Việc điều chỉnh tổng mức đầu tư này của Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội được thực hiện trên cơ sở tham khảo lại đơn giá, suất đầu tư đã được Bộ Kế hoạch - đầu tư thẩm định.
Tuyến đường sắt đô thị số 2 Hà Nội có tổng chiều dài 5,9km đi ngầm dưới lòng đất, ước tính chi phí đầu tư trung bình 5.888 tỉ đồng/km, tương đương 259 triệu USD/km theo tỉ giá hiện hành.
|
Đoàn tàu trên tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông - Ảnh:Phương Chinh. |
Sau khi các bộ, ngành cho ý kiến thẩm định về đơn giá, suất đầu tư dự án, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội tính toán lại tổng mức đầu tư dự án.
Theo đó, tổng mức đầu tư dự án giảm từ 34.743 tỉ đồng đã được rút xuống còn 28.918 tỉ đồng, tức giảm 5.825 tỉ đồng. Như vậy, trung bình 1km đường sắt đô thị được điều chỉnh giảm khoảng 1.000 tỉ đồng.
Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình thuộc danh mục các dự án, công trình trọng điểm, được bố trí vốn ngân sách để chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2016-2020.
Đến giai đoạn 2010-2015, dự án này dự kiến được thực hiện đầu tư bằng ngân sách thành phố và nguồn vay ODA. Giai đoạn tiếp theo tuyến sẽ được đầu tư kéo dài đến khu vực Nam Thăng Long.
Theo thành phố Hà Nội, việc rà soát làm rõ căn cứ suất đầu tư, tổng mức đầu tư nhằm loại bỏ các chi phí không thực sự cần thiết để bảo đảm hiệu quả của dự án.
Các chi phí được điều chỉnh giảm gồm chi phí xây dựng, chi phí mua sắm xây dựng, lắp đặt hệ thống đường sắt, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, chi phí quản lý dự án, chi phí lãi vay, và chi phí dự phòng…
Cụ thể, Hà Nội đã tính toán lại chi phí xây dựng, đơn giá nhân công, máy thi công tuyến đường sắt đô thị số 2 theo đơn giá mới được Bộ Xây dựng công bố tháng 5-2017.
Một số đơn giá này không có trong định mức được áp dụng theo báo giá của nhà cung cấp, hoặc tham khảo từ các dự án tương tự.
Chi phí mua sắm, xây dựng và lắp đặt hệ thống đầu máy, toa xe, công trình đường sắt, thông tin, hệ thống cung cấp điện nguồn, hệ thống thu phí… cũng được tính toán lại dựa trên thông số tham khảo tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Thượng Đình.
Bên cạnh đó, chi phí lãi vay, chi phí dịch vụ và phí cam kết cũng như các chi phí dự phòng đều được tính toán lại bên cạnh chi phí giải phóng mặt bằng.
Dù đã rà soát lại và giảm được 5.825 tỉ đồng, thành phố Hà Nội cũng lưu ý rằng tổng mức đầu tư này mới chỉ là dự kiến ở giai đoạn đề xuất dự án và có thể tiếp tục ra soát trong giai đoạn lập dự án để có thể cắt bỏ các chi phí không cần thiết khác.
Về cơ chế tài chính cho dự án, thành phố Hà Nội tính toán, với quy định thành phố trực thuộc trung ương được vay lại nguồn vay ODA từ Chính phủ lên tới 80% tổng mức đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 2, tương đương được vay khoảng 18.650 tỉ đồng từ nguồn ODA.
Vốn đối ứng của thành phố cho dự án khoảng 5.606 tỉ đồng tập trung cho chi quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác, các loại thuế, và công tác giải phóng mặt bằng, di dời công trình hạ tầng đô thị.
Theo Bảo Ngọc/Tuổi Trẻ