|
Chị Mận và 3 con tránh lũ trên QL 12A. Lũ chồng lũ khiến nhiều người dân gặp nhiều khó khăn. |
Vừa nhận gạo cứu trợ đã bị lũ cuốn
Mưa lớn trong 2 ngày 30 - 31/10, khiến mực nước trên các con sông ở Quảng Bình dâng cao, nhấn chìm nhiều làng mạc ở hầu hết các huyện, thị, thành phố trên địa bàn. Đặc biệt, dọc sông Gianh thuộc ba huyện Tuyên Hóa, Quảng Trạch, thị xã Ba Đồn, hàng chục xã, thị trấn bị nước lũ nhấn chìm, cô lập với bên ngoài.
Nhiều người dân cho rằng, hai trận lũ gần đây nước lên rất nhanh, bất thường so với trước, nên không cứu được tài sản. Họ nghi ngờ nguyên nhân xuất phát từ việc xả lũ của thủy điện Hố Hô nằm trên địa bàn huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Ở xã Mai Hóa, chiều tối 31/10 nước vẫn nằm ngoài đồng, nhưng đến nửa đêm thì nước ào vào như lũ quét. Trong đêm tối nhiều gia đình chỉ kịp sơ tán lên QL 12A để bảo toàn tính mạng.
Ngồi bên vệ đường, chị Nguyễn Thị Mận chỉ tay về phía nước lũ trắng xóa, chỉ còn vài mái nhà nhô lên trên mặt nước, nói “nhà tui ở đó tề”. Chị kể: Nhà có 2 vợ chồng với ba đứa con. Khoảng 3 giờ sáng nước lên quá nhanh, chồng chị cõng mấy đứa nhỏ, rồi kéo chị lên thuyền máy hàng xóm chạy lên QL12A, còn anh ở lại. Đã hơn 1 ngày chị Mận vẫn chưa có liên lạc từ chồng. “Tui đã nói anh ấy đi cùng vợ con, anh ấy không chịu. Nhà chẳng còn chi sau trận lũ trước, nhưng anh ấy ở lại để lấy dây neo 4 cái cột nhà để khỏi bị lũ cuốn trôi. Anh ấy nói, mẹ con cứ yên tâm mà đi, ba neo được cái nhà là ba ra. Rứa mà đến chừ vẫn không thấy anh ấy ra. Tui lo lắm mà không biết làm răng” - chị Mận nói trong lo lắng.
Ông Hà Văn Thảo ở Mai Hóa, nói: “Nước hỗn lắm, chạy lũ mà như chạy giặc. Giữ được cái mạng là may lắm rồi, không ai cứu được của cải chi hết. Tui loay hoay tìm mấy bộ quần áo khô mang theo, trở ra nước đã ngang cổ rồi, gạo cơm vừa nhận cứu trợ xong cũng bị lũ cuốn luôn. May mà chạy thoát được lên đây”.
Ông Trần Văn Giáo, Chủ tịch UBND xã Mai Hóa cho biết: Trận lũ này nước lên quá nhanh, hiện tại xã chưa thể thống kê bao nhiêu hộ bị thiệt hại, ngập nặng. Bà con thiệt hại lớn từ trận lũ trước, nhiều gia đình chẳng còn gì để mất.
|
Nước lũ vượt QL 12A tại xã Đức Hóa. |
Những “chiếc phao” may mắn
Trận lũ lụt này, đường sắt Bắc - Nam và những chiếc cầu bắc qua sông Gianh bỗng dưng trở thành những “chiếc phao” khổng lồ làm nơi trú chân của người dân chạy lũ. Ông Cao Xuân Ngọc, Chủ tịch UBND xã Quảng Hải, thị xã Ba Đồn cho biết: “Đê vỡ, xã báo động toàn dân, nhà nào thấp trũng thì lên cầu Quảng Hải trú tạm. Quảng Hải là xã đảo trên sông Gianh, trước đây lũ lụt về không biết trú ở đâu nên thường thiệt hại rất lớn về người và gia súc. Hội trường hai tầng của xã chật cứng người và trâu bò nhưng cũng không chứa hết toàn xã. Nhưng từ khi có cầu Quảng Hải, không chỉ người dân mà nhiều trâu bò cũng được cứu sống nhờ lên cầu trú ẩn”.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, đứng cạnh một cặp bò, người ướt sũng nước, run cầm cập, nói: “Nhờ cây cầu ni mà hai trận lụt rồi đầu cơ nghiệp của tui vẫn còn nguyên vẹn. Nước lên nhanh quá, bò thì sợ nước, tui phải dầm mình kéo con mẹ đi trước, con bò con mới chịu bơi theo. May mà cả mẹ con an toàn, hết lũ lụt còn có nó mà cày kéo, cải tạo ruộng vườn chú ạ”.
