Quốc hội khóa XV sẽ bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội

Google News

Tổng Thư ký Quốc hội cho biết tại kỳ họp lần này, Quốc hội không tiến hành công tác tổ chức, nhân sự liền mạch từ đầu đến cuối mà bố trí xen kẽ với các nội dung khác để vừa thực hiện đúng thẩm quyền, quy trình, thủ tục, vừa tiết kiệm thời gian.

5 ngày cho công tác nhân sự
Tại phiên họp thứ 57, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV chiều 14/6, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự kiến, tổng thời gian kỳ họp là 11,5 ngày làm việc. Trong đó, công tác nhân sự: 5 ngày; xem xét các báo cáo và một số nội dung khác: 4,5 ngày; trù bị: 0,5 ngày; khai mạc, bế mạc: 1 ngày; dự phòng: 0,5 ngày. Quốc hội họp phiên trù bị vào chiều ngày 19/7; khai mạc vào ngày 20/7 và dự kiến bế mạc vào sáng ngày 3/8/2021.
Quoc hoi khoa XV se bau Chu tich nuoc, Thu tuong Chinh phu, Chu tich Quoc hoi
Toàn cảnh Phiên họp thứ 57 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự kiến chương trình kỳ họp được xây dựng theo hướng: Không tiến hành công tác tổ chức, nhân sự liền mạch từ đầu đến cuối mà bố trí xen kẽ với các nội dung khác để vừa thực hiện đúng thẩm quyền, quy trình, thủ tục, vừa tiết kiệm thời gian.
“Trong thời gian Quốc hội bầu, phê chuẩn nhân sự, các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý, bảo đảm chất lượng các dự thảo nghị quyết”, ông Bùi Văn Cường giải thích” – ông Cường giải thích.
Tại phiên họp này, Quốc hội sẽ tiến hành bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội khóa mới.
Theo nghị trình mà Tổng Thư ký Quốc hội đề xuất, ngay trong buổi sáng phiên khai mạc, Quốc hội cho ý kiến về nhân sự của Quốc hội, không thảo luận tại tổ, mà chiều tiến hành bầu luôn. Sau khi bầu xong, Chủ tịch Quốc hội khóa mới tuyên thệ ngay trong buổi chiều. Thời điểm cụ thể xem xét, tiến hành bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ sẽ được cân nhắc bố trí cho phù hợp.
Đáng lưu ý, đây là kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ nên Thủ tướng Chính phủ sẽ trình bày báo cáo kinh tế - xã hội tại phiên khai mạc (thông lệ là kỳ họp cuối năm).
Về dự kiến chương trình kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, có 7 nội dung liên quan đến vấn đề này.
Đáng chú ý trong đó, căn cứ kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự kiến chương trình đã được bổ sung nội dung về xử lý tài chính cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) khi thanh toán khoản bù giá trong bao tiêu sản phẩm Dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn theo cam kết của Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Căn cứ quy định của Luật Đầu tư công (Điều 47) và Luật Quản lý nợ công (Điều 10), đề nghị bổ sung nội dung trình Quốc hội xem xét, quyết định kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 tại kỳ họp này cùng các kế hoạch tài chính 5 năm và đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Chính phủ đề nghị bổ sung nội dung trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025.
Chính phủ cũng đề nghị bổ sung Báo cáo về việc thực hiện (hoặc Đề án) xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Chính phủ đề nghị chuyển nội dung về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021-2025 sang kỳ họp cuối năm 2021.
Tiếp thu đề nghị của Tòa án nhân dân tối cao về bổ sung nội dung phê chuẩn bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao trình Quốc hội xem xét, quyết định để kịp thời kiện toàn nhân sự Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Ông Bùi Văn Cường cho biết, với đặc thù về nội dung kỳ họp, Quốc hội cần họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Văn phòng Quốc hội đã chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo để bảo đảm phục vụ tốt nhất cho kỳ họp, nhất là có phương án, kế hoạch cụ thể cho phòng, chống dịch theo tình hình thực tế.
