Theo thông tin ban đầu, vụ sập cổng trường đè chết học sinh xảy ra vào khoảng 16h cùng ngày, em T.Q.P (học sinh lớp 4, trường Tiểu học Lê Hữu Trác, thôn 3, xã Đắk Sin, huyện Đắk R'Lấp) đang đứng ở khu vực cổng trường.
Lúc này cột của cổng trường bất ngờ bị sập khiến em học sinh bị đè. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, nạn nhân được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng nên em P. đã tử vong.
Để trả lời cho câu hỏi sập cổng trường đè chết học sinh ở Đắk Nông: Trách nhiệm hiệu trưởng thế nào? PV Kiến Thức đã trao đổi với luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, trong vụ việc này cần làm rõ thời điểm tai nạn xảy ra có trong giờ học hay không, trách nhiệm trong việc trông nom, quản lý, giám sát các cháu thuộc về ai? Đồng thời làm rõ tình trạng của cánh cổng này trước khi đổ xuống có dấu vết, hư hỏng, có dấu hiệu của việc sắp gãy đổ hay không?
Cơ quan chức năng cần khẩn trương xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc đồng thời giúp đỡ, hỗ trợ gia đình các nạn nhân trong việc mai táng và cứu chữa cho các cháu đang phải cấp cứu để giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra.
|
Hiện trường nơi xảy ra vụ việc. |
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy người có trách nhiệm trông nom, quản lý các em phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn nơi đông người nhưng không thực hiện hết trách nhiệm của mình dẫn đến hậu quả tai nạn xảy ra, nhiều em thiệt mạng và bị thương thì có thể xem xét trách nhiệm pháp lý, thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vô ý làm chết người” theo Điều 128; tội “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính” theo Điều 129; hoặc tội “Vi phạm quy định về an toàn nơi đông người” theo Điều 295 Bộ luật Hình sự… Vấn đề này cơ quan chức năng sẽ xác minh làm rõ nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm để có quyết định đúng đắn nhất.
Nếu sự việc xảy ra trong giờ học, trong khuôn viên trường học, do tài sản, vật dụng của trường gây ra thì trường học phải bồi thường thiệt hại cho gia đình học sinh. Thiệt hại với học sinh bị thương tích bao gồm chi phí cứu chữa, tiền công chăm sóc, thiệt hại tinh thần.
Còn đối với học sinh thiệt mạng, trường phải bồi thường chi phí cứu chữa trước khi chết (nếu có), chi phí mai táng và một khoản bồi thường tổn thất về tinh thần không quá 100 tháng lương tối thiểu theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Gia đình các nạn nhân có thể thỏa thuận với nhà trường về mức bồi thường thiệt hại, nếu không thỏa thuận được thì có thể khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định pháp luật thì có thể yêu cầu Toà án giải quyết theo quy định pháp luật.
|
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.
|
Theo Luật sư Cường, sau khi nhà trường bồi thường cho gia đình các nạn nhân mà có căn cứ cho thấy cán bộ, giáo viên được giao nhiệm vụ trông nom quản lý các cháu hoặc được giao nhiệm vụ bảo vệ, đảm bảo cơ sở vật chất của nhà trường có lỗi gây ra hậu quả thiệt hại cho các học sinh thì những người này phải bồi hoàn lại những thiệt hại mà nhà trường đã bồi thường cho các học sinh và gia đình học sinh theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, Luật sư Cường cũng chia sẻ, trong sự việc đau thương này, dù có giải quyết thế nào, có ai chịu trách nhiệm trước pháp luật hay không thì đây chính là bài học cho các trường học, phải rà soát lại cơ sở vật chất trước năm học mới cũng như thường xuyên kiểm tra, sửa chữa trong năm học.
Dù biết rằng các cơ sở giáo dục đào tạo, các trường học ở vùng cao còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất còn thiếu thốn tuy nhiên không vì thế mà coi nhẹ tính mạng của học sinh. Tất cả những cây cối, tường, các vật dụng thiết bị ở nhà trường có nguy cơ hư hỏng, gãy đổ thì phải được kiểm tra, gia cố, xử lý để đảm bảo an toàn cho các học sinh, đồng thời cũng cần dạy các con các kỹ năng sống cần thiết để tránh những vụ việc tai nạn thương tâm như vậy.
>>> Xem thêm video: Cổng trường đổ sập đè chết học sinh lớp 4 ở Đắk Nông
Nguồn: Đài Truyền Hình Đồng Tháp.
Gia Đạt