Quản lý taxi theo màu sơn: Hà Nội đang "áp đặt" doanh nghiệp?

Google News

Dự thảo có quy định thống nhất màu sơn taxi đang gây nhiều luồng ý kiến trái chiều.

Sở Giao thông Vận tải vừa công bố dự thảo Quy chế quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi, trong đó có quy định thống nhất màu sơn taxi.
Theo đó, năm 2018 sẽ thống nhất thiết kế màu sơn chung, từ năm 2019 đến 2024 taxi thay mới sẽ áp dụng màu sơn chung. Từ năm 2025, thống nhất áp dụng màu sơn chung đối với taxi hoạt động trên địa bàn TP.Hà Nội.
Xung quanh đề xuất này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Xuân Thủy.
PV: Hà Nội đang lấy ý kiến về việc “đánh đồng màu sơn, chung tổng đài” để siết chặt quản lý các hãng taxi trên địa bàn, ông nghĩ sao về ý tưởng này?
TS. Nguyễn Xuân Thủy: Hà Nội đang học theo các nước trên thế giới, cụ thể như ở Mỹ, họ áp dụng quy định tất cả các hãng taxi đều đồng nhất màu vàng. Theo tôi, việc "đánh đồng màu sơn" giúp quản lý tốt hơn, nhìn vào màu xe đã biết đó là taxi. Tuy nhiên, tùy điều kiện hạ tầng ở mỗi nước sẽ có một cách quản lý phù hợp với thực tiễn. Nếu chúng ta “bê” nguyên mô hình ở các nước là không phù hợp.
Bài học tuyến BRT là minh chứng, chúng ta lấy nguyên “kịch bản” ở nước ngoài áp dụng vào Việt Nam không đem lại hiệu quả, thậm chí gây lãng phí.
Quan ly taxi theo mau son: Ha Noi dang "ap dat" doanh nghiep?
Chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Xuân Thủy. 
PV: Nhiều doanh nghiệp lên tiếng, việc đưa ra ý tưởng "đánh đồng màu sơn" là cách quản lý kiểu “ngăn sông, cấm chợ”, không quản được thì cấm, thưa ông?
TS. Nguyễn Xuân Thủy: Theo quan điểm của tôi, quản lý taxi cần tính toán lại, có sự đóng góp ý kiến của các nhà khoa học; làm rõ tính hiệu quả của mô hình một màu sơn và nhiều màu sơn. Bài toán đó phải được giải thích cụ thể, khoa học.
Việc thay thế một màu sơn có khả thi hay không, có gây lãng phí không? Tất cả những điều đó phải đưa lên bàn cân xem mô hình có phù hợp với cơ chế thị trường hiện nay. Khi có tính toán kỹ lưỡng, Hà Nội mới nên ban hành quy định cụ thể.
Cách làm của Hà Nội, theo tôi mang tính áp đặt. Đây là chuyện phi lý, mỗi doanh nghiệp được quyền chọn một màu sơn của mình.
Cùng với việc đưa ra lấy ý kiến, Hà Nội cần nêu rõ vì sao lại chọn việc "đồng nhất màu sơn, chung tổng đài", có phân tích, đánh giá khoa học để thuyết phục doanh nghiệp, dư luận. Chúng ta không thể làm một cách tùy tiện, cảm tính. Tôi cũng xin thẳng thắn nêu quan điểm, việc quản lý hiện nay ở một số địa phương mang tính cát cứ, đặc biệt ở Hà Nội.
PV: Theo ông, việc quản lý thống nhất một màu xe có đảm bảo tính cạnh tranh, vận hành đúng cơ chế thị trường và thương hiệu cho doanh nghiệp?
TS. Nguyễn Xuân Thủy: Cá nhân tôi cho rằng, mỗi doanh nghiệp có một màu sơn là hoàn toàn bình thường, không ảnh hưởng đến việc quản lý. Thực tế, mỗi doanh nghiệp đều đã đăng ký màu sơn, logo, số điện thoại cụ thể. Mỗi doanh nghiệp có quyền quản lý xe theo cách của mình trong khuôn khổ pháp luật.
Thống nhất tất cả các hãng taxi đều “mặc một màu áo” là thực tế sẽ đẩy khó cho doanh nghiệp, việc quản lý cũng khó khăn hơn. Nếu đề án này thành hiện thực, không những các doanh nghiệp taxi Hà Nội phải tốn tiền sơn lại xe mà nhận diện thương hiệu sau bao nhiêu năm xây dựng cũng bị mất đi.
Chúng ta đang vận hành theo cơ chế thị trường phải có sự cạnh tranh, màu sơn khác nhau khẳng định “thương hiệu” của doanh nghiệp. Khi đi xe, khách sẽ có phản hồi và đưa ra nhận định chính xác cho từng hãng chứ không đánh đồng các hãng. Ngay cả việc giải quyết các khiếu nại của khách hàng cũng trở nên khó khăn hơn nếu tất cả cùng một màu sơn, một tổng đài.
Theo tôi, phải căn cứ thực tế điều kiện của Việt Nam để chọn lựa cách làm hợp lý. Có thể, đến một lúc nào đó, hệ thống giao thông của nước ta phát triển mạnh, việc đồng nhất một màu sơn là cần thiết, nhưng thời điểm này chưa thể làm được vì nó gây ra sự tốn kém.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Theo Hương Lan/Người Đưa Tin