cũng gặp khó khăn tương tự và cũng được ông Dương giải quyết y như vậy. Hiện hai doanh nghiệp này đang tiến hành xây dựng công trình.
Xóa vấn nạn “xin-cho”
Ông Nguyễn Văn Dương cho biết trước đây tỉnh cũng thực hiện giải quyết thủ tục hành chính hay các kiến nghị của doanh nghiệp theo quy trình. Doanh nghiệp gửi văn bản tới UBND tỉnh, sau đó lãnh đạo xem xét vấn đề đó thuộc trách nhiệm của sở, ngành, cơ quan nào thì ký chuyển cho họ tham mưu.
“Có khi phải mất hơn ba tháng sau UBND tỉnh ban hành công văn trả lời kiến nghị của doanh nghiệp. Trong thời gian chờ UBND tỉnh giải quyết thì doanh nghiệp đã bị mất cơ hội làm ăn hoặc lún sâu vào khó khăn. Nhiều người nói thẳng là mất niềm tin vào chính quyền. Tất cả những chuyện đó tôi thấy mình đều có lỗi” - ông Dương nói.
Đầu năm 2016 ông Dương chỉ đạo kê mấy cái bàn đá, đặt mấy chậu kiểng, treo thêm chục giò phong lan cạnh nhà ăn Văn phòng UBND tỉnh để sáng sớm ông tranh thủ tiếp doanh nghiệp trước khi họp hoặc đi công tác.
Ông thành lập bộ phận chuyên trách giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp và giao Phòng đối ngoại Văn phòng UBND tỉnh thông báo, tiếp nhận đăng ký gặp lãnh đạo tỉnh từ 6g30 hàng ngày tại quán cà phê chủ tịch qua số điện thoại “nóng” 0919.022299 (email: doingoai.vpubdt@gmail.com).
Những doanh nghiệp đăng ký và gửi nội dung trước sẽ được các ngành nghiên cứu, tham mưu cho ông nắm để trả lời ngay trong lúc uống cà phê sáng. Những vấn đề cần kiểm tra hồ sơ thì ông chỉ đạo bộ phận chuyên trách rà soát để trả lời nhanh nhất.
“Đồng Tháp còn nghèo, rất cần sự chung tay góp sức của các doanh nghiệp. Tỉnh Đồng Tháp mời gọi doanh nghiệp đến đầu tư, phải làm sao người trẻ coi đất sen hồng này là xứ khởi nghiệp. Đường đến đây đã quá xa xôi cách trở rồi, mình lại ngồi bàn giấy bắt doanh nghiệp tuân theo quy trình, quy định giống như nơi khác thì ai thèm tới.
Người dân Miền Tây mình vốn hiếu khách, hễ mời khách tới thì phải tiếp đón, chiêu đãi cho đàng hoàng. Tôi và anh em lãnh đạo tỉnh nghĩ như vậy nên bày ra cái quán cà phê này, sáng đi làm sớm một tiếng gặp doanh nghiệp. Bỏ được cái chuyện xin-cho, doanh nghiệp như trút gánh nặng ngàn cân mà mình cũng thấy thoải mái nữa” - ông Dương chia sẻ.
Sáu tháng qua đã có hàng chục doanh nghiệp đến đây chủ tịch để gặp ông Dương để tố khổ, thậm chí là góp ý, hiến kế giúp địa phương phát triển. Nhiều vụ việc mà doanh nghiệp nêu đã được ông Dương giải quyết trong “một nốt nhạc”, trong khi các cơ quan chức năng hẹn tới hẹn lui hàng tháng trời.
Chẳng hạn ngày 15-6, Chi nhánh Công ty Mai Linh tại Đồng Tháp “tố” gặp khó trong việc xin cấp lại phù hiệu để đầu tư phương tiện mới khiến không đủ xe phục vụ hành khách và ảnh hưởng đến đời sống của anh em lái xe taxi. Nghe xong, ông Dương chỉ đạo cấp ngay phù hiệu cho công ty này vì người dân được đi bằng xe mới, an toàn hơn, giải quyết công ăn việc làm cho lái xe. Còn khi kiểm tra, thanh tra nếu công ty này có sai sót gì thì xử lý, khắc phục sau.
Hay Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt chi nhánh Đồng Tháp xin hủy quyết định phạt 4,2 triệu đồng của Cục Thuế tỉnh do chậm nộp thuế GTGT hơn 65.00 đồng; thuế TNDN hơn 244.000 đồng. Dù tiền phạt không nhiều nhưng sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín của ngân hàng. Khi biết nguyên nhân việc nộp thuế chậm là do sử dụng không đúng biểu mẫu, UBND tỉnh yêu cầu hủy quyết định xử phạt này.
Cũng có một số doanh nghiệp như Công ty Mỹ Phú Hưng ở TP Cao Lãnh tìm đến quán cà phê chỉ để góp ý, hiến kế. Công ty này cho rằng quyết định về lệ phí trước bạ đối với ô tô, mô tô của UBND tỉnh Đồng Tháp đang áp dụng là không phù hợp, thường cao hơn các tỉnh lân cận. Điều này khiến người dân bất bình và một số người nhờ người quen mua xe và đăng ký ở tỉnh bạn sau đó đem về Đồng Tháp sử dụng gây thất thoát nguồn thu.
Nghe vừa xong, ông Dương chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp với Cục Thuế tỉnh rà soát, điều chỉnh, bổ sung ngay quy định này cho phù hợp với thực tế. “Cái gì có lợi cho dân, cho doanh nghiệp mà đúng quy định của pháp luật thì phải làm ngay.
Tôi vừa chỉ đạo các sở, ngành có liên quan phải rút ngắn tối đa thời gian giải quyết thủ tục hành chính ở cơ quan này để doanh nghiệp được nhận giấy phép đầu tư nhanh nhất chứ không phải đúng ngày, đúng giờ theo quy định”- ông Dương nói.
Bí thư Tỉnh ủy uống cà phê với doanh nhân trẻ
Những lúc không đi công tác xa, ông Lê Minh Hoan (bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp) cũng tạt qua quán cà phê chủ tịch để lắng nghe phản ánh của doanh nghiệp để phối hợp cùng UBND tỉnh đưa ra hướng giải quyết.
Bản thân ông Hoan cũng có một cuộc hẹn uống cà phê định kỳ hàng tháng cùng CLB doanh nhân trẻ tỉnh Đồng Tháp. Khi thì ở quán này, lúc ở quán khác.
Mục đích của ông là được thưởng thức cà phê ở tất cả quán giải khát ở TP Cao Lãnh. Tại đây, ông không chỉ lắng nghe họ phản ánh mà còn tư vấn cho họ cách giải quyết khó khăn gặp phải khi mới khởi nghiệp.
Ông Hoan thường được mời nói chuyện về kinh tế, khởi nghiệp… ở các nơi. Khi biết khóa tập huấn nào bổ ích cho doanh nghiệp, ông gửi email thông tin rộng rãi cho doanh nghiệp tỉnh nhà đăng ký tham dự và chỉ đạo UBND tỉnh chi hỗ trợ họ 50% kinh phí.
Theo Tuổi Trẻ