Sát nhân Triệu Quân Sự bỏ trốn: Trách nhiệm trại giam T-974?

Google News

Phạm nhân đặc biệt nguy hiểm Triệu Quân Sự bỏ trốn khỏi trại giam lần 3, dù bị bắt lại nhưng dư luận vẫn đặt câu hỏi về trách nhiệm trại giam này?

Sau 19 giờ trốn khỏi trại giam T-974 thuộc Cục Điều tra hình sự, Bộ Quốc phòng ở xã Thành Long (huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa), phạm nhân Triệu Quân Sự (32 tuổi, quê huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) đã bị Công an tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với các lực lượng chức bắt giữ ngày 1/6.
Triệu Quân Sự là đối tượng đặc biệt nguy hiểm, đã ba lần trốn trại. Trước đó, Sự đang chấp hành bản án chung thân về các tội Giết người, Cướp tài sản, Đào ngũ, Trốn khỏi nơi giam và Trộm cắp tài sản.
Sat nhan Trieu Quan Su bo tron: Trach nhiem trai giam T-974?
Triệu Quân Sự đã bị các lực lượng chức năng bắt giữ 
Cần làm rõ trách nhiệm trại giam
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Hoàng Tùng – Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho rằng, phạm nhân Triệu Quân Sự đang chấp hành án tù chung thân. Theo định về phân loại tội phạm tại Điều 9 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, Triệu Quân Sự thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Theo quy định tại Điều 376 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 về Tội thiếu trách nhiệm để người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù trốn, người nào được giao trách nhiệm trực tiếp quản lý, canh gác, áp giải người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về quản lý, canh gác, áp giải để người thực hiện tội phạm đặc biệt nghiêm trọng trốn thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm. Người nào phạm tội này còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Như vậy, trong vụ việc trên, lãnh đạo trại giam và các giám thị, quản giáo thực hiện nhiệm vụ vào ngày Triệu Quân Sự bỏ trốn phải có trách nhiệm. Tuy nhiên, để có kết luận chính thức cần dựa vào lời khai của Triệu Quân Sự và kết quả điều tra khách quan từ phía cơ quan chức năng.
“Trại giam là nơi được xây dựng theo quy chuẩn và mọi hoạt động đều được quản lý, giám sát rất nghiêm ngặt. Tại sao một phạm nhân trốn khỏi trại giam mà không bị phát hiện, ngăn chặn ngay lập tức. Do đó cần phải làm rõ cả về phía trại giam trực tiếp quản lý, giam giữ phạm nhân, những người có liên quan trực tiếp đến vụ việc, không thể loại trừ khả năng có sự thông đồng, tiếp tay để phạm nhân thực hiện việc bỏ trốn”, luật sư Tùng nêu ý kiến.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, việc Triệu Quân Sự tiếp tục bỏ trốn khỏi trại giam cho thấy việc quản lý trại phạm nhân ở một số đơn vị còn nhiều sơ suất, thiếu sót, thậm chí có thể còn là thiếu trách nhiệm dẫn đến việc phạm nhân bỏ trốn.
Sat nhan Trieu Quan Su bo tron: Trach nhiem trai giam T-974?-Hinh-2
 Sự cười một cách khó hiểu khi bị bắt lại.
Để xảy ra hành vi trốn khỏi nơi giam giữ có một phần trách nhiệm của đơn vị quản lý, giam giữ. Nên ngoài việc xem xét xử lý hình sự đối với người trốn khỏi nơi giam giữ, cơ quan chức năng cũng sẽ xem xét trách nhiệm của cán bộ, của cơ quan tổ chức để xảy ra sự việc. Với cán bộ trực tiếp quản lý có thể sẽ bị xử lý kỷ luật, nếu hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vấn đề này cơ quan chức năng sẽ làm rõ để xem xét trách nhiệm của người bỏ trốn và trách nhiệm của đơn vị quản lý để xử lý theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, cơ quan chức năng cần phải tích cực tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, các phương tiện kĩ thuật và trách nhiệm để tránh vụ việc tương tự có thể xảy ra.
Khó có thể trốn thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật
Nói về hành vi của Triệu Quân Sự, luật sư Cường cho rằng, phạm nhân này trở nên nổi tiếng khi đã lập được "kỷ lục" khi nhiều lần vượt ngục thành công nhưng cũng bị bắt lại một cách nhanh chóng.
