Sáp nhập huyện xã tiết kiệm hơn 1.400 tỷ đồng
Các địa phương tính toán khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện và xã có thể sẽ tiết kiệm được hơn 1.400 tỷ từ việc giảm chi tiền lương, phụ cấp...
Bộ Nội vụ cho biết: Theo tính toán của các địa phương, khi tiến hành sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 43 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong đợt này thì dự kiến sẽ giảm chi ngân sách Nhà nước do giảm chi tiền lương, phụ cấp và chi hoạt động trong 5 năm tới (giai đoạn 2020 - 2024).
Tổng số tiền giảm chi là khoảng 1.431 tỷ đồng (gồm: giảm chi tiền lương và phụ cấp khoảng 511 tỷ đồng; giảm chi hoạt động khoảng 920 tỷ đồng) .
Trong đó năm 2020 giảm chi ngân sách nhà nước khoảng 481 tỷ đồng, năm 2021 giảm chi ngân sách nhà nước khoảng 305 tỷ đồng. Năm 2022: giảm chi ngân sách khoảng 215 tỷ đồng. Năm 2023: giảm chi NSNN khoảng 217 tỷ đồng. Năm 2024: giảm chi NSNN khoảng 213 tỷ đồng.
Số liệu thống kê từ 43 tỉnh, thành phố thực hiện sáp nhập cho thấy đã có 18 đơn vị hành chính cấp huyện được sắp xếp, giảm được 6 đơn vị. Còn cấp xã đã sắp xếp 1.025 đơn vị hành chính, giảm 545 đơn vị.
Sau sắp xếp, dự kiến dôi dư 428 cán bộ, công chức cấp huyện, hơn 9.500 người cấp xã và gần 7.000 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
Cũng theo tính toán của các địa phương, việc sáp nhập dự kiến sẽ giúp tiết kiệm 1.431 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước do giảm chi tiền lương, phụ cấp và chi hoạt động trong 5 năm tới (giai đoạn 2020-2024).
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, qua đó sẽ thực hiện được việc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, góp phần giảm tải được gánh nặng của Ngân sách nhà nước.
|
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn.
|
Sáp nhập huyện xã có nhiều khó khăn
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trả lời về vấn đề những khó khăn vướng mắc nhất trong quá trình thực hiện sáp nhập huyện, xã? Có thể nói, khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã là vấn đề sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức dôi dư. Bây giờ người ta đang làm việc, mỗi cán bộ, công chức đều đang ở một ví trí công tác như vậy, khi tiến hành sáp nhập phải sắp xếp lại, phải thay đổi vị trí công tác, có trường hợp phải giải quyết cho nghỉ, cho thôi việc hoặc tinh giản biên chế. Vì vậy, cần phải tiến hành và giải quyết làm sao cho thỏa đáng, có tình có lý, được cả cái chung và cái riêng.
Việc sáp nhập các đơn vị hành chính sẽ giúp cho tinh gọn bộ máy chính quyền địa phương, giảm được số lượng lớn cán bộ, công chức cấp xã, giảm được gánh nặng của Ngân sách nhà nước. Nhưng trong sắp xếp, số cán bộ, công chức dôi dư cũng phải giải quyết thế nào cho thỏa đáng, thông qua việc xem xét tuyển chọn, bố trí những người đủ điều kiện, tiêu chuẩn vào các vị trí còn thiếu ở các đơn vị hành chính khác, ở các sở ngành, hoặc giải quyết tinh giản biên chế, thôi việc, chuyển công tác khác…
Đó là cái khó nhất trong việc thực hiện chủ trương này, để bảo đảm ổn định. Việc sắp xếp này khi tiến hành không phải chỉ vận động người dân mà còn phải vận động cả cán bộ công chức, giúp họ đả thông được tư tưởng, yên tâm công tác, yên tâm trong việc tham gia vào việc sáp nhập này.
Còn theo Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Lại Xuân Môn nói rằng “Sáp nhập có băn khoăn không?”, ông Môn đặt câu hỏi và tự khẳng định đây là việc “quá băn khoăn”, vì có người tăng chức, có người xuống chức, có người đang ở gần lại đi xa…
Đề cập kết quả sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã, Bộ Nội vụ cho biết: Số lượng đơn vị hành chính cấp huyện giảm là 6 đơn vị. Trong đó: tỉnh Cao Bằng giảm 3 huyện, tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Hòa Bình giảm 1 huyện. Các tỉnh Yên Bái, Điện Biên có điều chỉnh địa giới để sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện nhưng không làm giảm số lượng huyện.
