Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2020. Theo báo cáo tính đến ngày 30-9, tổng số người bị tạm giữ, tạm giam gần 49.000 người, trong đó gần 1.500 người bị tạm giữ và hơn 47.300 người bị tạm giam.
Giám sát tốt hơn nhưng vẫn còn sơ hở, thiếu sót
Theo đó, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các cơ sở giam giữ tổ chức tiếp nhận, phân loại quản lý người bị tạm giữ, tạm giam theo đúng quy định. Họ được bố trí theo khu và phân loại giam giữ riêng theo độ tuổi, giới tính, tội danh, đối tượng trong cùng vụ án, những người đang chờ thi hành án (THA), người bị kết án tử hình.
Đồng thời, các cơ sở giam giữ có biện pháp quản lý nghiêm ngặt, chặt chẽ đối với những đối tượng nguy hiểm, lưu manh, côn đồ, có nhiều tiền án, tiền sự, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. “Các cơ sở đã chủ động hơn trong việc giám sát, quản lý, giáo dục đối với người bị tạm giữ, tạm giam, góp phần phát hiện, ngăn chặn, hạn chế được việc thông cung, trốn khỏi nơi giam giữ, đánh nhau gây mất trật tự buồng giam” - báo cáo nêu.
Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cũng thừa nhận tại một số cơ sở giam giữ, công tác này vẫn còn sơ hở, thiếu sót, dẫn đến một số vụ việc người bị tạm giữ, tạm giam trốn, chết, phạm tội mới. Tổng cộng đã xảy ra 33 vụ với 38 đối tượng trốn (đã bắt lại 38/38 đối tượng) và 33 vụ với 33 đối tượng chết do tự tử, 43 trường hợp phạm tội mới.
Báo cáo nêu: “Các biểu hiện vi phạm chế độ quản lý giam giữ tuy không nhiều nhưng vẫn còn xảy ra và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong các trại tạm giam, nhà tạm giữ. Số vụ, đối tượng người bị tạm giữ, người bị tạm giam trốn, chết chưa giảm mạnh theo chỉ tiêu đề ra”.
Từ đó Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng yêu cầu các cơ sở giam giữ tăng cường việc nắm tình hình, diễn biến tư tưởng của người bị tạm giữ, tạm giam. Các cơ sở chủ động thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của người bị tạm giữ, tạm giam. Ngoài ra cần thường xuyên kiểm tra, thanh tra công tác giam giữ để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý sai phạm.
Cụ thể, cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam thuộc Bộ Công an đã thành lập bảy đoàn công tác kiểm tra đột xuất 18 trại tạm giam và kiểm tra toàn diện 16 công an địa phương về công tác tạm giữ, tạm giam, thẩm tra, xác minh, làm rõ nguyên nhân và kiến nghị xử lý 11 vụ việc trốn, chết xảy ra tại các cơ sở giam giữ.
Bộ Quốc phòng cũng đã thành lập đoàn kiểm tra công tác thi hành tạm giữ, tạm giam tại các trại tạm giam thuộc bảy quân khu, một quân đoàn và hai trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng.
Khó khăn trong quản lý người bị kết án tử hình
“Công tác quản lý giam giữ đối với người bị kết án tử hình ở các trại tạm giam luôn được thực hiện nghiêm ngặt, chặt chẽ, các quyền của người bị kết án tử hình được đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật” - báo cáo khẳng định.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ công tác quản lý giam giữ người bị kết án tử hình đang gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, số lượng người bị kết án tử hình tăng nhanh tạo áp lực lớn cho công tác quản lý giam giữ người bị kết án tử hình. Số người bị kết án tử hình tăng 440 trường hợp (tăng hơn 34% so với cùng kỳ năm 2019).
Cạnh đó, cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật phục vụ quản lý giam giữ người bị kết án tử hình chưa được đầu tư đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu.
“Các quy định về THA tử hình còn bất cập, việc thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng hoặc sự phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan trong hoàn thiện hồ sơ, thủ tục THA tử hình còn kéo dài dẫn đến các trường hợp người bị kết án tử hình giam giữ lâu mà chưa THA” - báo cáo nêu.
Trước những khó khăn này, Bộ Công an đã có văn bản giao thủ trưởng công an các đơn vị, địa phương báo cáo đề xuất chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo thành lập đoàn công tác liên ngành. Đoàn công tác tổ chức kiểm tra, rà soát hồ sơ, số người bị kết án tử hình đã có hiệu lực pháp luật, số giam giữ nhiều năm để phân loại, xác định rõ khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị xử lý, giải quyết.
Trên cơ sở báo cáo của địa phương, đầu tháng 9-2020, Bộ Công an đã có công văn gửi Văn phòng Chủ tịch nước, VKSND Tối cao, TAND Tối cao để chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác quản lý giam giữ người bị kết án tử hình và THA tử hình.
Nhân sự tại cơ sở giam giữ yếu, thiếu
Một hạn chế, tồn tại được Chính phủ chỉ ra trong báo cáo là nguồn nhân lực phục vụ công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Theo đó, biên chế cán bộ tại các cơ sở giam giữ còn thiếu. Trình độ, năng lực cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, nhất là kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ, pháp luật, kỹ năng xử lý tình huống. Một bộ phận lãnh đạo, chỉ huy chưa nhận thức đúng về vai trò của công tác tạm giữ, tạm giam và một bộ phận nhỏ cán bộ, chiến sĩ thiếu tu dưỡng, rèn luyện, ý thức phấn đấu và trách nhiệm với công việc chưa cao, vi phạm quy trình, chế độ công tác.
Tuy nhiên, chế độ, chính sách đối với một số vị trí công tác (cán bộ quản lý giam giữ người bị kết án tử hình, cán bộ công tác ở nhà tạm giữ) chưa tương xứng với mức độ khó khăn, gian khổ, nguy hiểm của công việc…
Khu giam người bị án tử hình nhiều nơi quá tải
Theo báo cáo của Chính phủ, hiện 57/69 trại tạm giam đã xây dựng khu giam riêng người bị kết án tử hình với tổng số 700 buồng giam với hơn 1.200 chỗ giam giữ. Có 24 buồng giam xuống cấp không đảm bảo cho công tác quản lý giam giữ và còn 12 trại tạm giam chưa có khu giam riêng người bị kết án tử hình.
Có 60/69 trại tạm giam được đầu tư lắp đặt hệ thống kiểm soát an ninh phục vụ công tác giám sát buồng giam người bị kết án tử hình với tổng số gần 1.200 camera, đang sử dụng hơn 1.100 camera. Còn chín trại tạm giam chưa được đầu tư nâng cấp, lắp đặt hệ thống kiểm soát an ninh tại các buồng giam người bị kết án tử hình.
Các trại tạm giam thuộc công an các tỉnh Cao Bằng, Sơn La, Thanh Hóa, Lạng Sơn, Điện Biên, Hà Tĩnh, Hà Nội… thường xuyên trong tình trạng quá tải khu giam giữ người bị kết án tử hình.
Theo Đức Minh/Pháp luật TP HCM