Hành vi trốn khỏi nơi giam giữ là hành vi vi phạm pháp luật. Người trốn khỏi nơi giam giữ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn khỏi nơi giam giữ theo quy định tại điều 386 Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 về Tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải, đang bị xét xử. Sự tiếp tục đối mặt với một tội danh tiếp theo là tội trốn khỏi nơi giam giữ với mức hình phạt là 3 năm tù.
Cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ trong quá trình bỏ trốn, Sự có thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nào khác không để xử lý theo quy định.
Lý giải động cơ khiến Sự bỏ trốn, luật sư Cường cho rằng, có nhiều lý do, trong đó có thể kể đến là sự nơi lỏng trong công tác quản lý và những suy nghĩ tiêu cực, dị thường của đối tượng này so với các phạm nhân khác. Đối tượng không ăn năn sám hối về hành vi của mình, không tích cực cải tạo để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật mà lại có những hành vi có biểu hiện tâm lý bất thường. Việc Sự mê game, thái độ cười cợt khi bắt giữ cho thấy tâm lý của đối tượng này là không ổn định.
Nếu trong quá trình điều tra truy tố xét xử, cơ quan điều tra cho thấy có dấu hiệu bệnh lý tâm thần, có thể tiến hành trưng cầu giám định tâm thần để xem xét trách nhiệm pháp lý. Trường hợp đối tượng mắc bệnh tâm thần làm hạn chế khả năng nhận thức thì đây có thể được xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự khi tòa án lượng hình.
Bên cạnh đó, có thể Sự trốn trại cũng xuất phát từ nhận thức về quy định pháp luật liên quan đến tổng hợp hình phạt. Hành vi trốn khỏi nơi giam giữ chỉ có hình phạt tù có thời hạn, trong khi đó đối tượng đang chấp hành hình phạt chung của nhiều tội danh trước đó là tù chung thân nên khi tổng hợp hình phạt hình phạt cao nhất vẫn chỉ là tù chung thân, không thay đổi so với mức hình phạt trước đây. Có lẽ nắm bắt được quy định này nên Sự tỏ ra coi thường pháp luật phải chấp nhận hậu quả pháp lý xấu nhất có thể xảy ra khi bị bắt giữ.
Tuy nhiên, với việc không chịu cải tạo, coi thường pháp luật, Sự sẽ không được xem xét đặc xá giảm án. Theo quy định của pháp luật, người bị kết án tù chung thân vẫn có thể được chuyển thành tù có thời hạn là 30 năm, rồi sẽ tiếp tục được giảm nếu như chấp hành tốt trong quá trình cải tạo và có thể được đặc xá, tha tù trước thời hạn nhưng phải đảm bảo thời gian chấp hành hình phạt không dưới 20 năm tù. Việc Sự trốn trại nhiều lần, rất khó có cơ hội để trở về. Nếu thời gian tới, Sự nhận thức được sai phạm, cố gằng chấp hành cũng phải mất thời gian dài mới có cơ hội được khoan hồng chuyển từ án chung thân sang tù có thời hạn là 30 năm, có thể xem xét giảm án tiếp tục trong thời gian chấp hành nếu như đáp ứng được các điều kiện tiêu chuẩn, tiêu chí để giảm án theo quy định pháp luật.
Vụ việc này một lần nữa cho thấy việc trốn khỏi nơi giam giữ hoàn toàn có thể xảy ra, tuy nhiên rất khó có thể trốn thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật.
Chiều 31/5, phạm nhân Triệu Quân Sự đã lợi dụng sơ hở của cán bộ quản giáo và bỏ trốn khỏi Trại giam T-974. Ngay sau khi phát hiện vụ việc, trại giam đã huy động lực lượng truy tìm và thông báo công an địa phương để phối hợp bắt giữ.
Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp với các đơn vị Cục Điều tra hình sự, Bộ Quốc phòng, huy động tối đa các lực lượng truy tìm đối tượng Triệu Quân Sự; đồng thời, chỉ đạo Công an các xã, thị trấn chốt chặn các tuyến đường, tuần tra, rà soát, kết hợp tuyên truyền người dân trên địa bàn đề cao cảnh giác.
Chiều 1/6/2022, đối tượng Triệu Quân Sự đã bị bắt giữ tại xã Yên Dương, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Đối tượng Triệu Quân Sự là đối tượng rất manh động và nguy hiểm, từng phạm tội giết người, cướp tài sản, trộm cắp tài sản và nhiều lần trốn khỏi nơi giam giữ.
>>> Mời độc giả xem thêm video Truy nã phạm nhân nhiễm HIV:

Nguồn: VTV TSTC

Hải Ninh