Quốc hội và những phát ngôn ấn tượng nhất trong tuần

Google News

Tuần qua, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV tiếp tục chương trình làm việc, đã có nhiều phát ngôn đáng chú ý của các chính khách, các vị đại biểu Quốc hội về những vấn đề dư luận quan tâm.

 Đại biểu Dương Trung Quốc (ảnh Đàm Duy).
ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai): Lò nóng nhưng phải mong ngày nào đó lò vào bảo tàng
“Tôi nghĩ chúng ta đang rất hào hứng với hình tượng lò cháy ngùn ngụt, nhưng chúng ta cũng phải mong muốn ngày nào đó lò phải vào bảo tàng. Bởi lò nóng không chỉ thiêu cháy phẩm chất chính trị của những cán bộ hư hỏng mà đằng sau đó là khối tài sản lớn của người dân, điều đó mới là xót xa”, đại biểu Dương Trung Quốc đã nói như vậy khi góp ý vào dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng tại phiên họp tổ của Quốc hội chiều 30.5.
 Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình (ảnh IT).
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình: HĐXX vụ bác sĩ Lương có phán quyết đúng đắn
Sáng 30.5, bên hành lang Quốc hội, Chánh án TADN Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã có trao đổi với baoc chí xung quanh vụ án xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương (Hòa Bình). Ông nói qua theo dõi báo chí phản ánh phiên tòa đã diễn ra công khai, có tranh tụng, lắng nghe ý kiến tất cả các bên, các trình tự tố tụng của phiên tòa cho đến thời điểm này được thực hiện rất tốt. “Với việc diễn biến của phiên tòa như thế này, tôi tin Hội đồng xét xử sẽ có phán quyết đúng đắn, đúng quy định của pháp luật, lắng nghe ý kiến nhiều phía trên cơ sở tranh tụng”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói và cho biết thêm đây là một niềm tin với tư cách cá nhân ông.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ (ảnh IT). 
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ: Vẫn gọi là học phí chứ không ai bỏ học phí
Chiều 30.5, thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học,Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã giải thích về việc tại sao lại đổi tên “học phí” thành “giá dịch vụ đào tạo”.
Ông cho biết Điều 105 Luật Giáo dục ghi rõ là học phí và vẫn dùng học phí, không bỏ học phí. Theo đó, học phí là khoản tiền mà người học phải nộp cho người cung cấp dịch vụ một phần hoặc toàn bộ. “Tên gọi đó vẫn còn. Tôi khẳng định vẫn gọi là học phí chứ không ai bỏ học phí” – Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.
Bộ trưởng giải thích thêm, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học căn cứ theo Luật Giá, phí và kiểm định các loại dịch vụ khác quy thành giá theo luật giá. Thực tế, học phí không phải bao trùm tất cả chi phí mà cơ sở đào tạo cung cấp, trong đó có một số loại chi phí do nhà nước đặt hàng. Những chi phí này áp dụng theo Luật Giá thì mới tính được giá. Bộ Giáo dục Đào tạo chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính tính theo khung giá dã được áp vào chứ không phải tính tuỳ tiện…
 Đại biểu Nguyễn Anh Trí (ảnh VPQH).
ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội): Các đồng chí không thương người dân Tây Bắc không có cơm ăn
Sau khi nghe đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) giải thích dự án nạo vét sông Sào Khê (Ninh Bình) đội vốn từ 72 tỷ lên 2.595 tỷ đồng (chiều 28.5), đại biểu Nguyễn Anh Trí đã tranh luận. Ông nói, đại biểu Quốc hội Phương nói trong tổng số tiền đã đội vốn đó chỉ có 1.400 tiền của nhà nước, còn lại là kêu gọi vốn. 1.400 không nhiều à? Có nở ra nhưng nở gấp 2-3 lần là quá đáng. “Một so sánh nữa, nói nơi đó quan trọng, ngày xưa là kinh đô Vua ở, nói thế đồng chí không thương người dân ở Tây Bắc không có cơm ăn, rất khổ, phải di dân sao…”, đại biểu Trí nói.
 Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (ảnh VPQH).
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM): Đề nghị thanh tra dự án đội vốn từ 72 tỷ đồng lên 2.595 tỷ đồng
Cũng tranh luận về dự án Sào Khê đội vốn từ 72 tỷ lên 2.595 tỷ đồng, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, tốt nhất là thanh tra dự án này, từ đó đưa ra kết luận đâu là khách quan, đâu là chủ quan. “Nếu vì lý do khách quan và đáng khen thưởng thì chúng ta khen thưởng, còn chỗ nào đáng khắc phục, đáng sửa chữa và phải rút kinh nghiệm thì phải rút kinh nghiệm. Trong trường hợp có hiện tượng như vậy tôi đề nghị tiến hành thanh tra, có kết luận để các đồng chí ở Ninh Bình khỏi băn khoăn, thắc mắc, cử tri thấy minh bạch, rõ ràng và người dân yên tâm”, đại biểu Nghĩa nói.
Đại biểu Lê Thanh Vân (ảnh VPQH). 

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau): Đề nghị sớm trình dự án Luật Biểu tình
Sáng 30.5, phát biểu tại Kỳ họp Quốc hội về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, đại biểu Lê Thanh Vân đã đề nghị Quốc hội phải khẩn trương chỉ đạo các cơ quan có trách nhiệm để chuẩn bị trình Quốc hội dự án Luật Biểu tình. Đây là dự án Luật có tính chất phức tạp, được nhắc đi nhắc lại nhiều, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được đưa vào chương trình làm luật.
Theo Lương Kết/Dân Việt