Sập tường 10 người tử vong ở Đồng Nai: Ai chịu trách nhiệm?

Google News

(Kiến Thức) - Vụ sập công trình tại nhà máy Công ty AV Healthcare 10 người tử vong, 15 người bị thương khiến dư luận đặt ra câu hỏi, đơn vị nào sẽ phải chịu trách nhiệm?

Vụ sập tường khiến 10 người tử vong ở Đồng Nai do nhà thầu Công ty TNHH Hà Hải Nga đang thi công cao khoảng 8m, dài 109m tại Nhà máy Công ty AV Healthcare (KCN Giang Điền, huyện Trảng Bom), dư luận đặt ra câu hỏi, đơn vị nào sẽ phải chịu trách nhiệm?
Sap tuong 10 nguoi tu vong o Dong Nai: Ai chiu trach nhiem?
Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: Zing. 
Công ty AV Healthcare, nhà thầu Hà Hải Nga cùng phải chịu trách nhiệm?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cho rằng, tai nạn lao động là những tai nạn xảy ra trong quá trình lao động gắn với việc thực hiện công việc hay nhiệm vụ. Khi có sự cố xảy ra trên công trường thi công xây dựng, phải dừng thi công, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, sau đó tìm hiểu để xác định trách nhiệm thuộc về đơn vị nào.
Luật sư Diệp Năng Bình cho rằng, trong vụ tai nạn lao động sập tường tại Nhà máy Công ty AV Healthcare khiến 10 người tử vong, 15 người bị thương, trách nhiệm thuộc về nhà đầu tư, đơn vị tư vấn giám sát, thi công, nhà thầu, ban quản lý dự án…
Bên cạnh đó, cần tìm hiểu và truy cứu trách nhiệm của chủ đầu tư, tư vấn, giám sát, năng lực hành nghề của công nhân tham gia xây dựng. Sau khi xác định rõ mới có thể quy kết trách nhiệm cuối cùng thuộc về ai.
Sap tuong 10 nguoi tu vong o Dong Nai: Ai chiu trach nhiem?-Hinh-2
 Luật sư Diệp Năng Bình.
Theo phân tích của luật sư Bình, về nguyên tắc, mọi vấn đề về an toàn lao động, bảo hộ lao động và vệ sinh lao động tại công trường thi công xây dựng, chủ đầu tư công trình là người chịu trách nhiệm trước pháp luật, cơ quan chính quyền các cấp có liên quan khi có sự cố xảy ra.
“Nếu chủ đầu tư có cán bộ giám sát an toàn lao động, trách nhiệm của cán bộ giám sát đó về tai nạn lao động với chủ đầu tư là chuyện nội bộ của chủ đầu tư vối nhân viên của mình cứ ko phải cứ có cán bộ chuyên trách về an toàn lao động thì cán bộ đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật còn chủ đâu tư vô can! Trách nhiệm của cán bộ giám sát về an toàn lao động thể hiện qua hợp đồng lao động, nội dung phân công, phân nhiệm, quyết định giao nhiệm vụ tại công trường” – luật sư Bình cho biết.
Đồng thời, đơn vị thi công cũng phải có trách nhiệm chứ không chỉ chủ đầu tư có trách nhiệm khi có tai nạn, sự cố xảy ra.
Luật Xây dựng cũng quy định về quyền và nghĩa vụ của nhà thầu thi công xây dựng công trình.
Theo đó, nhà thầu thi công xây dựng có nghĩa vụ thực hiện đúng hợp đồng, thi công đúng thiết kế tiêu chuẩn xây dựng, bảo đảm chất lượng, tiến độ, an toàn và vệ sịnh môi trường, có nhật ký thi công xây dựng công trình, kiểm định vật liệu sản phẩm vật liệu xây dựng, quản lý công nhân lao động trên công trường không gây ảnh hưởng đến khu dân cư chung quanh, chịu trách nhiệm mua bảo hiểm….
Như vậy, nếu như trong quá trình thẩm tra, kiểm định, nhà thầu và các đơn vị chủ đầu tư có những hành vi vi phạm pháp luật, không làm đúng nhiệm vụ, cần phải chịu trách nhiệm trước thiệt hại do việc ấy gây ra.
Tuy nhiên theo thông tin ban đầu hiện trường nơi xảy ra tai nạn là công trình xây dựng tường rào tại nhà máy của Công ty AV Healthcare (Hàn Quốc). Nhà thầu thi công xây dựng công trình trên là Công ty TNHH Hà Hải Nga... Quá trình xây dựng nhà máy, Công ty AV Healthcare tự thuê đơn vị thi công, xây dựng. Khi công nhân đang làm việc, bức tường bất ngờ sụp đổ, vùi lấp nhiều người. Như vậy trách nhiệm trước tiên sẽ thuộc về Công ty AV Healthcare.
Luật sư Bình cho biết, nếu công trình xây dựng trái pháp luật, gây thiệt hại về tính mạng của người khác thì sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 298 Bộ luật hình sự 2015.
Theo điều 298 về tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng nêu rõ:
Người nào vi phạm quy định về xây dựng trong lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, giám sát, nghiệm thu công trình hoặc lĩnh vực khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 224 và Điều 281 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:
Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm:
Làm chết 2 người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng…”.
“Nếu trong trường hợp công trường xây dựng hợp pháp, tất cả các quy trình thực hiện đều đúng theo quy định của pháp luật không xác định được vi phạm sẽ không bị xử lý theo quy định của pháp luật. Trách nhiệm đặt ra ở đây là trách nhiệm bồi thường cho gia đình người bị thiệt hại” – luật sư Diệp Năng Bình cho biết.
Cần làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, vụ sập công trình tại Nhà máy Công ty AV Healthcare, KCN Giang Điền, (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) làm 10 người chết và 15 người bị thương là một vụ tai nạn nghiêm trọng.
Do đó, cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân của vụ tai nạn ở đây là gì, có hành vi vi phạm pháp luật trong việc đảm bảo an toàn công trình xây dựng hay không làm cơ sở giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
Trong vụ việc này, cơ quan điều tra sẽ làm rõ thiết kế, kiến trúc của công trình này và quá trình thi công công trình có đảm bảo đúng thiết kế, tiêu chuẩn, kỹ thuật hay không? Có thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người lao động, có sử dụng các dụng cụ bảo hộ lao động hay không? Việc sử dụng lao động có đúng chuyên môn, nghiệp vụ, có hợp đồng lao động hay không để làm cơ sở xác định tổ chức, cá nhân nào sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý trong vụ việc này.
Luật sư Cường cho rằng, trước tiên vấn đề cấp cứu, cứu chữa người bị thương là việc quan trọng nhất, đồng thời quan tâm, giúp đỡ những gia đình có nạn nhân thiệt mạng để thực hiện hoạt động mai táng và bồi thường, hỗ trợ kịp thời cho gia đình các nạn nhân.
Sap tuong 10 nguoi tu vong o Dong Nai: Ai chiu trach nhiem?-Hinh-3
 Luật sư Đặng Văn Cường.
“Vụ việc tai nạn lao động xảy ra chưa biết nguyên nhân từ đâu nhưng trước tiên người sử dụng lao động phải có trách nhiệm hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện trong việc chữa trị cho các nạn nhân bị thương và mai táng cho các nạn nhân thiệt mạng. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng để làm rõ nguyên nhân của vụ việc tai nạn, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật” – luật sư Cường nêu ý kiến.
Theo luật sư Cường, trường hợp xác định tổ chức, cá nhân nào có lỗi dẫn đến vụ việc tai nạn lao động xảy ra, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vi phạm quy định về xây dựng hoặc vô ý làm chết người... Tùy thuộc vào yếu tố lỗi và hành vi cụ thể.
Nguyên tắc người có lỗi, gây thiệt hại đến tài sản, sức khỏe, tính mạng của người khác thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Nếu có lỗi mà thiệt hại tính mạng của người khác hoặc thiệt hại nghiêm trọng đến sức khỏe của người khác còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo một trong các tội danh nêu trên.
Chiều ngày 14/5, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện về sập tường ở KCN Giang Điền (tỉnh Đồng Nai) khiến 10 người tử vong.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Đồng Nai khẩn trương tổ chức tìm kiếm, cứu chữa, thăm hỏi, động viên, có biện pháp hỗ trợ kịp thời gia đình người bị tử vong và bị thương; chỉ đạo tập trung khắc phục hậu quả vụ tai nạn này.
Đồng thời, Bộ Công an, UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn, xử lý nghiêm vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, ngay khi xảy ra vụ tai nạn, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng đã chỉ đạo Giám đốc Công an tỉnh, Sở Y tế, Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom xử lý cấp bách công việc.
Trong đó, yêu cầu Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai có mặt ngay hiện trường, chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp cấp bách về ứng phó sự cố cứu nạn, cứu hộ; khẩn trương cấp cứu kịp thời người bị thương và tiến hành điều tra làm rõ nguyên nhân xảy ra vụ việc để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
>>> Mời độc giả xem video Sập công trình xây dựng, 10 người chết, 15 người bị thương

Nguồn: Báo Đồng Nai.

Tâm Đức