Sập tường khiến 3 trẻ nhỏ tử vong: Trách nhiệm pháp lý ra sao?

Google News

Theo luật sư, đây là vụ tai nạn rất thương tâm, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân, đánh giá hậu quả... làm căn cứ giải quyết theo quy định của pháp luật.

Ngày 13/5, liên quan đến vụ sập tường khu vui chơi làm 3 trẻ nhỏ tử vong, trao đổi với báo chí, lãnh đạo xã Ba Trại (huyện Ba Vì, Hà Nội) cho biết đây là khu vui chơi do người dân tự mở, không được cấp phép và có thu phí.
Trước đó, khoảng 22h15 ngày 12/5, Công an xã Ba Trại (huyện Ba Vì, TP Hà Nội) nhận tin xảy ra mưa lớn làm đổ tường một khu vui chơi trên địa bàn làm 3 người bị vùi lấp. Thời điểm xảy ra vụ việc, khu vực xã Ba Trại có mưa lớn. Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã nỗ lực tìm kiếm, đưa được 3 nạn nhân ra khỏi khu vực bị sập, đổ tường nhà dân. Sau đó, cơ quan chức năng xác định cả 3 nạn nhân đã tử vong. Nạn nhân được xác định là cháu L.T.T. và L.K.N. (đều SN 2021; trú tại xã Cẩm Lĩnh); cháu T.A.D. (SN 2019, ở xã Thuần Mỹ).
Sap tuong khien 3 tre nho tu vong: Trach nhiem phap ly ra sao?
Nơi xảy ra sự việc. 
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, đây là vụ tai nạn rất thương tâm khi có đến ba đứa trẻ bị tử vong, điều đáng chú ý là các cháu bé gặp nạn ở trong khu vui chơi hoạt động không có giấy phép. Bởi vậy cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc, đánh giá hậu quả nghiêm trọng của sự việc làm căn cứ giải quyết theo quy định của pháp luật.
Sap tuong khien 3 tre nho tu vong: Trach nhiem phap ly ra sao?-Hinh-2
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) 
Luật sư Cường cho biết thêm, trong vụ việc này, vấn đề xác minh nguyên nhân của vụ tai nạn và sự việc có lỗi của cơ quan tổ chức nào hay không là yếu tố rất quan trọng để xác định hậu quả của sự việc. Trong trường hợp kết quả xác minh cho thấy đã có lỗi của đơn vị kinh doanh khu vui chơi tự phát thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can với người vi phạm về tội vô ý làm chết người theo quy định tại điều 128 Bộ luật Hình sự. Về nguyên tắc là hành vi có lỗi dẫn đến người khác thiệt mạng thì người có lỗi phải chịu trách nhiệm pháp lý, kể cả là lỗi cố ý hay vô ý.
Về mặt lý luận, có lỗi cố ý và lỗi vô ý. Lỗi cố ý là chủ thể nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, có thể xâm phạm đến quyền lợi của chủ thể khác nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả xảy ra. Còn lỗi vô ý cũng chia làm hai loại là “vô ý do quá tự tin” và “lỗi vô ý do cẩu thả”. Theo đó, lỗi vô ý do quá tự tin là: Người phạm tội thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả nguy hiểm đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được; Lỗi vô ý do cẩu thả là: Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước.
Bởi vậy, trong vụ việc này cơ quan chức năng sẽ làm rõ người quản lý khu vui chơi này có thấy trước được bức tường có nguy cơ bị đổ hay không, nếu thấy trước rồi thì nhận thức như thế nào khi vấn để các nạn nhân vui chơi ở xung quanh đó. Trong trường hợp kết quả xác minh cho thấy trước khi vụ tai nạn xảy ra thì đã có những vết lún nứt, có nguy cơ đổ sập nhưng người quản lý không phát hiện ra hoặc có phát hiện ra nhưng không có giải pháp khắc phục, không cảnh báo thì sẽ được xác định là có lỗi vô ý và trong trường hợp này sẽ xử lý hình sự về tội vô ý làm chết người theo khoản 2, điều 128 Bộ luật Hình sự với hình phạt là phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
Luật sư Cường cho hay, nếu trường hợp kết quả xác minh cho thấy, trước đó bức tường này không có biểu hiện ngã đổ, người chủ sở hữu công trình và người quản lý khu vui chơi không thể phát hiện ra nguy cơ sạt lở đất, nguy cơ đổ tường, sự việc là do thiên tai, có nguyên nhân khách quan gây ra ngoài ý muốn thì cơ quan điều tra sẽ không khởi tố vụ án hình sự (vì không chứng minh được yếu tố lỗi), tuy nhiên vấn đề trách nhiệm bồi thường thiệt hại vẫn sẽ vẫn được đặt ra. Theo quy định của pháp luật, chủ sở hữu nhà ở, chủ sở hữu công trình xây dựng phải bồi thường thiệt hại do nhà ở, công trình xây dựng gây ra kể cả trong trường hợp không có lỗi. Cụ thể điều 605 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do công trình xây dựng gây ra.
Cơ quan chức năng sẽ làm rõ bức tường này thuộc chủ sở hữu nào, ai là người xây dựng quản lý và sở hữu bức tượng này để xem xét trách nhiệm pháp lý về bồi thường thiệt hại do bức tường đổ gây ra. Theo điều 605 Bộ luật Dân sự hiện nay thì chủ sở hữu công trình xây dựng này phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân kể cả trong trường hợp chủ sở hữu không có lỗi, mức thiệt hại sẽ là thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm theo quy định của pháp luật. Hai bên có thể thỏa thuận với nhau về mức bồi thường, nếu không thỏa thuận được thì có thể đề nghị tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Bộ luật Dân sự quy định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do tính mạng bị xâm phạm bao gồm chi phí cứu chữa trước khi chết (nếu có), tiền công người chăm sóc, chi phí mai táng, tiền bồi thường tổn thất về tinh thần theo quy định của pháp luật (khoảng không quá 100 tháng lương cơ sở). 
Đây là sự việc tai nạn thương tâm có nguyên nhân từ thiên nhiên, đồng thời cũng có thể có lỗi của con người. Mùa mưa bão sắp đến, nguy cơ lũ lụt, sạt lở đất và nguy cơ đối nước đối với trẻ em là rất cao. Bởi vậy để giảm thiểu những vụ việc tai nạn thương tâm như vậy thì vấn đề phòng ngừa, tuyên truyền phổ biến pháp luật, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em là rất cần thiết.
>>> Mời quý độc giả xem video: Luật sư Đặng Văn Cường phân tích về vụ sập tường khiến 3 trẻ nhỏ tử vong
  
Gia Đạt