Theo thông tin từ Văn phòng PCLB&TKCN Quảng Bình: Toàn tỉnh có gần 20.000 ngôi nhà bị ngập sâu từ 0,5 đến 3m. Đã có 1 người chết, 5 người bị thương, 4 tàu cá bị chìm. Nhiều làng mạc bị cô lập, QL12A, đường Hồ Chí Minh nhiều đoạn bị chia cắt, giao thông ách tắc. Các hồ đập trên địa bàn hầu hết đã đạt và vượt ngưỡng sức chứa, đặc biệt có đập vượt 117% thiết kế.
Làng mạc hai bên bờ sông Gianh nước lên chấm mái, những cây cầu như Quảng Hải, Văn Hóa, Châu Hóa… đã trở thành cứu tinh cho người dân chạy lũ. Ông Nguyễn Văn Cường, xã Văn Hóa cho biết: “Nhờ chiếc cầu mà mạng người, trâu bò, heo gà được cứu sống rất nhiều. Ngày xưa mưa lũ, không có cái cầu này, thiệt hại rất lớn. Người chết thì phải quàn tầng 2 trường học, chờ lũ rút, còn trâu bò trôi thì chỉ biết nhìn mà rơi nước mắt. Có cầu, cứu hộ đi qua cũng nhanh, chứ trước đây vượt sông Gianh nguy hiểm lắm”.
Ở xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn, người dân kéo nhau lên đường tàu trú ẩn. Mặc dù rất nguy hiểm, vì tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, tuy nhiên, theo người dân thì không còn chỗ nào an toàn hơn ở đây. Nhiều gia đình còn mang theo nồi, nấu cơm ngay trên đường tàu. “Chạy lên núi thì quá xa, ở đây chỉ có đường tàu là cao nhất thôi. May có đường tàu ni, không là dân không biết chạy đi đâu để tránh lũ. Rứa mà lũ lần trước, nhiều đoạn đường ray cũng bị ngập đó chú” - chị Mai Thị Thu nói.
Lốc xoáy trên đầu, lũ dưới chân
Không chỉ bị lũ lụt hoành hành, người dân ở hai xã Mai Thủy và Phú Thủy (Lệ Thủy) còn phải gồng mình chịu đựng một trận lốc xoáy kinh hoàng vào sáng sớm 1/11. Trận lốc xoáy quét qua, làm tốc mái hơn 70 ngôi nhà ở hai xã này, trong đó có 20 ngôi nhà bị tốc mái hoàn toàn. Trường học, kho chứa thóc của HTX Nông nghiệp cũng bị hư hại, hơn 5 tấn thóc bị mưa làm ướt, hư hỏng.
Lốc xoáy cũng đã làm ông Nguyễn Văn Ninh (ở thôn Lê Xá, xã Mai Thủy) bị thương nặng do bị ngã khi sửa lại mái nhà.
Ông Lê Văn Bảo, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết: Rạng sáng, khi lãnh đạo huyện đang tập trung cứu dân bị ngập lụt trong vùng thấp trũng thì nhận được tin lốc xoáy, gây thiệt hại nặng ở hai xã Mai Thủy và Phú Thủy. Khoảng 8 giờ thì ông và lực lượng cứu hộ có mặt tại nơi lốc xoáy xảy ra. Mưa như trút nước, nhưng lãnh đạo huyện đã chỉ đạo lực lượng cứu hộ chủ yếu Công an, Quân đội, nhanh chóng lợp lại nhà, không được để dân sống cảnh màn trời chiếu đất trong mưa lũ.
Ông Bảo thở dài: “Chưa năm nào khổ như năm nay. Trận lũ trước vừa rút chưa được mấy ngày thì trận lũ khác lại lên. Anh em chạy như chong chóng suốt nửa tháng nay. Nhận thêm tin lốc xoáy mà giật cả mình, đúng là lốc xoáy trên đầu, lũ ngập dưới chân…”.
Sẽ thu hồi giấy phép thủy điện Hố Hô nếu tái phạm
Trong báo cáo vừa gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương cho biết, về việc xả lũ thủy điện Hố Hô chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm ngặt các quy định tại Quy trình vận hành hồ chứa về trách nhiệm thông tin, báo cáo. Bộ Công Thương khẳng định, nếu tái phạm sẽ thu hồi giấy phép của thủy điện này.
Bộ Công Thương cũng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực miền Bắc chỉ đạo Công ty Cổ phần Thủy điện Hồ Bốn (chủ đập thủy điện Hố Hô) kiểm điểm nghiêm túc các tập thể, cá nhân liên quan. Công ty cũng phải lắp đặt, bổ sung các trạm quan trắc tự động để cảnh báo và chủ động vận hành an toàn công trình và ứng phó lũ lụt hạ du, chuyển vị trí đặt máy phát điện diesel dự phòng đảm bảo sẵn sàng cung cấp điện trong mọi tình huống...
Phạm Tuyên
>>> Mời quý độc giả xem video Xe ngược dòng lũ (nguồn Youtube):
Theo Hoàng Nam/Tiền Phong