Sau sắp xếp, số lượng đơn vị hành chính cấp xã giảm là 545 đơn vị. Trong đó có những tỉnh giảm nhiều như: Hòa Bình giảm 59/210 đơn vị hành chính cấp xã (tỷ lệ giảm 28,09%); Cao Bằng giảm 38/199 đơn vị hành chính cấp xã (tỷ lệ giảm 19,10%); Phú Thọ giảm 52/277 đơn vị hành chính cấp xã (tỷ lệ giảm 18,77%)…
Việc xử lý cán bộ dôi dư sau sắp xếp huyện, xã đang là vấn đề nan giải. Dự kiến tại các đơn vị hành chính cấp huyện mới hình thành sẽ bố trí số cán bộ, công chức đúng quy định là 1.062 người. Số dôi dư là 428 người.
Ở cấp xã, lượng dôi dư lớn hơn nhiều. Dự kiến tại các đơn vị hành chính cấp xã mới hình thành sẽ bố trí số cán bộ, công chức cấp xã đúng quy định là 10.043 người. Còn số cán bộ, công chức cấp xã dôi dư là 9.534 người. Số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư là 6.913 người.
Các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện đã có báo cáo, phản ánh về Bộ Nội vụ là việc giải quyết các chính sách đối với những người dôi dư gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, khó bảo đảm hoàn thành trước năm 2022.
Cụ thể, trong giai đoạn 2019 - 2021, các địa phương có phương án giải quyết dứt điểm được số cán bộ, công chức cấp huyện dôi dư là 146 người; giải quyết được số cán bộ, công chức cấp xã dôi dư là 7.006 người và giải quyết được số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư là 6.705 người .
Đối với số cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư còn lại đến nay các địa phương vẫn còn lúng túng, chưa có phương án giải quyết.
Bộ Nội vụ cho biết sẽ tiếp tục đôn đốc, đồng hành và kiểm tra các địa phương triển khai thực hiện để bảo đảm giải quyết dứt điểm trước năm 2022. Trường hợp các địa phương có khó khăn về các cơ chế, chính sách, về nguồn lực để giải quyết, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Tiếp tục thu gọn đầu mối tổ chức các cơ quan
Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình nhấn mạnh, việc kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống hành chính Nhà nước là nhiệm vụ quan trọng, được Chính phủ quan tâm, chỉ đạo. Tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, cử tri cả nước, Chính phủ sẽ tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các việc sau:
Ban hành các văn bản về tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước và công vụ, công chức để thể chế hóa chủ trương của Đảng và các luật sẽ được Quốc hội thông qua. Trong đó, đặc biệt lưu ý những vấn đề mà đại biểu đã nêu như về văn bằng, chứng chỉ trong tuyển dụng, xử lý các vi phạm trong hoạt động công vụ, xử lý cán bộ sau khi nghỉ hưu, sắp xếp cán bộ dôi dư do tinh giản biên chế, về vị trí việc làm, chính sách đặc thù phù hợp đối với cán bộ là người dân tộc thiểu số, phương thức thi nâng ngạch công chức…
Chỉ đạo các bộ, ngành không quy định việc thành lập tổ chức trong các văn bản pháp luật không thuộc lĩnh vực tổ chức nhà nước. Chính phủ đề nghị các cơ quan của Quốc hội phối hợp chặt chẽ để triển khai thống nhất các chủ trương này.
Tiếp tục rà soát, sắp xếp, thu gọn đầu mối tổ chức của các cơ quan, bố trí số lượng cấp phó phù hợp. Đối với việc thí điểm hợp nhất các sở ngành ở địa phương, căn cứ ý kiến của các cơ quan, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Nội vụ xây dựng lộ trình thực hiện phù hợp, khả thi, thận trọng trong công tác sắp xếp, tổ chức và bố trí cán bộ.
Đẩy mạnh đổi mới cơ chế hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập theo lộ trình như Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII, gắn với nâng cao chất lượng và thực hiện xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công. Chỉ đạo các Bộ ngành hoàn thiện định mức biên chế giáo dục, y tế cho phù hợp với thực tế.
Rà soát, ban hành nghị quyết của Chính phủ, đẩy mạnh phân cấp, quản lý theo ngành, lĩnh vực giữa Trung ương và địa phương. Tới đây Chính phủ mong Quốc hội tiếp tục quan tâm, kịp thời xem xét, ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung các quy định trong các văn bản luật, tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện phân cấp. Thực hiện có hiệu quả tinh giản biên chế, quan tâm công tác cán bộ khi sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính. Bảo đảm chế độ chính sách đối với cán bộ dôi dư.
>>> Xem thêm video: Sát nhập thôn, bản, tinh gọn bộ máy: Dễ hay khó?
Trung Vương (Tổng Hợp)