Đánh giá kết quả thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2011 - 2015, Quốc hội cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện ba trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra.
Như cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém, xử lý nợ xấu còn gặp nhiều khó khăn, kết quả đạt được còn thấp. Cơ cấu lại các ngành kinh tế chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế và ứng phó với biến đổi khí hậu.
|
Nghị quyết nêu rõ yêu cầu của Quốc hội là trước 2019 phải hoàn thành cơ cấu lại ba trọng tâm, gồm cơ cấu lại đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và các tổ chức tín dụng, để tập trung nguồn lực triển khai cơ cấu lại các lĩnh vực khác.
|
Cơ cấu lại vùng kinh tế chưa được quan tâm đúng mức, không gian phát triển còn chia cắt theo địa giới hành chính, thiếu thể chế tạo liên kết giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng; phát triển nguồn nhân lực cả về quy mô và chất lượng chưa đồng bộ với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế.
Nghị quyết nêu rõ, những yếu kém, hạn chế nêu trên chủ yếu do nguyên nhân chủ quan. Đặc biệt, việc tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách về cơ cấu lại nền kinh tế còn thụ động, chậm trễ, thiếu hiệu quả và thiếu sự phối hợp giữa các cấp, ngành và địa phương, có phần do lợi ích cục bộ, tư duy nhiệm kỳ.
Giảm lãi suất, giảm nợ xấu
Về cơ cấu lại nền kinh tế 2016 - 2020, Quốc hội cũng thống nhất nhiều mục tiêu cụ thể.
Như giảm dần tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước, đến năm 2020 xuống dưới 3,5% GDP. Quy mô nợ công hằng năm giai đoạn 2016-2020 không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 54% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.
Nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công đạt mức chất lượng tiếp cận 4 nước ASEAN phát triển nhất (ASEAN – 4). Tỉ trọng đầu tư Nhà nước khoảng 31 - 34% tổng đầu tư xã hội.
Mục tiêu đáng chú ý tiếp theo là đến năm 2020, giảm tỷ lệ nợ xấu thực tế trong nền kinh tế xuống mức dưới 3%. Giảm lãi suất cho vay trung bình trong nước có tính cạnh tranh so với mức lãi suất cho vay trung bình trong nhóm ASEAN-4.
Nâng cao quy mô và hiệu quả của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu Chính phủ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đến năm 2020, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 70% GDP, thị trường trái phiếu đạt 30% GDP.
Quốc hội cũng yêu cầu thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc các ngành không cần Nhà nước sở hữu trên 50% vốn, thoái vốn Nhà nước xuống mức sàn quy định đối với các ngành mà Nhà nước sắp xếp, cơ cấu lại vốn đầu tư.
Đến năm 2020, có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp; 15.000 hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả.
Hoàn thành trước 2019
Nghị quyết nêu rõ yêu cầu của Quốc hội là trước 2019 phải hoàn thành cơ cấu lại ba trọng tâm, gồm cơ cấu lại đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và các tổ chức tín dụng, để tập trung nguồn lực triển khai cơ cấu lại các lĩnh vực khác.
Một số nhiệm vụ cụ thể được nêu tại nghị quyết là xử lý dứt điểm các doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ, các dự án đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước không hiệu quả theo nguyên tắc và cơ chế thị trường.
Xem xét, thực hiện phá sản doanh nghiệp Nhà nước theo quy định của pháp luật về phá sản doanh nghiệp.
Quốc hội cũng yêu cầu hoàn thành cơ bản việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu và từng bước áp dụng tiêu chuẩn Basel 2 tại các tổ chức tín dụng. Đến năm 2020, cơ bản các ngân hàng thương mại có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel 2, trong đó có ít nhất 12-15 ngân hàng thương mại áp dụng thành công Basel 2 (phương pháp tiêu chuẩn trở lên).
Yêu cầu tiếp theo là hoàn thiện hệ thống pháp luật hỗ trợ, đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu; nâng cao năng lực của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) để mua, bán nợ theo giá thị trường gắn với xử lý tài sản thế chấp, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của chủ nợ, đồng thời bố trí nguồn lực phù hợp để xử lý nhanh và dứt điểm nợ xấu.
Xử lý và xóa bỏ tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo; đẩy mạnh thoái vốn ngoài ngành của các ngân hàng thương mại.
Không lập cơ quan chuyên trách
Quá trình thảo luận kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế có hai vấn đề được đề cập khá nhiều là nguồn lực và lập cơ quan chuyên trách.
Trước khi đại biểu bấm nút, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải trình về hai nội dung này.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, một số ý kiến đề nghị Chính phủ cần lưu ý đến nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 trong bối cảnh khó khăn về ngân sách Nhà nước, từ đó xác định nhiệm vụ nào cấp bách để tập trung nguồn lực thực hiện.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, dự thảo nghị quyết của Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ “bảo đảm nguồn cân đối trong kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020, kế hoạch đầu tư công trung hạn” trong phần tổ chức thực hiện.
Có ý kiến đề nghị Chính phủ cần thành lập cơ quan chỉ đạo chuyên trách về thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế ở cả trung ương và địa phương.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì để phù hợp với tinh thần cải cách, tinh gọn bộ máy, dự thảo nghị quyết đã giao cho Chính phủ “đổi mới phương cách điều hành cơ cấu lại, có cơ chế theo dõi và đánh giá thường xuyên nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế của các bộ, ngành và địa phương; nâng cao năng lực, kỷ luật trong thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế”.
Như vậy, Chính phủ sẽ chủ động xây dựng cách thức phù hợp để theo dõi và đánh giá thường xuyên nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế và cách thức này sẽ được thể hiện trong chương trình hành động mà Quốc hội giao hoàn thành trước tháng 4/2017.
Theo Nguyên Vũ/Vneconomy