Sai phạm gì khiến ông Trần Ngọc Hà, nguyên Chủ tịch HĐQT Veam bị khởi tố?

Google News

(Kiến Thức) - Ông Trần Ngọc Hà, nguyên Chủ tịch HĐQT Veam, nguyên Tổng Giám đốc Veam bị khởi tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí quy định tại Điều 219 Bộ Luật hình sự năm 2015.

Ngày 3/8, Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đang tiến hành điều tra, xác minh làm rõ các vi phạm pháp luật xảy ra tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (Veam).
Theo đó, ngày 03/8/2019, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam và một số đơn vị thành viên.
Cùng ngày, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét đối với ông Trần Ngọc Hà, nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị, nguyên Tổng Giám đốc Veam; ông Lâm Chí Quang, nguyên Tổng Giám đốc Veam; ông Vũ Từ Công, Phó Tổng Giám đốc Veam và Nguyễn Mạnh Chung, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn máy kéo nông nghiệp.
Sai pham gi khien ong Tran Ngoc Ha, nguyen Chu tich HDQT Veam bi khoi to?
Ông Trần Ngọc Hà, nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị, nguyên Tổng Giám đốc Veam.
Các bị can trên bị khởi tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí quy định tại Điều 219 Bộ Luật hình sự năm 2015.
Hiện Cơ quan CSĐT Bộ Công an và áp dụng biện pháp ngăn chặn, bắt bị can để tam giam đối với 3 bị can Trần Ngọc Hà, Lâm Chí Quang và Nguyễn Mạnh Chung; Áp dụng biện pháp ngăn chặn, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can Vũ Từ Công.
Trước khi bị khởi tố bắt tạm giam, ngày 29/3/2019, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VEAM - ông Bùi Quang Chuyện đã ký Nghị quyết về việc bãi nhiệm chức danh Tổng giám đốc đối với ông Trần Ngọc Hà - thành viên HĐQT VEAM.
Trong báo cáo gửi Bộ Công Thương về việc bãi nhiệm chức danh Tổng Giám đốc VEAM đối với ông Trần Ngọc Hà, HĐQT VEAM đánh giá, ông Trần Ngọc Hà với vai trò là Tổng Giám đốc đã vi phạm các quy định về quản lý tài chính và điều lệ của doanh nghiệp này.
Quyết định được đưa ra sau cuộc họp của phụ trách bộ phận đại diện vốn nhà nước tại VEAM và triển khai các nội dung tại Văn bản số 231 của Bộ Công Thương về công tác cán bộ. Sau khi phân tích những tồn tại, thiếu sót trong việc kinh doanh thương mại và tiền gửi năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018; kinh doanh nhập khẩu 1.500 bộ linh kiện ôtô Changan (Trung Quốc); việc mua 3.000 bộ linh kiện xe Hyundai của Tập đoàn Thành Công để sản xuất, lắp ráp năm 2017; nhập khẩu, kinh doanh 2.010 bộ linh kiện xe Hyundai 72, Hội đồng quản trị VEAM đã quyết định (bằng hình thức bỏ phiếu) bãi nhiệm chức danh Tổng giám đốc VEAM đối với ông Trần Ngọc Hà.
Theo báo cáo, về kinh doanh thương mại, 6 tháng đầu năm 2018 VEAM lỗ 8,2 tỉ đồng. Chủ yếu là chi phí tài chính của số tiền 399,6 tỉ đồng văn phòng VEAM mua vật tư linh kiện bán cho Nhà máy ôtô VEAM. Hiện VEAM vẫn chưa thu hồi được số tiền hơn 359 tỉ đồng từ việc kinh doanh này,
Trước đó, ông Trần Ngọc Hà cũng là nhân vật chính được nhắc trách nhiệm nhiều nhất trong bản kết luận vừa được Thanh tra Bộ Công thương thông báo hồi tháng 5/2019 với nhiều sai phạm.
Trong bản Kết luận Thanh tra số 3202/KL-BCT về công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản; tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ; công tác tổ chức cán bộ tại Tổng công ty máy động lực và Máy nông nghiệp (VEAM), Bộ này cho biết, trong giai đoạn từ năm 2010 đến tháng 6 năm 2018, mặc dù kết quả kinh doanh hợp nhất tại VEAM hàng năm đều có lãi, tuy nhiên ngoài thu nhập chủ yếu do lợi nhuận từ các công ty liên doanh (Toyota, Honda...) mang lại. Trong khi đó, hoạt động sản xuất kinh doanh tại nhiều đơn vị thuộc VEAM không đạt hiệu quả, thậm chí thua lỗ.
Kết luận thanh tra cũng cho thấy, trong quá trình quản lý, điều hành tại VEAM và một số đơn vị thành viên còn tồn tại nhiều sai phạm, thiếu sót. Cụ thể, có nhiều sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ, sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản, công nợ… gây thiệt hại, lãng phí tài sản của nhà nước.
Bộ Công Thương yêu cầu VEAM, các đơn vị liên quan thuộc Bộ thực hiện nghiêm túc, khẩn trương các nội dung Kết luận Thanh tra. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đã tiếp tục chuyển một số vụ việc sang Bộ Công an để làm rõ và xử lý trách nhiệm đối với các hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định về quản lý kinh tế. Cụ thể, ngày 10/12/2018, Bộ Công Thương đã có Công văn số 1042/BCT-TCCB chuyển một số vụ việc sang Bộ Công an để làm rõ, xử lý trách nhiệm theo quy định.
Trước đó, ngày 10/12/2018, Bộ Công Thương đã có Công văn số 1042/BCT-TCCB chuyển một số vụ việc sang Bộ Công an để làm rõ, xử lý trách nhiệm theo quy định. Sau đó, Bộ Công an đã thực hiện việc điều tra, làm rõ, xử lý theo quy định.
Đến tháng 12/2018, Cục Hải quan TP.Hà Nội kiểm tra sau thông quan đối với hoạt động nhập khẩu 2010 bộ linh kiện HD72 thì đến tháng 3 và 4/2019 đã liên tiếp ra các văn bản truy nộp và phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 262,4 tỷ đồng. Ngoài ra, năm 2018, VEAM còn bị đồn đoán về việc tài trợ cho lãnh đạo Bộ Công Thương đi nước ngoài lên tới 1,4 tỷ đồng.
Hải Ninh