‘Sếp’ thi hành án chiếm đoạt gần 1 tỉ, tội gì?

Google News

Tòa phúc thẩm hủy án, cho rằng bị cáo có dấu hiệu tội tham ô tài sản chứ không phải lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Ngày 19-8, TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm lưu động tại TP Cần Thơ đối với bị cáo Lý Phương Tùng bị cấp sơ thẩm kết án về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, tòa phúc thẩm cho rằng bản án sơ thẩm xác định tội danh không đúng nên đã hủy án để yêu cầu điều tra lại. Bị cáo Tùng là cựu chi cục trưởng Chi cục Thi hành án (THA) huyện Châu Thành A (Hậu Giang).
Thu tiền thi hành án tại nhà
Trước đó, xử sơ thẩm vào tháng 5, TAND tỉnh Hậu Giang tuyên Tùng 13 năm tù, sau đó bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Ông C. là một trong năm bị hại kháng cáo yêu cầu xử bị cáo tội tham ô tài sản. Một người liên quan tên U. cũng kháng cáo đề nghị bị cáo phải trả lại 200 triệu đồng mà ông đã vay hộ Tùng (có biên nhận kèm dấu mộc của Chi cục THA huyện).
Theo bản án sơ thẩm, từ tháng 1-2018 đến tháng 3-2019, bị cáo Tùng đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn thu hơn 965 triệu đồng tiền THA không đúng theo chứng từ của Bộ Tài chính của năm người bị hại.
Theo đó, TAND huyện cùng cấp công nhận sự thỏa thuận thành với nội dung buộc một cặp vợ chồng phải trả nợ tiền và vàng cho bảy người, trong đó có ông C. Sau đó, Chi cục THA huyện có các quyết định THA theo đơn yêu cầu.
Quá trình tổ chức THA, bị cáo Tùng đã kê biên các thửa đất của người phải THA và định giá để đem đất ra bán đấu giá đến lần thứ năm nhưng không có người đăng ký mua. Thông qua người quen, ông C. biết số đất trên chưa bán được nên đã đến Chi cục THA huyện gặp Tùng để xin đăng ký mua.
Đồng thời, ông C. cũng chủ động thỏa thuận giá đất với vợ chồng người phải THA là 60 triệu đồng/công (tổng cộng 14 công). Sau đó, ông C. gặp và giao tiền cho bị cáo Tùng nhiều lần, có lần giao tại nhà bị cáo, tổng cộng là 680 triệu đồng.
Tuy nhiên, việc giao nhận tiền thể hiện qua phiếu thu theo mẫu cũ không còn giá trị sử dụng ngày 1-11-2018. Do đã nộp tiền mua đất cho bị cáo Tùng nhưng không được bàn giao đất nên ngày 22-2-2019 ông C. làm đơn tố cáo Tùng chiếm đoạt số tiền trên. Tùng khai sau khi thu tiền của ông C., bị cáo không nộp tiền vào quỹ của cơ quan THA theo quy định mà để trả nợ và tiêu xài cá nhân hết.
Bốn vụ còn lại, bị cáo đã chiếm đoạt tài sản hơn 280 triệu đồng của ba bị hại khác. Cụ thể, Tùng chiếm đoạt hơn 256 triệu đồng của một người phải THA trả nợ; chiếm đoạt 20 triệu đồng của một người phải trả nợ ngân hàng; chiếm đoạt 2,24 triệu đồng tiền cấp dưỡng nuôi con của một người đàn ông; chiếm đoạt chi phí cưỡng chế THA hơn 7 triệu đồng.
‘Sep’ thi hanh an chiem doat gan 1 ti, toi gi?
Bị cáo Lý Phương Tùng (đeo kính) tại tòa phúc thẩm. Ảnh: NHẪN NAM 
Hủy án vì có dấu hiệu tội tham ô
Tại tòa, HĐXX cấp phúc thẩm nhận định trong thời gian làm chi cục trưởng Chi cục THA huyện, bị cáo lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thu tiền về hoạt động THA không đúng, chiếm đoạt hơn 965 triệu đồng của năm bị hại. Số tiền thu được bị cáo không nộp vào cơ quan mà tự ý giữ sử dụng riêng.
Bị cáo là chi cục trưởng, có quyền phân công nhiệm vụ cho chấp hành viên thực hiện việc THA cho đương sự theo các bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Tại tòa, bị cáo thừa nhận khi thu tiền có ghi vào các biên lai thu tiền theo mẫu của Tổng cục THA. Có những khoản tiền đương sự nộp ngoài trụ sở cơ quan THA nhưng đều do bị cáo thu. Do bị cáo là chi cục trưởng nên những người bị hại đều hiểu việc nộp tiền cho bị cáo là nộp cho cơ quan Chi cục THA huyện.
Theo HĐXX, hành vi của bị cáo đã xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước là Chi cục THA huyện Châu Thành A. Hành vi của bị cáo có dấu hiệu của tội tham ô tài sản. Cấp sơ thẩm xác định bị cáo phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo Điều 355 BLHS là không đúng.
Do đó, kháng cáo của bị hại C. cho rằng hành vi của bị cáo có dấu hiệu tội tham ô tài sản là có cơ sở. Người liên quan tên U. cung cấp một bản viết tay của bị cáo vay tiền, có đóng dấu mộc của Chi cục THA huyện. Vì thế cần chấp nhận kháng cáo của ông U., đưa vụ việc của ông U. vào cùng vụ án này để xét xử mới đảm bảo giải quyết dứt điểm.
Do bị cáo có dấu hiệu phạm tội khác nặng hơn và phải đưa vụ việc của ông U. vào cùng vụ án nên tòa phúc thẩm quyết định bác kháng cáo của bị cáo, hủy án sơ thẩm, chuyển hồ sơ cho cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại theo quy định.
Bị cáo có thể đối mặt mức án 20 năm tù
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm…
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 15-20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỉ đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3 tỉ đồng đến dưới 5 tỉ đồng;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động.
Trích khoản 1 và khoản 3 Điều 353 (tội tham ô tài sản)
Theo Nhẫn Nam/PLO