Sau Việt Á, Bộ Y tế cấp phép bộ kit test cho hàng loạt công ty

Google News

Ngoài bộ sinh phẩm phát hiện SARS-CoV-2 của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á, Bộ Y tế còn cấp phép cho hàng loạt bộ sinh phẩm khác của nhiều công ty.

Ngày 18/10/2021, Cổng thông tin điện tử của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đăng tải về buổi làm việc của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ KH&CN với các bộ, ngành liên quan cùng các nhà khoa học để trao đổi, đánh giá và đề xuất định hướng, giải pháp toàn diện của ngành KH&CN phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong trạng thái bình thường mới.
Sau Viet A, Bo Y te cap phep bo kit test cho hang loat cong ty
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy báo cáo tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Cổng thông tin này thuật lời Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy: "Nghiên cứu sản xuất các bộ sinh phẩm phát hiện SARS-CoV-2, tiêu biểu là Bộ sinh phẩm realtime RT-PCR do Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á nghiên cứu, sản xuất thành công, đạt tiêu chuẩn quốc tế phát hiện SARS-CoV-2, được Bộ Y tế cấp phép và đưa vào sử dụng ngay từ đợt dịch đầu tiên bùng phát ở Việt Nam (ngày 07/3/2020); Bộ sinh phẩm reatime RT-LAMP do Công ty cổ phần Sao Thái Dương nghiên cứu sản xuất, được Bộ Y tế cấp phép sử dụng tháng 5/2021; Hệ thống phát hiện nhanh SARS-CoV-2 do Công ty TNHH MTV Sinh hóa Phù Sa nghiên cứu sản xuất, được Bộ Y tế cấp phép sử dụng tháng 7/2021; Test nhanh kháng nguyên do Công ty Medicon nghiên cứu sản xuất đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng vào ngày 18/3/2021...".
Sau Viet A, Bo Y te cap phep bo kit test cho hang loat cong ty-Hinh-2
Ngoài bộ sinh phẩm của Việt Á còn có một số bộ sinh phẩm của các công ty khác cũng được Bộ KH&CN và Bộ Y tế thông qua. 
Như vậy, ngoài bộ kit test COVID-19 của Công ty Việt Á đang bị cơ quan Công an điều tra về những sai phạm trong việc nâng khống giá bộ xét nghiệm COVID-19 thì còn có các bộ kit test, hệ thống phát hiện nhanh SARS-CoV-2 của các công ty như: Sao Thái Dương, Sinh hóa Phù Sa, Công ty Medicon... cũng đã được Bộ Y tế cấp phép và đang bán ra thị trường, sử dụng trong công tác xét nghiệm phát hiện COVID-19. 
Hiện tại, trên Cổng công khai giá trang thiết bị y tế đã có trên 1.600 doanh nghiệp thực hiện công khai giá bán (giá niêm yết theo quy định của Luật giá), có trên 60.000 mặt hàng trang thiết bị y tế công khai giá (8.256 thiết bị y tế; 36.191 vật tư y tế; 15.584 IVD) và 93.253 kết quả trúng thầu.
Cùng thời điểm Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á niêm yết giá trên Cổng công khai giá là 470.000 đồng/sản phẩm, thì Công ty cổ phần Sao Thái Dương niêm yết giá loại xét nghiệm PCR là 300.000 đồng/sản phẩm và xét nghiệm LAMP có giá 385.000 đồng/sản phẩm; Test nhanh Trueline COVID-19 Ag Rapid Test, xét nghiệm định tính phát hiện kháng nguyên SARS-CoV-2 trong mẫu ngoáy dịch tỵ hầu của Công ty TNHH Medicon có giá bán công bố gần 100.000 đồng/test (giảm hơn 35.000 đồng so với thông báo trước đó)...
Dù các bộ kit test và hệ thống phát hiện nhanh SARS-CoV-2  của Công ty cổ phần Sao Thái Dương, Medicon, Sinh hóa Phù Sa rẻ hơn Công ty Việt Á nhưng dư luận vẫn đặt nghi vấn về giá thực của các bộ kit test vì trong suốt một năm qua luôn xảy ra tình trạng loạn giá xét nghiệm COVID-19.
Tính đến ngày 20/12/2021, Bộ Y tế đã cấp phép 146 sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2, trong đó có 46 sinh phẩm xét nghiệm vật liệu di truyền (PCR, LAMP) tương tự như sản phẩm của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á và Công ty cổ phần Sao Thái Dương (bao gồm 07 sinh phẩm sản xuất trong nước và 39 sinh phẩm nhập khẩu). Bộ Y tế xác định việc cấp phép cho nhiều sản phẩm là để tăng cường nội địa hóa, chủ động nguồn cung và tạo sự cạnh tranh về giá sinh phẩm xét nghiệm.
Dù vậy, thực tế vẫn xảy ra sai phạm trong việc đấu thầu bộ kit xét nghiệm COVID-19, cụ thể là vụ án của Công ty CP Công nghệ Việt Á. Liệu các doanh nghiệp, công ty có bộ sinh phẩm phát hiện SARS-CoV-2 được Bộ KH&CN thẩm định, Bộ Y tế cấp phép và đang bán ra thị trường có "giật mình"?.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Đảm bảo an toàn khi tiêm vắc xin phòng COVID-19

Nguồn: VTV

Thiên Tuấn