Ngập lụt ở Quốc Oai: Ông Bùi Đào Hoàng, Bí thư kiêm Trưởng thôn Cấn Hạ cho biết, 10h ngày 21/7, xóm Bến Vôi, thôn Cấn Hạ, xã Cấn Hữu bị chia cắt.
Đến ngày 27/7, nước rút xuống còn 40cm nhưng ngay sau trận mưa ngày hôm đó, nước lũ lại dâng cao trên mức báo động 3. Đỉnh điểm cách đây vài ngày, con đường dài 800m dẫn từ đê sông Tích ra xóm Bến Vôi (nằm ở ngoài đê) ngập sâu 1,4m.
Bao quanh xóm là con sông Tích và ruộng đồng, những cư dân đầu tiên sống ở xóm đều là dân vạn chài, trước đây, họ cư ngụ trên những ngôi nhà nổi trên sông để thuận tiện cho việc đánh cá. Mãi đến năm 1960, khi hình thành hợp tác xã, chính quyền đã kêu gọi họ lên bờ dựng nhà định cư và sản xuất nông nghiệp. Khu vực này trũng thấp, hàng năm đều xảy ra ngập lụt.
Người dân xóm Bến Vôi cũng nhận thức được điều này nên nhà cửa đều được xây dựng cao hơn so với bình thường.
Theo ông Hoàng, 90% ngôi nhà ở đây không bị ngập lên nhà chính, chỉ ảnh hưởng đến các công trình phụ.
116 hộ dân với 574 nhân khẩu cứ như thế sống qua hơn 10 ngày lũ. Do là rốn lũ của huyện, nước đổ về làm khoảng 1 ha hoa màu bị ngập, thủy sản bị thiệt hại hơn 500 triệu, gia cầm thì chết tới vài trăm con.
Tuy thiệt hại về hoa màu không nhiều nhưng theo thống kê của Trưởng thôn Cấn Hạ, thiệt hại sản xuất phải lên tới hơn 1 tỷ đồng. Khó khăn nhất ở xóm Bến Vôi không phải là thiếu thốn vật chất mà là về vệ sinh môi trường. Ông Hoàng lo ngại sau khi lũ rút sẽ bùng phát dịch bệnh. Hiện nước rút rất chậm, nếu không mưa thì phải hơn 1 tuần nữa xóm mới thoát lũ.
Để đi ra vào trong xóm, huyện Quốc Oai bố trí 3 ca nô cùng dân quân tự vệ túc trực từ 5h30 sáng tới 19h hàng ngày để đưa đón bà con, học sinh đi học và đi làm.
Hình ảnh ngày 2/8:
|
Xóm Bến Vôi, thôn Cấn Hạ, xã Cấn Hữu (Quốc Oai, Hà Nội) nhìn từ trên cao |
|
Bao quanh xóm là con sông Tích và ruộng đồng, nước dâng làm cô lập làng xóm. |
|
Con đường độc đạo dẫn vào xóm dài 800m bị ngập sâu từ hơn 10 ngày nay. |
|
Thuyền, ca nô là phương tiện di chuyển duy nhất để vào xóm. |
|
Mỗi buổi sáng 6h-7h, bà con trong xóm tập hợp nhau lại để cùng chèo thuyền ra ngoài đi làm, chiều tối lại chèo về. |
|
Thong dong chèo thuyền ngắm làng xóm trong những ngày lũ. |
|
Toàn bộ nhà cửa đều bị ngập nước, trong đó nặng nhất là khu vực gần bờ sông. |
|
Ca nô của dân quân huyện mỗi ngày vài chục lượt ra vào đưa đón bà con. |
|
Ngày 4 lượt ca nô đưa đón học sinh cấp 1 và cấp 2 đi về. |
|
Đến ngày 2/8, nước đã rút đi nhiều song nhiều nhà vẫn ngập quá nửa. |
|
Làng nằm ở ngoài đê, dân xóm Bến Vôi xác định mỗi năm chỉ sản xuất 1 vụ lúa, còn vụ mùa để hoang, nên bà con có nhiều thời gian đi làm bên ngoài hơn |
|
Bà Chu Thị Tơ (90 tuổi) cho biết: Nhà 5 người đều đi làm hết, chỉ mình bà ở nhà, hôm lũ lên phải nhờ bà con hàng xóm sơ tán đồ đạc giúp. Nhà bà cao nhưng cũng bị ngập đến quá đầu gối, mấy ngày nay nước rút đến gót chân, bà Tơ cố gắng quét đất cát dạt vào nhà |
|
Người dân tranh thủ dòng nước lũ vặt lông vịt ngay trước cổng nhà. |
|
Gia đình anh Nguyễn Văn Ngọc (47 tuổi), một trong những hộ ngập sâu nhất cho biết, mấy ngày trước trong nhà ngập đến 70 cm, đi ngủ mặt giường chỉ cách mặt nước chưa đến 1 gang tay, nước rút vợ chồng anh bắt đầu dọn dẹp. |
|
Những con đường xóm đầy rác và bèo kéo theo lo ngại ô nhiễm môi trường và dịch bệnh khi lũ rút. |
|
Buổi chiều, nhiều người dân và trẻ em lội ra những chỗ nông. |
|
Đường làng, ngõ xóm trở thành địa điểm bơi, nhiều trẻ em thích thú tung tăng bơi lội, cứ đến 16h có đến hàng chục em bơi từ cổng làng đến các nhà trong xóm. |
|
Cổng xóm Bến Vôi trở thành địa điểm bơi lội, các trò chơi mạo hiểm của trẻ em. |
Theo Trần Thường/Vietnamnet