“Quan xã” bòn rút tiền hỗ trợ lũ lụt: Phần trăm “miếng khi đói” có ngon?

Google News

(Kiến Thức) - Đến cả tiền ủng hộ lũ lụt cũng bị “quan xã” đòi trích lại phần trăm. Không biết, họ ăn phần trăm từ “một miếng khi đói” của hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng của lũ lụt có ngon hay không?

Câu chuyện “quan xã” bòn rút tiền ủng hộ lũ lụt của hàng trăm hộ dân xã Hoằng Phong (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) dưới hình thức trích lại phần trăm “chè nước, đi lại” khiến dư luận bức xúc về thói hư, tật xấu “ăn không chừa thứ gì” của một bộ phận cán bộ hiện nay.
Đọc những bài viết về vụ việc “quan xã” Hoằng Phong tự ra luật để bòn rút tiền hỗ trợ ủng hộ lũ lụt của hàng trăm hộ dân với “luật rừng” cứ 1 triệu đồng phải trích lại 15%, dưới 1 triệu thì trích lại 10% để “chè nước, đi lại” cho cán bộ xã, mỗi câu chữ lột tả “hành vi ăn bẩn” của các cán bộ này lại như diễn tả thêm sự thống khổ của hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng do lũ lụt tại địa phương này.
Số tiền trích lại phần trăm mà cán bộ xã đã nhận của người dân như lời ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch UBND xã Hoằng Phong trả lời báo chí “Họ đã thu được của khoảng 100 hộ dân với số tiền hơn 21 triệu đồng”. Hơn hai mươi triệu đồng không to so với những người khá giả nhưng với hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng do trận lũ lịch sử cuối năm 2017 tại địa phương này thì đó là số tiền rất lớn bởi nhiều trong số hộ đó có hoàn cảnh khó khăn.
 Ảnh minh họa.
Thế nhưng, “một miếng khi đói ấy” dân nghèo cũng không được hưởng trọn vẹn mà phải trích lại phần “miếng” ấy cho cán bộ xã “ăn cùng”. “Ăn” vài chục triệu tiền của người nghèo bị thiệt hại do lũ lụt lên đến hàng trăm, hàng tỷ đồng thì những cán bộ ấy có còn xứng đáng là “công bộc của nhân dân”. Họ không chỉ làm mất niềm tin của người dân vào một bộ phận cán bộ cấp xã mà còn làm mất niềm tin của những mạnh thường quân, những nhà hảo tâm trên cả nước đối với phong trào “tương thân, tương ái” vốn là truyền thống quý báu được lưu giữ qua nhiều thế hệ.
Từ việc “quan xã” Hoằng Phong “ăn chặn” tiền ủng hộ lũ lụt của trăm hộ dân cho thấy “việc xử lý tham nhũng vặt không thể coi thường” như lời ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội từng nói. Tham nhũng vặt tồn tại dưới nhiều hình thức như trích phần trăm ở xã Hoằng Phong gây ra “phản cảm đối với xã hội, tạo ra một hình ảnh không đẹp về một nhà nước pháp quyền”.
Ngay nguyên đại biểu Quốc hội Bùi Thị An khi trả lời báo chí cũng nhận định, “tham nhũng vặt” gây nhiều bức xúc, làm hư hỏng nền công vụ ngay từ cơ sở, là một trong những nguyên nhân lớn làm cho cải cách hành chính trì trệ, tắc nghẽn, làm mất dần niềm tin trong nhân dân.
Thực tế, không chỉ việc trích phần trăm tiền ủng hộ lũ lụt, không ít trường hợp báo chí đã phanh phui về việc trích phần trăm ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Muốn có dự án cũng phải trích lại %, tình trạng “bòn rút” ngân sách, bảo hiểm y tế… diễn ra phổ biến.
Cái đáng lo ngại như ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng từng nói: “Từ tham nhũng vặt có thể dẫn tới những đại án tham nhũng. Tham nhũng vặt trở thành hệ thống, tạo ra thói quen thì chắc chắn người khác bắt chước làm theo”.
Trong phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land), hình ảnh chiếc vali chứa 14 tỷ đồng mà Trịnh Xuân Thanh đã nhận từ các đồng phạm cho thấy việc “trích phần trăm” dù chỉ để cảm ơn nguy hại thế nào. Nó không chỉ là biểu hiện của sự suy thoái đạo đức cán bộ mà còn là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng mà bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã phải nhận thêm một án chung thân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng gửi thông điệp: “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy… Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được…”. Đã đến lúc không chỉ “củi to” mà ngay “củi nhỏ” cũng phải cho vào “lò” nếu có hành vi sai trái, vi phạm pháp luật để giữ gìn kỷ cương phép nước. Cũng đã đến lúc, cần có biện pháp mạnh triệt tiêu những biểu hiện của tham nhũng như việc “xin trích lại %” mà điển hình đang diễn ra ở xã Hoằng Phong (huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) gây bức xúc dư luận thời gian qua.
Hải Ninh