Về các điều kiện bảo đảm, Văn phòng Quốc hội đã tăng cường công tác chỉ đạo, chủ động, phối hợp với cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, cải tiến công tác chuẩn bị, phục vụ về thông tin, tài liệu, tuyên truyền, báo chí, bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin, an ninh, an toàn, lễ tân, hậu cần, phòng, chống dịch bệnh... nhằm phục vụ tốt nhất cho kỳ họp.
Để phòng chống dịch, ông Cường cho biết, sẽ xây dựng các phương án cụ thể và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tùy thuộc vào tình hình thực tế như: Giới hạn số lượng người ra vào Nhà Quốc hội; tổ chức xét nghiệm, tiêm vaccine, phun khử khuẩn, thực hiện 5k. Đặc biệt, tất cả đại biểu Quốc hội sẽ được tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, tại kỳ họp thứ nhất, bên cạnh công tác nhân sự, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định rất nhiều nội dung quan trọng khác như: Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, kế hoạch tài chính trung hạn, kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch sử dụng đất 5 năm tới... Vì vậy, cần tính toán hết các công việc phải làm tại kỳ họp để các đại biểu Quốc hội có đủ thời gian xem xét, quyết định các vấn đề, bảo đảm chất lượng kỳ họp.
Chủ tịch Quốc hội cũng nêu các ý kiến cụ thể về cách thức, thời gian thực hiện công tác nhân sự trong chương trình kỳ họp cũng như bày tỏ nhất trí với đề xuất họp tập trung tại Nhà Quốc hội.
Quoc hoi khoa XV se bau Chu tich nuoc, Thu tuong Chinh phu, Chu tich Quoc hoi-Hinh-2
 Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường.
Băn khoăn khi chưa thấy "bóng dáng" của dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
Sáng 14/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và điều chỉnh chương trình năm 2021.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh băn khoăn khi chưa thấy "bóng dáng" của dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trong dự kiến Chương trình lập pháp năm 2022.
Chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đẩy sớm việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-TW về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai để làm cơ sở cho việc sửa đổi Luật Đất đai. Đi công tác, làm việc với các địa phương đều phản ánh các vướng mắc trong thực hiện Luật Đất đai.
Bên cạnh đó, mặc dù Quốc hội đã sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư để tháo gỡ các mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật nhưng có những vấn đề cốt lõi phải được sửa đổi trong Luật Đất đai. Với những lý do này, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh đề nghị, Chính phủ phải làm rõ hơn về việc có kịp để trình Luật Đất đai (sửa đổi) hay không?
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, nhiệm kỳ này, ông đã báo cáo đưa dự án Luật Đất đai vào chương trình xây dựng luật, nhưng sau đó theo đề nghị của Bộ TN&MT, ông lại báo cáo để xin rút ra.
Theo ông Long, việc sửa Luật Đất đai là khả thi. Bởi việc này không bắt đầu từ số 0, mà đã có tổng kết, nhóm họp, thảo luận, đã tách ra một số vấn đề để xử lý, còn lại khoảng 14 vấn đề cơ bản cần phải xử lý cũng đã được tính đến.
“Bộ TN&MT cùng một lúc nghiên cứu những vấn đề đã đúc rút được, đưa vào báo cáo tổng kết để trình Ban Chấp hành Trung ương đồng thời cùng lúc để xây dựng dự án luật này. Tôi nghĩ trong năm 2022 hoặc cuối năm 2022, nếu cùng một lúc Trung ương xem xét nghị quyết này thì kịp để trình dự án luật, hoặc đầu năm 2023 sẽ trình được”, ông Long nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Chính phủ có báo cáo bổ sung gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tổng hợp, báo cáo Quốc hội về một số dự án luật hiện nay đã quá hạn. Ví dụ như sửa đổi Luật Đất đai, Luật Khám bệnh, chữa bệnh, sửa đổi tổng thể các luật thuế đảm bảo đồng bộ…
>>> Mời độc giả xem thêm video Công bố danh sách người trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV:

Nguồn: Truyền hình Đồng Tháp.

Tâm Đức